Sửa BLTTDS: Quy định nguyên tắc tranh tụng

(PL)- Tại buổi tọa đàm do TAND Tối cao phối hợp Chương trình Đối tác tư pháp do Ủy ban châu Âu, chính phủ Đan Mạch và Thụy Điển tài trợ vừa tổ chức tại Hà Nội, nhiều đại biểu đồng tình về việc đưa nguyên tắc tranh tụng vào dự thảo BLTTDS (sửa đổi).

Theo Phó Chánh án TAND Tối cao Tống Anh Hào, nguyên tắc “bảo đảm tranh tụng trong xét xử” trong Hiến pháp 2013 chi phối toàn bộ trình tự, thủ tục tố tụng dân sự (TTDS), từ khi tòa thụ lý đến các khâu cung cấp, giao nộp, thu thập chứng cứ, hòa giải, xét xử sơ thẩm, phúc thẩm và cả giám đốc thẩm, tái thẩm.

Hỏi kết hợp tranh tụng

Ông Hào cho hay việc bổ sung nguyên tắc tranh tụng không đồng nhất với việc thay thế mô hình TTDS tại Việt Nam hiện nay mà chỉ nhằm đảm bảo TTDS thể hiện được đầy đủ tính dân chủ, bình đẳng, công khai và minh bạch. “Mô hình TTDS của nước ta là mô hình hỏi kết hợp tranh tụng một cách hợp lý” - ông Hào nói.

Vì tranh tụng được thể hiện ngay từ khi tòa thụ lý cho đến khi tòa kết thúc xét xử nên đương sự có quyền và nghĩa vụ cung cấp chứng cứ chứng minh yêu cầu của mình hoặc phản bác yêu cầu của đương sự khác. Tòa có trách nhiệm thu thập chứng cứ khi đương sự không thể tự mình thu thập hoặc các trường hợp khác theo quy định. Mọi chứng cứ đều được công khai nhằm đảm bảo các đương sự được biết chứng cứ mà tòa thu thập được hoặc do bên kia giao nộp cho tòa. Dự thảo BLTTDS (sửa đổi) vì thế sẽ quy định bổ sung phiên họp chuẩn bị xét xử để đảm bảo công khai, minh bạch về cung cấp, thu thập chứng cứ và giải quyết các yêu cầu khác về tố tụng.

Một phiên tòa xét xử vụ án dân sự tại TP.HCM. Ảnh: HTD

Ngoài ra, theo ông Hào, HĐXX chỉ điều hành phiên tòa dân sự nhằm đảm bảo tính dân chủ, khách quan, minh bạch và chỉ hỏi các vấn đề mà người tham gia tố tụng trình bày chưa rõ. Nếu tại tòa xuất hiện tình tiết mới hoặc cần phải thu thập bổ sung chứng cứ thì phiên tòa phải tạm ngừng nhằm đảm bảo làm rõ sự thật khách quan của vụ án. HĐXX sẽ phán quyết trên cơ sở kết quả tranh tụng tại phiên tòa.

Làm rõ thủ tục tranh tụng ở từng giai đoạn

Đồng tình với nguyên tắc tranh tụng từ khi tòa thụ lý đến khi kết thúc xét xử, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phạm Quý Tỵ nhận xét: Để đảm bảo nguyên tắc này, dự thảo BLTTDS (sửa đổi) cần quy định rõ hơn trách nhiệm chứng minh thuộc về các bên tham gia tố tụng, trách nhiệm các bên phải cung cấp chứng cứ cho nhau và thủ tục tranh tụng ở từng giai đoạn tố tụng.

Cạnh đó, ông Tỵ đề nghị bố trí các thẩm phán có năng lực chuyên môn cao, có uy tín chủ trì các phiên hòa giải trong án dân sự. Trong khi hòa giải, các bên có thể tiến hành tranh tụng để bảo vệ quan điểm của mình, thẩm phán chủ trì phiên hòa giải tạo điều kiện để các bên trình bày quan điểm và định hướng cho các bên hòa giải. Nếu làm tốt công tác hòa giải thì sẽ hạn chế được số lượng các vụ án phải đưa ra xét xử.

Ai cũng được quyền dự phiên tòa

Bà Bùi Thị Dung Huyền (Trưởng phòng Nghiên cứu pháp luật dân sự, thương mại Viện Khoa học xét xử TAND Tối cao) khuyến nghị: Ngoài việc để đương sự được quyền thu thập, cung cấp và bảo vệ chứng cứ thì các vụ án dân sự đều phải được xét xử công khai, mọi công dân đều có quyền được dự và theo dõi diễn biến của việc tranh tụng tại phiên tòa. Đồng thời, phiên tòa cần được thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Theo bà Huyền, việc tranh tụng công khai, trực tiếp và bằng lời nói tại phiên tòa dân sự là cần thiết để đảm bảo việc xét xử công minh, chính trực, không thiên vị, ngăn ngừa những phán quyết tùy tiện, bất công, trái pháp luật. Điều này cũng đảm bảo cho người dân thực hiện quyền giám sát đối với hoạt động xét xử của tòa. Hơn nữa, hoạt động này sẽ có tác dụng phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân nhằm phòng, chống tội phạm cũng như các vi phạm pháp luật khác.

Về diễn biến phiên tòa, bà Huyền cho rằng không nên tách các phần trình bày, hỏi và tranh luận thành các giai đoạn độc lập mà phải đi theo vấn đề tranh chấp, có đan xen việc trình bày, hỏi và tranh luận. Hệ quả kéo theo là bố cục bản án cũng phải thiết kế lại, không cần phân định rõ các phần “nhận thấy”, “xét thấy”… mà phải trình bày theo các vấn đề tranh chấp.

Bà Nguyễn Thị Hạnh (Học viện Tư pháp) góp ý: Trong quá trình tranh tụng tại phiên tòa nên để cho các bên đương sự hỏi nhau, tranh luận với nhau trước chứ không nên để thẩm phán hỏi trước. Điều này vừa đảm bảo quyền lợi của đương sự vừa tránh việc các thẩm phán sử dụng những “thủ thuật” để kéo dài phiên tòa hoặc có những câu hỏi bất lợi cho một bên đương sự, đồng thời tránh được việc áp dụng pháp luật tùy tiện của người thi hành tố tụng.

Xin ý kiến Quốc hội về chín nội dung

Trong tờ trình về dự án BLTTDS (sửa đổi), TAND Tối cao đã liệt kê chín nội dung quan trọng nhưng còn nhiều ý kiến khác nhau để Quốc hội cho ý kiến:

1. Đảm bảo nguyên tắc tranh tụng trong TTDS.

2. Sự tham gia của VKSND đối với phiên tòa, phiên họp giải quyết vụ việc dân sự.

3. Thủ tục giám đốc thẩm.

4. Thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao.

5. Thủ tục rút gọn trong TTDS.

6. Công nhận kết quả hòa giải ngoài tòa án.

7. Thẩm quyền của tòa trong thi hành án dân sự.

8. Việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không gắn liền với việc khởi kiện.

9. Thủ tục phúc thẩm lần hai.

Tranh tụng mở rộng?

Tranh tụng không chỉ bắt đầu từ khi tòa thụ lý mà phải bắt đầu ngay từ khi có tranh chấp dân sự xảy ra. Kết thúc quá trình tranh tụng cũng không chỉ dừng lại ở giai đoạn tuyên án mà còn ở cả phần thi hành án dân sự.

Ông MAI BỘ, Phó Chánh tòa Quân sự Trung ương

Cho đương sự trưng cầu giám định

Theo đúng tinh thần tranh tụng thì bất cứ vấn đề gì có thể tranh tụng được là phải tranh tụng. Tuy nhiên, hiện có nhiều quy định gây khó khăn cho đương sự khi thu thập chứng cứ nên việc tranh tụng cũng gặp nhiều khó khăn. Chẳng hạn quy định buộc đương sự phải đề nghị tòa trưng cầu giám định, nếu tòa đồng ý thì mới được giám định và tòa chỉ chấp nhận kết quả giám định khi tòa đồng ý. Cần phải có quy định về quyền trưng cầu giám định của đương sự và chấp nhận kết quả giám định do đương sự trưng cầu để phục vụ cho việc tranh tụng hiệu quả.

LÊ THU HÀ, Ban Cải cách tư pháp Trung ương

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm