Sửa BLHS, không vì ép tiến độ mà tiếp tục để xảy ra sai sót

Ảnh: VGP/QUANG HIẾU
Ảnh: VGP/QUANG HIẾU
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã trình bày tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS số 100/2015/QH13.
Theo Bộ Tư pháp, phạm vi sửa đổi, bổ sung BLHS lần này chủ yếu tập trung vào những điều khoản của BLHS 2015, do có lỗi kỹ thuật mà nếu không sửa thì không bảo đảm áp dụng thống nhất. Đồng thời, nghiên cứu sửa đổi nội dung quy định trong một số điều khoản mà không ảnh hưởng đến những chính sách lớn đã được Quốc hội khóa XIII thông qua và đạt được sự đồng thuận giữa các bộ, ngành nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu đấu tranh, phòng chống tội phạm cũng như bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người phạm tội.
thu tuong: sai sot cua bo luat hinh su 2015 la rat nghiem trong hinh 1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại phiên họp.
Đặt vấn đề sai sót của BLHS 2015 là rất đáng tiếc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ban soạn thảo và các đơn vị liên quan rút kinh nghiệm, nâng cao trách nhiệm, tránh để tái diễn sai sót.
“Qua theo dõi các phiên thảo luận của Quốc hội thấy rằng BLHS 2015 đã thể hiện được tinh thần mới của Hiến pháp 2013, có nhiều chính sách tiến bộ, nhân đạo và khẳng định BLHS 2015 không sai về quan điểm, đường lối chủ trương của Đảng, không sai về chính sách và những nội dung lớn mà Bộ Chính trị đã cho ý kiến chỉ đạo cũng như Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội thảo luận. Trong đó có những quy định về trách nhiệm hình sự pháp nhân, hạn chế hình phạt tử hình, thay thế tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Do vậy, tinh thần sửa đổi bộ luật lần này là không đặt vấn đề sửa đổi chính sách” - Thủ tướng nêu rõ.

Về tiến độ thời gian sửa đổi, Thủ tướng yêu cầu việc nghiên cứu sửa đổi cần thận trọng, không vì ép tiến độ mà tiếp tục để xảy ra sai sót. Tinh thần chung là cố gắng hoàn thành và trình Quốc hội tại kỳ họp thứ hai vào tháng 10 tới nhưng điều kiện đặt ra là dự thảo phải đảm bảo chất lượng. Nếu thấy chưa đảm bảo chất lượng cần báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội cho lùi thời gian biểu quyết thông qua.

Thủ tướng cho rằng đây là bộ luật quan trọng, nội dung tác động trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân và liên quan tới tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội. Do vậy, việc xây dựng luật phải trên cơ sở ý kiến đóng góp của nhiều bộ, ngành, đặc biệt là những cơ quan trực tiếp áp dụng pháp luật như công an, tòa án, kiểm sát, thi hành án.

"Để đảm bảo chất lượng dự thảo bộ luật, tôi đề nghị trưởng ban soạn thảo, phó thủ tướng phụ trách giữ nguyên thành phần ban soạn thảo, nhất là Bộ Tư pháp, Bộ Công an, VKS, TAND Tối cao để bảo đảm thống nhất cao về những vấn đề lớn, đặc biệt là phạm vi sửa đổi. Thứ hai, ban soạn thảo phải tổ chức lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan, chịu tác động trực tiếp của bộ luật” - Thủ tướng đề nghị.

Thủ tướng cũng chỉ đạo các bộ, ngành có trách nhiệm gửi ý kiến bằng văn bản đúng thời gian yêu cầu về những vấn đề liên quan đến chức năng quản lý của bộ, ngành mình cho ban soạn thảo; không để xảy ra tình trạng bộ, ngành không có ý kiến để Bộ Tư pháp, trưởng ban soạn thảo phải tự quyết định, ảnh hưởng đến chất lượng dự thảo bộ luật.

Trước đó, Quốc hội có nghị quyết quy định lùi hiệu lực thi hành của BLHS từ ngày 1-7-2016 đến ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS có hiệu lực thi hành, trừ một số quy định có lợi cho người phạm tội. Quốc hội quyết nghị bổ sung dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 và trình Quốc hội khóa XIV tại kỳ họp thứ 2 (khai mạc vào tháng 10-2016).

Nhiều ý kiến đề nghị bỏ Điều 292

Tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ tội danh quy định tại Điều 292 vì không phù hợp.

Chinhphu.vn cho biết theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn, việc quy định tội danh này ảnh hưởng đến cộng đồng khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông. Mạng máy tính và viễn thông là công cụ kinh doanh của đa số doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam trong hầu hết các lĩnh vực.

Theo quy định thì phần lớn các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng Internet và do có tương tác giữa những người sử dụng với nhau nên được coi là mạng xã hội. Với điều kiện như hiện nay, các doanh nghiệp khởi nghiệp khó đáp ứng được điều kiện kinh doanh mạng xã hội mà trong quá trình khởi nghiệp thì phải thử nghiệm để hoàn thiện mô hình kinh doanh và nếu thử nghiệm thành công với lợi nhuận trên 50 triệu đồng hay có doanh thu trên 500 triệu đồng thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự như quy định tại Điều 292 là không hợp lý. 

Điều 292. Tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông

“1. Người nào cung cấp một trong các dịch vụ sau đây trên mạng máy tính, mạng viễn thông không có giấy phép hoặc không đúng nội dung được cấp phép, thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc có doanh thu từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm:
a) Kinh doanh vàng trên tài khoản;
b) Sàn giao dịch thương mại điện tử;
c) Kinh doanh đa cấp;
d) Trung gian thanh toán;
đ) Trò chơi điện tử trên mạng;
e) Các loại dịch vụ khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định của pháp luật."

...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm