Sự không biết của cựu giám đốc Sở Địa chính Bình Dương

Ngày 10-5, TAND tỉnh Bình Dương tiếp tục phiên tòa xử vụ án lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ gây thiệt hại của Nhà nước hơn 131 tỉ đồng. Trong ngày xử thứ ba, tòa tiếp tục xét hỏi các bị cáo Cao Minh Huệ (cựu giám đốc Sở Địa chính tỉnh Bình Dương), Đỗ Văn Sâm (cựu cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Bến Cát) và Phan Văn Trung (cựu trưởng Phòng NN&PTNT huyện này). 

Gây thất thoát hơn 131 tỉ đồng

Vụ án này xảy ra đã hơn 10 năm, cơ quan tố tụng từng hai lần tạm đình chỉ điều tra vụ án, điều tra bị can rồi lại phục hồi điều tra. Sau đó, Bộ Công an điều tra và VKSND Tối cao ra cáo trạng truy tố. Các bị cáo bị bắt tạm giam hơn một năm (từ 29-10-2009), sau đó cho tại ngoại (tháng 2-2011) cấm đi khỏi nơi cư trú. Bị can Nguyễn Thanh Hải (nguyên giám đốc Công ty Chế biến cây công nông nghiệp xuất khẩu/Sobexco) đã mất năm 2010 nên cqđt ra quyết định đình chỉ điều tra đối với bị can này.

Theo cáo trạng, Công ty Sobexco được tỉnh Bình Dương giao quản lý 706 ha đất vườn điều tại xã An Tây, huyện Bến Cát. Năm 1997, Sobexco thanh lý 650 ha vườn điều, vay vốn để trồng cây cao su nhưng không hiệu quả, dẫn đến nợ kéo dài. Sobexco đã bán 658 ha cao su trong tổng số 706 ha đất được giao.

Những người mua vườn cao su được UBND huyện Bến Cát cấp sổ đỏ không đúng pháp luật, khiến Nhà nước thất thu tiền thuê đất. Đến năm 2007, khi Nhà nước tiến hành giải phóng mặt bằng Khu công nghiệp An Tây, những người đã mua đất lại được tiền bồi thường về đất, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 131 tỉ đồng.

bị cáo Huệ đã làm tờ trình đề nghị UBND tỉnh Bình Dương nâng hạn mức giao đất từ 10 ha lên 30 ha/hộ. Bị cáo Huệ đã mua hơn 75 ha để cho vợ con, chị em ruột của Huệ đứng tên. Dù đến nay chưa nhận tiền bồi thường (do UBND quyết định tạm dừng), gia đình Huệ đã được hưởng lợi giá trị quyền sử dụng đất hơn 1,3 tỉ đồng…

Bị cáo Cao Minh Huệ, cựu giám đốc Sở Địa chính tỉnh Bình Dương, đang trả lời tòa. Ảnh: LA

Bị cáo Cao Minh Huệ hỏi ngược lại tòa

Trả lời HĐXX, bị cáo Cao Minh Huệ nói việc kết luận điều tra và truy tố của VKS không đúng với bản chất sự việc. Bị cáo cho rằng mình áp dụng đúng Luật Đất đai 1993. Bị cáo Huệ nói Công ty Sobexco là doanh nghiệp nhà nước, được giao 706 ha đất nông nghiệp không thu tiền sử dụng đất nên không có quyền chuyển nhượng diện tích đất được giao là hoàn toàn chính xác.

Thế nhưng trong tờ trình số 542 ban hành ngày 15-9-2000 do bị cáo Huệ ký thì lại có nội dung: Thu hồi khu đất sản xuất nông nghiệp có diện tích hơn 306 ha của Công ty Sobexco tại xã An Tây, huyện Bến Cát; giao toàn bộ diện tích thu hồi như trên cho UBND huyện Bến Cát xem xét và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho người sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật.

Trước tòa, bị cáo Huệ không thừa nhận, cũng không phủ nhận nội dung của văn bản này. Tòa cật vấn: “Vậy chữ ký trong văn bản này có đúng là của bị cáo không?”. bị cáo Huệ trả lời là đúng.

Trong lần bán 352 ha cao su lần thứ hai, tám người trong gia đình bị cáo Cao Minh Huệ gồm vợ, con, em, cháu đã tham gia mua hơn 75 ha với giá hơn 3,6 tỉ đồng. Khi HĐXX hỏi về vấn đề này, bị cáo Huệ trả lời rằng không biết những người trong gia đình mình mua đất tại đây, chỉ đến khi nội bộ gia đình xảy ra cãi vã mới biết sự việc. Còn việc từ đâu những người trong gia đình mình biết việc bán đất trên thì bị cáo không biết.

Theo kết luận điều tra, để vợ và con mình được cấp sổ đỏ trên 10 ha/người mà vẫn đảm bảo hạn mức giao đất nông nghiệp, bị cáo Huệ đã ký tờ trình số 666/TT-ĐC đề nghị UBND tỉnh Bình Dương nâng hạn mức giao đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương từ 10 ha/hộ gia đình hoặc cá nhân lên 30 ha/hộ gia đình hoặc cá nhân. Trả lời tòa, bị cáo Huệ nói đó là sự trùng hợp ngẫu nhiên, bị cáo không hề biết vợ con mình mua đất.

HĐXX giả định: “Nếu việc cấp sổ đỏ đối với diện tích đất 658 ha là sai thì bị cáo có trách nhiệm gì hay không?”. bị cáo Huệ không thừa nhận sai mà hỏi ngược lại: “Nếu có sai thì sai ở chỗ nào?”…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm