Sử dụng súng hơi: Coi chừng bị tội giết người

Vụ việc một thợ sơn đang đứng sơn một công trình ở trên cao tại quận Bình Thạnh (TP.HCM) bị trúng đạn xảy ra vào chiều 14-5 đã gây hoang mang trong dư luận. Hiện Công an quận Bình Thạnh đang tiếp tục điều tra làm rõ vụ việc.

Đáng lưu tâm, đây không phải là trường hợp cá biệt. Câu hỏi đặt ra là việc sở hữu, sử dụng các loại súng cũng như các vấn đề liên quan đến súng hiện nay được pháp luật điều chỉnh ra sao?

Sử dụng súng hơi là phạm luật

ThS Trần Thị Mỹ Duyên, giảng viên Khoa luật Trường ĐH Văn Lang, cho biết khoản 1 và khoản 3 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 (sau đây gọi tắt là Luật Quản lý, sử dụng vũ khí - Luật QLSDVK) đã định nghĩa rất rõ về vũ khí.

Bị cáo Vũ Tuấn Dũng bị phạt 15 năm tù về tội giết người vì có hành vi
“thử súng” gây thương tích cho nhiều người. Ảnh: BTP

Theo đó, vũ khí là thiết bị, phương tiện hoặc tổ hợp những phương tiện được chế tạo, sản xuất có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất. Vũ khí bao gồm: vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao và vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự.

Trong đó, súng săn là súng được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, được sử dụng để săn bắn, bao gồm: súng kíp, súng hơi và đạn sử dụng cho các loại súng này.

Tiếp nữa, khoản 1 Điều 5 Luật QLSDVK nghiêm cấm cá nhân sở hữu vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, trừ vũ khí thô sơ là hiện vật để trưng bày, triển lãm, đồ gia bảo. “Như vậy, việc cá nhân sử dụng vũ khí, đặc biệt là súng hơi, vũ khí quân dụng… là hành vi vi phạm pháp luật” - ThS Mỹ Duyên nói.

Mặt khác, theo Điều 18 và Điều 24 Luật QLSDVK, một số trường hợp được phép sử dụng súng bao gồm: Người được giao sử dụng vũ khí trong luyện tập, thi đấu thể thao; các đối tượng trong công an, quân đội, kiểm lâm, lực lượng chuyên trách chống buôn lậu của hải quan, dân quân tự vệ… Những người nêu trên phải thỏa mãn đầy đủ các điều kiện quy định tại Điều 7 Luật QLSDVK thì mới được giao sử dụng súng và phải sử dụng đúng mục đích, bảo đảm an toàn.

Bắn trúng người: Có thể xử tội giết người

Theo ThS Mỹ Duyên, việc người dân sử dụng súng, súng hơi (và các vũ khí có tính năng tương tự) trái phép thì tùy từng trường hợp có thể bị xử lý hình sự theo một trong các tội danh khác nhau. Đó là các tội giết người (Điều 123 BLHS, hình phạt cao nhất đến tử hình), vô ý làm chết người (Điều 128 BLHS, hình phạt cao nhất 10 năm tù), các tội vô ý, cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 138, Điều 134 BLHS), tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ (Điều 306 BLHS)…

ThS Mỹ Duyên nêu ví dụ: Anh A mua súng hơi và đạn chì về với mục đích bắn chim nhưng anh ta lại ngắm bắn chị B đang đi ngoài đường để “thử súng”. Kết quả chị B bị thương tích 20%. Trường hợp này, hành vi của anh A thuộc lỗi cố ý trực tiếp. Hậu quả chị B không chết nên anh A có thể bị xử lý về tội giết người ở giai đoạn phạm tội chưa đạt.

Một ví dụ khác: Anh A cầm súng hơi ngắm bắn chim trên cây nhưng vô tình đạn bay lạc, trúng vào ngực chị B làm chị B chết. Trường hợp này, hành vi của anh A thuộc lỗi vô ý do cẩu thả. Đối với tội này, hậu quả chết người là dấu hiệu bắt buộc để định tội danh vô ý làm chết người.

Cần tăng mức chế tài mới đủ sức răn đe

Đồng tình với ý kiến trên, luật sư (LS) Lê Văn Thanh (Đoàn LS TP.HCM) cho biết: Tùy thuộc vào tính chất, mức độ cũng như hành vi của người sử dụng súng trái phép với những mục đích như thế nào mới có thể xác định chính xác tội danh.

Theo LS Thanh, để có căn cứ pháp lý cũng như cơ sở xác định đúng tội danh, cơ quan điều tra phải tiến hành hàng loạt biện pháp nghiệp vụ như thực nghiệm hiện trường, dựng lại hiện trường vụ án, trưng cầu giám định về loại đạn bắn để xác định loại súng bắn, cự ly… “Sau khi có đầy đủ tài liệu, chứng cứ theo quy định, các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ kết luận hành vi đó phạm phải tội gì” - LS Thanh nói.

ThS Mỹ Duyên và LS Thanh cùng quan điểm cho rằng nếu cá nhân sử dụng súng hơi nói riêng và vũ khí nói chung trái phép, chưa đến mức phải xử lý hình sự thì sẽ bị xử phạt hành chính theo các điểm d, đ khoản 3 Điều 10 Nghị định số 167/2013. Theo đó, mức phạt tiền là 2-4 triệu đồng. Người vi phạm còn bị xử phạt bổ sung cũng như bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả.

“Các quy định về việc sử dụng súng hiện nay là khá chặt chẽ, khoa học. Tuy nhiên, quy định về chế tài hành chính hiện nay chưa đủ sức răn đe. Vì vậy, cần có chế tài nghiêm khắc hơn trong xử phạt hành chính (tăng mức phạt tiền) và hình sự (tăng mức hình phạt tù) đối với hành vi sử dụng trái phép các loại súng. Ngoài ra, cơ quan chức năng cần quản lý, theo dõi, xử phạt đối với những trang quảng cáo trên mạng phục vụ việc mua bán các loại vũ khí nguy hiểm này” - LS Thanh đề xuất.

 

Trò thử súng quái đản và cái án giết người

Ngày 10-5, TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt Vũ Tuấn Dũng 15 năm tù về tội giết người.

Tháng 1-2020, do có sở thích bắn chim, Dũng đã lên mạng mua súng hơi, đạn chì. Từ tháng 2 đến tháng 5-2020, Dũng đã nhiều lần chĩa súng bắn người đi đường để… thử độ chính xác của súng. Trong số nhiều nạn nhân, có một người bị Dũng bắn trúng gây thương tật 14% vào ngày 29-4. Ngoài việc bị kết án giết người, Dũng còn bị phạt hành chính 3 triệu đồng do có hành vi sử dụng súng trái phép.

Cựu công an thử súng gây ra cái chết thương tâm

Vào tối 30-10-2020, trung úy Nguyễn Xuân T. (cán bộ Công an huyện Phúc Thọ, Hà Nội) đã “thử súng” tại đường Võ Văn Dũng (phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội) gây ra cái chết thương tâm cho một sinh viên năm tư Trường ĐH Giao thông vận tải.

Trước đó, do có sở thích bắn chim, T. đi mua súng hơi trên mạng. Đêm xảy ra vụ việc, T. tưởng súng hơi này đã hết đạn nên bóp cò để khoe với bạn bè trong quán nước. Không ngờ súng nổ và gây ra hậu quả chết người. Sau đó T. đã bị tước quân tịch, bị bắt tạm giam để điều tra về tội vô ý gây chết người.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm