Sở Tư pháp TP.HCM tổ chức hội nghị giao ban tư pháp

Chiều 18-12, Sở Tư pháp TP.HCM tổ chức hội nghị giao ban tư pháp 24 quận, huyện quý VI-2020 và triển khai công tác tư pháp quý I-2021. 

Hội nghị này được kết hợp với chuyến về nguồn tại tỉnh Đồng Tháp và An Giang do ông Huỳnh Văn Hạnh, Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM chủ trì.

Ông Huỳnh Văn Hạnh, Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM phát biểu tại hội nghị giao ban tư pháp, chiều 18-12. Ảnh: NQ

Trước khi vào hội nghị, Đoàn đã đến thăm và dâng hoa mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, Bảo tàng Chủ tịch Tôn Đức Thắng.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Huỳnh Văn Hạnh ghi nhận sự nỗ lực của các phòng tư pháp quận, huyện trong thời gian qua đã góp phần vào thành công chung của ngành tư pháp TP năm 2020.

Toàn cảnh hội nghị giao ban công tác tư pháp, chiều 18-12. Ảnh: NQ

Trong quý IV, các phòng tư pháp quận, huyện thực hiện tư vấn pháp lý 516 vụ việc.  Phòng tư pháp tiếp tục được UBND quận, huyện giao tư vấn, giải quyết nhiều vụ việc phức tạp, liên quan đến bồi thường, áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính, khiếu nại kéo dài, đất đai đền bù giải tỏa…

Hầu hết các ý kiến tư vấn do phòng tư pháp thực hiện được UBND và các phòng ban đánh giá cao, được sự đồng thuận của cơ quan, đơn vị đề nghị tư vấn.

Công tác chứng thực tăng hơn 21,4% (so với cùng kỳ năm 2019) với tổng số vụ việc giải quyết trên toàn TP là hơn 4 triệu trường hợp. Tổng số vụ hộ tịch được giải quyết là 200.795 hồ sơ...

Đoàn công tác Sở Tư pháp TP.HCM viếng mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Ảnh: N.Q

Tại hội nghị này, các phòng chuyên môn sở và phòng tư pháp quận, huyện đã trao đổi các khó khăn vướng mắc trong công tác chuyên môn, tập trung trong công tác xử lý vi phạm hành chính, hộ tịch, công tác tư vấn pháp luật...

8 nhiệm vụ trọng tâm

Trong quý I-2021, Sở Tư pháp TP.HCM đề nghị các phòng tư pháp quận, huyện tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra theo chương trình công tác trọng tâm của quận, huyện trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ sau:

1. Xây dựng chương trình trọng tâm công tác tư pháp năm 2021, trình UBND quận, huyện ký ban hành trước ngày 31-1-2021.

2. Tham mưu UBNDquận, huyện soạn thảo văn bản theo yêu cầu; thực hiện rà soát thẩm định về mặt pháp lý và rà soát, tự kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của quận, huyện và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của phường, xã theo quy định.

3. Tham mưu UBND quận, huyện ban hành Kế hoạch kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật năm 2020.

4. Tham mưu Chủ tịch UBND quận, huyện công bố Danh mục văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần năm 2020; Danh mục văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần trước năm 2020, thuộc đối tượng của kỳ công bố trước nhưng chưa được công bố (nếu có) theo quy định tại Điều 157 Nghị định số 34/2016.

5. Tham mưu UBNDquận, huyện ban hành Kế hoạch phổ biến giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở năm 2020, trong đó tập trung triển khai các đề án, các văn bản pháp luật mới.

6. Tiếp tục hướng dẫn các phường, xã những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết các hồ sơ đăng ký, xác nhận hộ tịch.

7. Tiếp tục hướng dẫn các phường, xã thực hiện công tác hòa giải theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành có liên quan, phấn đấu nâng tỷ lệ hòa giải thành ở cơ sở; phối hợp, đôn đốc UBND xã, phường kiện toàn, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt dộng của Tổ hòa giải ở cơ sở.

8. Thực hiện báo cáo năm 2019 chính thức công tác tư pháp theo Thông tư số 03 ngày 20-3-2019 của Bộ Tư pháp hướng dẫn một số nội dung về hoạt động thống kê của ngành Tư pháp và gửi về Sở Tư pháp bằng Phần mềm Thống kê Ngành Tư pháp đúng thời hạn quy định.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm