Sẽ quản lý livestream, trò chơi trên mạng...

Bộ TT&TT đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng cùng Nghị định 27/2018 về sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013.

Do sự phát triển đa dạng của mạng xã hội

Theo Bộ TT&TT, sau khi Nghị định 72/2013 được ban hành đến nay, các loại hình thông tin cung cấp trên mạng đã mở rộng đa dạng hơn. Đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của các mạng xã hội (MXH) như Facebook, YouTube, TikTok, Twitter, Instagram…

Thực tiễn thi hành cùng những phát sinh của quá trình hội nhập, thực trạng phát triển về công nghệ thông tin và Internet… đã bộc lộ bất cập và khoảng trống pháp lý cần được hoàn thiện.

Người dùng mạng xã hội tại TP.HCM. Ảnh minh họa: HOÀNG GIANG

Do đó, Bộ TT&TT đã xây dựng dự thảo nghị định với nhiều nội dung, quy định cập nhật tình hình và đề xuất quy định về quản lý hoạt động cung cấp thông tin xuyên biên giới.

Cụ thể, theo đề xuất của Bộ TT&TT, các doanh nghiệp (DN) cung cấp dịch vụ thông tin xuyên biên giới phải tuân thủ pháp luật Việt Nam (VN), đồng thời tuân thủ quy định chuyên ngành khi cung cấp dịch vụ tại VN như MXH, cung cấp trò chơi điện tử trên mạng, kho ứng dụng…

Cơ quan có thẩm quyền của VN có quyền ngăn chặn trong các trường hợp dịch vụ xuyên biên giới cung cấp thông tin vi phạm pháp luật VN hoặc không hợp tác để ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm.

Bộ TT&TT đề xuất các trang web/ứng dụng cung cấp dịch vụ nội dung có từ 100.000 lượng người truy cập thường xuyên một tháng phải thông báo/xác nhận thông báo hoạt động với Bộ TT&TT và phối hợp xử lý thông tin vi phạm.

Các dịch vụ xuyên biên giới phải thực hiện quy trình ngăn chặn, gỡ bỏ dịch vụ, thông tin vi phạm trong vòng 24 giờ khi có yêu cầu từ cơ quan có thẩm quyền VN.

Các DN viễn thông thực hiện biện pháp kỹ thuật cần thiết nhằm ngăn chặn nội dung vi phạm cung cấp tới người sử dụng tại VN.

Bộ TT&TT cũng nhấn mạnh đến quyền của người sử dụng tại VN. Theo đó, người sử dụng có quyền thông báo vi phạm, yêu cầu DN cung cấp xuyên biên giới xử lý.

Người dùng thông báo cho Bộ TT&TT về những vi phạm nội dung trên các website cung cấp dịch vụ xuyên biên giới và khởi kiện nếu quyền và lợi ích hợp pháp bị ảnh hưởng.

Các bộ, ngành, địa phương xác định nội dung vi phạm thuộc phạm vi, chuyên ngành quản lý và chuyển Bộ TT&TT là đầu mối yêu cầu DN xuyên biên giới xử lý, gỡ bỏ thông tin vi phạm.

Bổ sung trách nhiệm MXH xuyên biên giới

Ngoài ra, Bộ TT&TT đề xuất bổ sung thêm một trách nhiệm của MXH xuyên biên giới tại VN như phải có bộ phận chuyên trách tiếp nhận/giải quyết khiếu nại từ người sử dụng.

Tạm khóa/xóa các nội dung (trong vòng 24 giờ) khiếu nại chính đáng từ cá nhân/tổ chức bị ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp khi nhận được yêu cầu. Tuân thủ quy định về bản quyền với báo chí khi đăng, phát những tác phẩm báo chí của các cơ quan báo chí VN.

MXH xuyên biên giới phải yêu cầu các kênh/tài khoản tại VN có lượng người sử dụng theo dõi/đăng ký từ 10.000 người trở lên thực hiện thông báo thông tin liên hệ với Bộ TT&TT.

Các MXH xuyên biên giới chỉ cho phép các kênh/tài khoản đã thông báo với Bộ TT&TT mới được cung cấp dịch vụ phát trực tuyến (livestream) và dịch vụ có phát sinh doanh thu.

Ngoài ra, Bộ TT&TT cũng đánh giá tình trạng “báo hóa” MXH (MXH hoạt động như báo điện tử, như trang thông tin điện tử tổng hợp) đang diễn biến phức tạp.

Để hạn chế tình trạng này, Bộ TT&TT đề xuất một số quy định mới. Theo đó, chỉ các tài khoản đã được định danh hai lớp (xác thực tài khoản với tên thật và số điện thoại) mới được viết bài, đăng bình luận, livestream, nếu không thì chỉ được xem.

Tên dịch vụ MXH phải ngay sát bên dưới tên trang (nếu có), có cỡ chữ bằng 1/2 cỡ chữ tên trang. Thông tin thành viên đăng tải theo thời gian thực, không sắp xếp thành các chuyên mục.

Chỉ các MXH có giấy phép thiết lập MXH mới có quyền thu phí sử dụng dịch vụ dưới mọi hình thức hay cung cấp dịch vụ livestream.

Các MXH chỉ cho phép các kênh/tài khoản đã thông báo với Bộ TT&TT mới được livestream và tham gia các dịch vụ phát sinh doanh thu dưới mọi hình thức.

 

Trước mắt cần tuyên truyền, nhắc nhở việc đăng ký livestream 

Hiện nay, việc xử lý vi phạm trên MXH chưa đạt hiệu quả một phần do khó xác định chủ sở hữu của kênh trên MXH. Vì vậy, việc đề xuất chỉ các MXH đã được Bộ TT&TT cấp giấy phép cung cấp dịch vụ MXH mới có quyền livestream hoặc các dịch vụ có phát sinh doanh thu là hợp lý.

Việc bổ sung quy định các tài khoản, trang cộng đồng… có lượng người theo dõi/đăng ký từ 10.000 người trở lên phải thực hiện thông báo thông tin liên hệ với Bộ TT&TT, còn nếu dưới 10.000 người không phải thực hiện thông báo nhưng nếu phát video trực tuyến (livestream) hoặc tham gia các dịch vụ có phát sinh doanh thu dưới mọi hình thức thì vẫn phải thực hiện thông báo là cần thiết.

Đây là cơ sở quan trọng để các cơ quan quản lý có những thông tin cần thiết và can thiệp kịp thời khi xuất hiện các hành vi tiêu cực ảnh hưởng đến cộng đồng, quản lý nhà nước.

Ngoài ra, việc thông báo cũng là cơ sở quan trọng trong việc xác định chủ thể phải thực hiện nghĩa vụ đóng thuế đối với các khoản thu nhập phát sinh từ hoạt động thương mại thông qua MXH.

Theo tôi, cần cân nhắc việc siết chặt hoạt động livestream để phù hợp trong từng giai đoạn cụ thể. Chẳng hạn, dịch bệnh đang phức tạp, ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh doanh truyền thống thì việc livestream bán hàng sẽ là cứu cánh cho nhiều người.

Do đó, trước mắt cần tuyên truyền, nhắc nhở việc đăng ký, thông báo thay vì áp dụng các chế tài có tính chất cứng rắn như đối với hoạt động kinh doanh các sản phẩm hợp pháp.

ThS NGUYỄN NHẬT THANHTrường ĐH Luật TP.HCM

YẾN CHÂU ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm