Sẽ miễn hình phạt người lái máy cày gây tai nạn

VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng vừa có văn bản trả lời kiến nghị của luật sư (LS) Nguyễn Văn Quynh (Đoàn LS TP Hà Nội), người bảo vệ cho hai bị cáo trong vụ lái máy cày gây tai nạn trên rẫy, theo hướng không có cơ sở kháng nghị giám đốc thẩm. Nhưng cơ quan này cũng khẳng định theo quy định của BLHS 2015 và Nghị quyết số 41 của Quốc hội thì bị cáo được miễn toàn bộ hình phạt.

Hai cha con hầu tòa

Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 15-5, TAND tỉnh Đắk Lắk đã tuyên phạt bị cáo Dương Xuân Thi chín tháng tù về tội vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Cha của Thi là ông Dương Văn Thực bị tòa phạt cảnh cáo về tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ. Hai bị cáo phải bồi thường cho người bị hại hơn 100 triệu đồng. Từ đó, LS đã có đơn kiến nghị giám đốc thẩm cho rằng các bị cáo bị oan.

Ông Thực mua một xe máy cày và giao cho Thi (chưa có bằng lái B1) lái đi cày đất. Đầu năm 2016, Thi lái xe máy cày đi thu hoạch bắp tại rẫy nhà mình cùng em Trần Tuấn Anh (16 tuổi, trú cùng thôn, là bạn của em trai Thi) phụ giúp bốc bắp lên xe. Khi xong việc, Tuấn Anh và em trai Thi đi bộ đường rẫy ra ngồi chờ Thi chạy xe máy cày ra rồi cùng về. Khi Thi điều khiển xe đến nơi, Thi nhíu mày ra hiệu rụt chân lại để xe chạy qua nhưng Tuấn Anh vẫn ngồi im nên bị xe máy cày cán qua chân trái gây thương tật 38%. Xử sơ thẩm, TAND huyện M’Đrắk phạt Thi 15 tháng tù, ông Thực 10 triệu đồng nên hai bị cáo kháng cáo kêu oan.

Tại các phiên tòa, LS Quynh đưa ra hai vấn đề khẳng định hai bị cáo bị truy tố, xét xử oan. Thứ nhất, cần làm rõ máy cày mà bị cáo Thi lái có được xem là phương tiện giao thông hay không. Tại hồ sơ vụ án CQĐT chưa có văn bản trưng cầu các cơ quan chức năng xác định đây là phương tiện giao thông. Thứ hai là làm rõ đoạn đường mà bị cáo lái máy cày xảy ra tai nạn có phải là đường giao thông hay không vì thực tế là đoạn đường rẫy. Ngoài ra, cần làm rõ cơ chế va chạm gây ra tai nạn để xác định được các bị cáo có tội hay không. Đây cũng là các vấn đề mà LS làm căn cứ đề nghị xem xét giám đốc thẩm.

Con đường rẫy nơi xảy ra vụ tai nạn. Ảnh: ĐẠI DŨNG

Không oan!

VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng cho rằng khoản 18 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ quy định: Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (sau đây gọi là xe cơ giới) gồm mô tô, máy kéo, rơmoóc hoặc sơ mi rơmoóc được kéo bởi ô tô, máy kéo, mô tô hai bánh, mô tô ba bánh, xe máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự. Tại Công văn số 1091 của Sở GTVT tỉnh Đắk Lắk xác định xe do bị cáo Thi gây tai nạn là xe máy kéo bánh lốp, tải trọng kéo theo là 3.470 kg, người điều khiển phương tiện phải có giấy phép lái xe theo quy định.

Vấn đề thứ hai, khi gây tai nạn Thi điều khiển xe máy kéo đi trên đoạn đường trong khu vực rẫy của gia đình ông Thực. Quá trình điều tra xác định đây là con đường gia đình ông Thực và một gia đình khác dùng để đi lại, vận chuyển công cụ lao động, phân bón, nông sản. Mục 3.8 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ, ban hành kèm theo Thông tư số 06 ngày 8-4-2016 và điểm e Điều 39 Luật Giao thông đường bộ quy định: Đường chuyên dùng là đường chuyên phục vụ cho vận chuyển, đi lại của một hoặc một số cơ quan, tổ chức, cá nhân. Như vậy, đoạn đường bị cáo Thi điều khiển xe gây tai nạn là đường chuyên dùng thuộc mạng lưới đường bộ.

Bị cáo Thi trực tiếp điều khiển xe trên đường trong khu vực rẫy của gia đình. Do không quan sát khoảng cách an toàn và không thực hiện biện pháp cảnh báo nguy hiểm nên bánh xe đã cán vào chân em Anh Tuấn. Bị cáo Thi không có giấy phép lái xe nên tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm xét xử bị cáo về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ là đúng người, đúng tội, không oan. Ông Thực biết rõ con không có giấy phép lái xe nhưng vẫn giao xe và bị truy tố về tội danh trên là có căn cứ, đúng pháp luật, không oan.

Nhưng được miễn hình phạt

Việc tiến hành thực nghiệm điều tra xác định vị trí ngồi của người bị hại và người làm chứng trên mặt đất không phù hợp với thực tế lời khai của các đối tượng là ngồi trên đống cỏ. Đây là sai sót của cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình tiến hành thực nghiệm điều tra. Nhưng sai sót này không ảnh hưởng đến việc xác định tội danh và khung hình phạt của bị cáo. Do đó, không có căn cứ kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.

Tuy nhiên, VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng khẳng định theo quy định tại Điều 260 BLHS năm 2015 thì cấu thành cơ bản của tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ phải gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của một người với tỉ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.

Căn cứ khoản 3 Điều 7 BLHS 2015, điểm d khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017 của Quốc hội thì bị cáo Thi được miễn toàn bộ hình phạt (nếu chưa chấp hành). Cơ quan có thẩm quyền miễn chấp hành hình phạt đối với bị cáo là TAND tỉnh Đắk Lắk. Đối với ông Thực đã chấp hành xong hình phạt cảnh cáo nên sẽ đương nhiên được xóa án tích.

Sau bản án phúc thẩm, bị cáo Thi đã bị đưa đi chấp hành hình phạt tù từ tháng 6-2017.

Đã gửi đề nghị đến tòa

Chiều 11-10, gia đình bị cáo Thi đã trực tiếp đến TAND tỉnh Đắk Lắk gửi đơn đề nghị được miễn hình phạt cho Thi kèm theo công văn nêu trên của VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng. Trước đó một ngày, LS Quynh cũng đã gửi đơn qua đường bưu điện đề nghị TAND tỉnh Đắk Lắk ra quyết định miễn toàn bộ hình phạt còn lại cho bị cáo Thi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm