Sẽ loại bỏ thẩm phán vi phạm đạo đức, ứng xử

Sáng 21-9, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã chủ trì buổi lễ công bố bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của thẩm phán (TP). Bộ quy tắc gồm ba chương, 17 điều, quy định những chuẩn mực đạo đức và quy tắc ứng xử của TP. Quy tắc này được áp dụng đối với các TP công tác tại TAND, tòa án quân sự các cấp; khuyến khích các TP đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác tự chấp hành các quy định của bộ quy tắc.

Tôn trọng quy tắc là tăng tính độc lập xét xử

Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho hay bộ quy tắc này do Hội đồng tuyển chọn và giám sát TP quốc gia ban hành, đây là định hướng, là yêu cầu để các TP phải thực hiện. Ông Bình nói: “Nếu TP vi phạm thì uy tín của anh không còn, những tiêu chuẩn của TP mà không đáp ứng được thì anh không xứng đáng là TP, xã hội và nhân dân cũng sẽ không thừa nhận”.

Ông Bình cho rằng khi TP không được nhân dân tin tưởng thì đây là một trong những cơ sở để loại bỏ người này ra khỏi đội ngũ. “Trước hết là người dân, sau đó là những cấp có thẩm quyền như Hội đồng tuyển chọn và giám sát TP quốc gia sẽ loại anh ra khỏi đội ngũ TP” - ông Bình nhấn mạnh.

TP Park Hyun-soo (Giám đốc dự án Văn phòng KOICA Việt Nam) băn khoăn việc áp dụng bộ quy tắc: “Áp dụng quá nghiêm ngặt làm ảnh hưởng đến sự độc lập của TP, còn lỏng lẻo lại làm giảm đi ý nghĩa của quy tắc”.

Đáp lại, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói: “Việc này không làm ảnh hưởng đến tính độc lập của TP, càng tôn trọng bộ quy tắc tính độc lập sẽ càng cao. Nếu không tuân thủ bộ quy tắc này thì tự anh đào thải mình ra khỏi đội ngũ, người dân sẽ đào thải anh, xã hội sẽ không tín nhiệm anh ở vị trí TP...”.

PV báo Pháp Luật TP.HCM đặt câu hỏi: “Khi góp ý kiến cho dự thảo bộ quy tắc, một số ý kiến cho rằng các tiêu chuẩn, yêu cầu đặt ra đối với TP là rất cao, thậm chí còn cao hơn lãnh đạo địa phương, lãnh đạo thành phố hay trung ương. Quy định quá ngặt nghèo như vậy có khó thực hiện không?”.

“Chúng tôi không đặt ra mục tiêu phải cao hơn ai” - ông Bình đáp và dẫn lại lời vị TP Hàn Quốc vừa phát biểu: Thế giới này, đất nước này không giao quyền quyết định về tài sản, thậm chí về cuộc sống của mình cho bất cứ ai, chỉ giao cho TP. Vì vậy, ông Bình cho rằng hơn ai hết các tiêu chuẩn của TP phải cao. “Chúng tôi hướng tới phải xây dựng đội ngũ TP chuyên nghiệp, liêm chính, độc lập, bản lĩnh, khách quan... như bộ quy tắc đã nêu” - ông Bình nói.

PV Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC hỏi: “Liên quan đến sự liêm chính, làm thế nào kiểm soát được việc TP không tự mình hoặc để cấp dưới, người thân... có sự nhũng nhiễu, tiêu cực, gây ảnh hưởng tới phán quyết của TP?”. Ông Bình cho hay: “Chúng tôi yêu cầu TP tự giác tuân thủ, chúng tôi sẽ kiểm tra về sự tuân thủ này. Chúng tôi đề nghị người dân, các cơ quan thông tấn, cơ quan dân cử cùng giám sát TP. Nếu phát hiện vi phạm thì xử lý theo quy định”.

Quan hệ giữa TP và truyền thông thế nào?

Theo bộ quy tắc về ứng xử, khi thực hiện nhiệm vụ, TP phải “từ chối tiến hành tố tụng theo quy định của pháp luật”. Ông Jacob Gammelgaard (Giám đốc thường trú Dự án phát triển lập pháp quốc gia) cho rằng quy định này quá chung, cần hướng dẫn chi tiết hoặc quy định rõ ràng để TP có thể áp dụng hiệu quả.

Giải thích, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho rằng các bộ luật đều ghi rất rõ trong trường hợp nào TP phải từ chối tiến hành tố tụng nên bộ quy tắc không liệt kê lại. “Con cháu, họ hàng, người quen, bạn bè, có người học cùng lớp cách đây mấy chục năm giờ gặp lại. Nếu có điều gì đó băn khoăn, làm ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án thì dù có thể cơ quan không biết nhưng bản thân TP phải từ chối xét xử” - ông Bình dẫn chứng và nói thêm rằng các TP biết rất rõ điều này.

Ông Jacob Gammelgaard cũng băn khoăn về quy định: “Khi chưa ban hành bản án, quyết định, TP không được phát biểu công khai quan điểm của mình về việc giải quyết vụ việc”. Ông Jacob đặt câu hỏi như vậy là sau khi ban hành bản án TP được quyền phát biểu công khai quan điểm của mình. Trong khi theo thông lệ quốc tế, dù trước hay sau khi ban hành bản án thì TP không bao giờ được chia sẻ quan điểm về giải quyết vụ việc. Vì nội dung bản án đã nêu rất đầy đủ, không có lý do gì để TP phải nói thêm. Còn nếu cần phải bình luận, nói thêm thì có nghĩa là bản án chưa đạt và TP chưa hoàn thành nhiệm vụ.

Đáp lại, Chánh án Bình cho rằng quy định trên để đảm bảo bản án được quyết định khách quan, công tâm và không chịu áp lực nào. “Có thực tế là sau khi xét xử, công luận rất quan tâm đến vụ án ở nhiều khía cạnh khác nhau, chẳng hạn quá trình giải quyết có khó khăn gì không... Nếu không cho TP giao tiếp với công chúng sẽ làm hạn chế việc công chúng có thêm thông tin về vụ án, đành rằng TP không được nói trái bản án đã nêu”.

Ông Bình cũng cho hay tại hội nghị chánh án châu Á-Thái Bình Dương vừa diễn ra ở Nhật Bản, cộng đồng chánh án có chuyên đề thảo luận về sự tương tác giữa TP với truyền thông. Theo đó, các TP châu Á-Thái Bình Dương khuyến nghị nên tăng cường sự đối thoại của TP nhưng không được làm ảnh hưởng đến quá trình giải quyết vụ án...

Thẩm phán phải liêm chính, trong sạch, thẳng thắn, trung thực 

Theo bộ quy tắc, TP trước hết phải là người trung thành với Tổ quốc và hiến pháp, có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần dũng cảm, kiên quyết bảo vệ công lý, liêm khiết và trung thực, TP phải là tấm gương về độc lập, khách quan, công bằng, tận tụy và chỉ tuân theo pháp luật khi thi hành nhiệm vụ.

Cạnh đó, bộ quy tắc cũng dành một chương quy định về những chuẩn mực đạo đức của TP, đưa ra các yêu cầu về tính độc lập, sự liêm chính, sự vô tư, khách quan, sự công bằng và bình đẳng, sự đúng mực, sự tận tụy và không chậm trễ, năng lực và sự chuyên cần.

Bộ quy tắc cũng dành một chương quy định những nguyên tắc ứng xử của TP khi thực hiện nhiệm vụ; ứng xử tại cơ quan; ứng xử với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có quan hệ công tác và thông tấn, báo chí; ứng xử với các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài; ứng xử tại nơi cư trú; ứng xử tại gia đình; ứng xử tại nơi công cộng; ứng xử đối với các hoạt động ngoài nhiệm vụ xét xử...

Ứng xử với cơ quan, tổ chức, cá nhân có quan hệ công tác và thông tấn, báo chí

1. TP chỉ phát ngôn, cung cấp thông tin, tài liệu về xét xử, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và cơ quan thông tấn, báo chí khi được cấp lãnh đạo có thẩm quyền phân công theo đúng quy định của pháp luật.

2. Khi chưa ban hành bản án, quyết định, TP không được phát biểu công khai quan điểm của mình về việc giải quyết vụ việc.

3. TP không được cung cấp bản án, quyết định cho thông tấn, báo chí và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác, trừ các hình thức đã được pháp luật quy định.

4. TP có thể tham gia phỏng vấn, khảo sát dựa trên kinh nghiệm công tác chuyên môn để phục vụ nghiên cứu khoa học trong nước và quốc tế khi hoạt động này không gây ảnh hưởng đến giải quyết vụ việc.

(Trích bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của TP Việt Nam)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm