Sắp xử vụ Dũng Cam hành hạ trẻ em ở Campuchia

Một nguồn tin cho biết gia đình bị cáo Nguyễn Thành Dũng (tức Dũng Cam, người đang bị tạm giam về tội hành hạ trẻ em) đã nộp đơn xin TAND TP.HCM cho Dũng được tại ngoại để chữa bệnh do Dũng đang bị bệnh rất nặng.

Dự kiến cuối tháng 7, TAND TP.HCM sẽ đưa Dũng ra xử sơ thẩm. Trước đó, tháng 5-2017, VKSND Tối cao đã hoàn tất cáo trạng truy tố Dũng và chuyển hồ sơ sang tòa. Sau khi trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, TAND TP.HCM từng hai lần dự kiến đưa vụ án ra xét xử nhưng đều phải tạm hoãn.

Hành hạ dã man bé ba tuổi

Vụ án Dũng Cam hành hạ bé So Sao (A Sai, ba tuổi) xảy ra ở Campuchia vào cuối năm 2016.

Ngày 21-6-2017, Tòa Sơ thẩm tỉnh Mondulkiri (Vương quốc Campuchia) đã đưa Stefan Struik (tức Ly Heng, 54 tuổi, quốc tịch Hà Lan, người tình đồng tính của Dũng) ra xét xử về tội không trình báo trẻ vị thành niên bị xâm hại và che giấu tội phạm. Tòa phạt Stefan Struik hai năm tù giam và phạt bổ sung 4 triệu riel. Tòa cũng tuyên xử vắng mặt Dũng 18 năm tù giam về tội xâm hại trẻ em, ra lệnh bắt giam và buộc Dũng phải bồi thường 80 triệu riel cho gia đình nạn nhân.

Theo Tòa Sơ thẩm tỉnh Mondulkiri, qua Facebook, từ tháng 10-2014, Stefan Struik quen Dũng và hẹn gặp nhau tại TP.HCM. Sau khi gặp nhau, Dũng sang Campuchia nhiều lần để gặp Stefan Struik, khi ở Phnom Penh, lúc ở Kampung Cham, lúc ở Mondulkiri. Dũng và Stefan Struik có quan hệ đồng tính, trong đó Dũng là vợ, Stefan Struik là chồng và cả hai dự tính sẽ tổ chức đám cưới tại Hà Lan.

Năm 2016, Stefan Struik đưa Dũng đến đồn điền ca cao ở Sarabom (Mondulkiri) và nhờ Dũng nấu ăn. Tại đây, Dũng quen biết các đứa trẻ con của những công nhân làm việc tại đồn điền, trong đó có bé So Sao. Từ tháng 8 đến tháng 9-2016, Dũng nhiều lần đưa bé So Sao vào rừng gần Công ty Kam Kav xâm hại và lấy điện thoại ghi hình lại.

Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, khoảng 15 giờ đến 16 giờ các ngày 10-8-2016 đến 16-8-2016, bà Neng Chin (công nhân tại đồn điền ca cao) giao con là bé So Sao cho Dũng giữ giúp. Sau khi sử dụng ma túy đá, Dũng nhiều lần đưa bé So Sao ra ngoài dùng kẹp giấy, roi điện tự chế xâm hại, hành hạ bé dã man rồi lấy điện thoại quay lại.

Dũng Cam khi bị bắt và hiện trường nơi xảy ra vụ án (ảnh dưới). Ảnh: NX

Lưới trời lồng lộng

Sau đó, Dũng quay về Việt Nam, đưa chiếc điện thoại cho đứa cháu gái gọi Dũng bằng cậu đi cầm cố. Cháu gái Dũng đưa điện thoại cho bạn trai ở quận 4 (TP.HCM) sử dụng. Sau đó, người này đưa chiếc điện thoại cho hàng xóm là anh BCC xem. Khi mở điện thoại, anh C. phát hiện 49 đoạn video clip có cảnh một người đàn ông hành hạ một em bé vô cùng dã man nên đã tải hết về. Ngày 5-12-2016, anh C. đăng 13/49 clip trên lên tài khoản Facebook cá nhân.

Vụ việc gây rúng động, căm phẫn trong cộng đồng mạng. Cục Cảnh sát hình sự (C45) Bộ Công an đã điều tra, xác định người đàn ông trong clip là Dũng, đang sống tại một chung cư ở khu Trung Sơn (huyện Bình Chánh, TP.HCM). Ngày 7-12-2016, Dũng đến C45 đầu thú.

Quá trình điều tra, C45 và Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án trật tự xã hội (Vụ 2) VKSND Tối cao đã phối hợp với cảnh sát Vương quốc Campuchia xác định hiện trường nơi xảy ra vụ án. CQĐT Bộ Công an, VKSND Tối cao đã phối hợp với cảnh sát Vương quốc Campuchia dựng lại hiện trường. CQĐT Bộ Công an cũng đã chụp ảnh vật chứng, tài sản liên quan đến vụ án do cảnh sát Campuchia thu giữ khi khám xét nơi ở của Stefan Struik gồm mũ vải, dây vải bịt mắt, kẹp sắt, dụng cụ sử dụng ma túy, dụng cụ chích điện, băng keo…

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi vụ án có diễn tiến mới.

Dũng Cam phạm tội tại Campuchia, vì sao xử ở Việt Nam?

Dũng Cam sinh năm 1982 tại tỉnh Hưng Yên. Do mẹ ruột Dũng đơn thân nên mang Dũng cho một người họ hàng ở TP Long Xuyên (An Giang) nuôi.

Trong vụ án này, vì sao Dũng phạm tội ở Campuchia nhưng không bị dẫn độ về Campuchia để xử lý mà lại bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử ở Việt Nam? Theo CQĐT Bộ Công an và VKSND Tối cao, căn cứ vào BLHS 1999 và BLTTHS 2003 thì việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử Dũng tại Việt Nam là đúng quy định pháp luật.

Cụ thể, Điều 344 BLTTHS 2003 quy định cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng Việt Nam từ chối dẫn độ trong trường hợp người bị yêu cầu dẫn độ là công dân nước CHXHCN Việt Nam. Căn cứ nguyên tắc quốc tịch và nguyên tắc chủ quyền quốc gia theo pháp luật quốc tế, quốc gia có quyền từ chối dẫn độ đối với công dân của quốc gia mình. Tuân theo nguyên tắc pháp lý tối cao đó, quốc gia được đề nghị sẽ không chấp nhận yêu cầu dẫn độ công dân quốc gia mình, cho dù người đó phạm tội trên lãnh thổ quốc gia kia.

Về bản án 18 năm tù giam mà Tòa Sơ thẩm tỉnh Mondulkiri đã tuyên với Dũng, VKSND Tối cao cho biết không phù hợp với nguyên tắc áp dụng hình phạt quy định trong BLHS 1999 (tội hành hạ trẻ em theo khoản 2 Điều 110 BLHS 1999 có khung hình phạt chỉ từ một năm tù đến ba năm tù). Do vậy, Việt Nam có quyền từ chối thực hiện bản án trên của Tòa Sơ thẩm tỉnh Mondulkiri khi có yêu cầu thi hành.

Stefan Struik chỉ thụ án ba tháng

Theo nguồn tin của chúng tôi, sau ba tháng bị giam, khoảng cuối tháng 10-2017, Stefan Struik đã được tự do, nhập cảnh vào Việt Nam tìm cách làm thủ tục vào trại giam thăm Dũng Cam.

Vì sao bị tuyên án hai năm tù giam nhưng chỉ mới vài tháng Stefan Struik đã ra tù và nhập cảnh vào Việt Nam? Qua tìm hiểu được biết bản án của Tòa Sơ thẩm tỉnh Mondulkiri do các chánh án Suong Chakria, Suy Sophea và Sun Piset đồng ký tên đã “tha tội che giấu tội phạm; xử tội bị can Ly Heng không trình báo vị thành niên bị xâm hại hai năm tù giam nhưng thực tế tội này chỉ tính tám tháng tù giam, phần còn lại là án treo theo Điều 530 và 108 BLHS Vương quốc Campuchia” (nguyên văn).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm