Sản xuất, buôn bán giấy đánh số giả nhãn hiệu METO: Tội gì?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cơ quan điều tra (CQĐT) và VKSND quận Tân Bình (TP.HCM) đã chuyển hồ sơ vụ Phạm Quang Tuấn sản xuất, buôn bán giấy đánh số giả nhãn hiệu lên cơ quan tố tụng TP.HCM.

Sản xuất, buôn bán giấy đánh số giả nhãn hiệu

Trước đó, VKSND TP.HCM đã rút kinh nghiệm VKSND quận Tân Bình do thụ lý, giải quyết vụ án không đúng thẩm quyền (bị hại là pháp nhân có trụ sở ở nước ngoài).

Vụ án cũng gây tranh cãi trong việc xác định tội danh đối với Tuấn. Cụ thể là hành vi có đến mức bị xử hình sự không, nếu có thì Tuấn có dấu hiệu phạm tội gì, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp hay sản xuất, buôn bán hàng giả.

Theo hồ sơ, Phạm Quang Tuấn là giám đốc, đại diện theo pháp luật và điều hành mọi hoạt động của Công ty TNHH TM - DV - XD Phạm Huy. Ngành nghề kinh doanh của công ty là xây dựng, sản xuất giấy đánh số.

Hình minh họa

Từ năm 2016 đến 2018, Tuấn sản xuất, buôn bán giấy đánh số không nhãn hiệu, giả nhãn hiệu METO và giấy đánh số (hàng thật) của Công ty METO International GmbH (Đức).

Ngày 25-12-2019, Tuấn bị khởi tố tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Sau khi kết thúc điều tra, CQĐT hai lần điều tra bổ sung.

Ngày 13-11-2020, VKSND quận Tân Bình truy tố Tuấn tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp theo điểm đ khoản 2 Điều 226 BLHS với cáo buộc sản xuất, buôn bán giấy đánh số không nhãn hiệu, giấy đánh số giả nhãn hiệu METO.

CQĐT và VKSND quận Tân Bình xác định tổng giá trị hàng hóa do Tuấn làm giả là 1,7 tỉ đồng, gồm giá trị hàng hóa thu giữ và giá trị hàng hóa đã bán xuất hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT). Đồng thời, căn cứ vào các hóa đơn GTGT của Công ty Phạm Huy do Tuấn ký, xuất bán có tổng giá trị 1,58 tỉ đồng để cộng dồn làm cơ sở xác định tổng giá trị hàng hóa vi phạm.

Truy tố chưa có căn cứ?

Quá trình trao đổi nghiệp vụ, VKSND TP.HCM cho rằng cấp dưới để xảy ra vi phạm tố tụng trong hoạt động điều tra, truy tố nên đã yêu cầu nghiêm túc rút kinh nghiệm và chấn chỉnh kịp thời. Theo VKSND TP.HCM, cần trưng cầu giám định để xác định hàng hóa sản xuất có yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu đã được bảo hộ hay không.

Nội dung các hóa đơn GTGT thể hiện tên hàng hóa xuất bán có nhiều mặt hàng khác nhau như giấy đánh số (không nhãn hiệu), giấy đánh số METO, máy bắn nhãn…

Với những nội dung này thì không phân định được giấy đánh số METO do Công ty Phạm Huy bán ra là hàng giả nhãn hiệu, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp hay hàng thật; số hàng hóa đều đã tiêu thụ hết nên không thu giữ được để giám định, đối chiếu làm rõ.

Vì vậy, xác định giá trị hàng bán trên tổng hóa đơn GTGT xuất bán mà không phân loại mục hàng hóa, không xác định có phải là hàng hóa vi phạm hay không là chưa đảm bảo chính xác khi xác định giá trị hàng hóa vi phạm.

Mặt khác, hàng hóa vi phạm bị thu giữ được định giá 115,7 triệu đồng, dưới mức định lượng tối thiểu đối với tội danh này (theo khoản 1 Điều 226 BLHS, hàng hóa vi phạm phải từ 200 triệu đồng trở lên mới cấu thành tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp).

Như vậy, CQĐT và VKSND quận Tân Bình kết luận điều tra, truy tố xác định tổng giá trị hàng hóa vi phạm bao gồm cả hàng hóa đã xuất hóa đơn GTGT cho hành vi phạm tội của Tuấn là chưa đảm bảo tính có căn cứ của việc truy tố.

 

Cần làm rõ giấy đánh số giả cái gì

Theo tôi, khi giải quyết vụ án này, cơ quan tố tụng cần lưu ý ba vấn đề:

Thứ nhất: Hành vi từ năm 2016 đến 2018 của Công ty Phạm Huy sản xuất, buôn bán giấy đánh số giả nhãn hiệu METO là hành vi vi phạm pháp luật của pháp nhân thương mại. Hành vi này có thể vi phạm hành chính hoặc phạm tội tùy thuộc vào quy mô và giá trị của hàng hóa hay mức độ gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu METO đã được pháp luật Việt Nam bảo hộ.

Thứ hai: Cần có thêm kết luận giám định giấy đánh số giả nhãn hiệu METO giả cái gì. Nếu giả cả về nội dung (chất lượng dưới 70% so với giấy đánh số METO thật theo khoản 7 Điều 3 Nghị định 98/2020 và giả hình thức sẽ thỏa mãn tội sản xuất, buôn bán hàng giả theo Điều 192 BLHS. Còn kết luận giám định giấy đánh số giả nhãn hiệu METO chỉ giả hình thức (chất lượng trên 70%) sẽ thỏa mãn tội xâm phạm sở hữu công nghiệp theo Điều 226 BLHS khi thỏa mãn thêm yếu tố gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu từ… (vấn đề này cần được giám định làm rõ).

Như vậy, cơ quan tố tụng cần bổ sung kết luận giám định và điều tra bổ sung từ năm 2016 đến 2018 đã gây thiệt hại bao nhiêu cho chủ sở hữu nhãn hiệu METO.

Nếu không thỏa mãn hai tội danh trên thì cần chuyển cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính.

ThS VÕ PHƯỚC LONGgiảng viên Khoa luật, ĐH Kinh tế TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm