Rút kinh nghiệm 1 vụ miễn trách nhiệm hình sự sai

Mới đây, VKSND Cấp cao tại Hà Nội ban hành thông báo rút kinh nghiệm việc miễn trách nhiệm hình sự (TNHS) cho bị cáo không đúng quy định pháp luật trong một vụ án mua bán trái phép hóa đơn.

Theo hồ sơ, Long Thị Biết (trú huyện Mù Cang Chải, Yên Bái) là hộ kinh doanh cá thể với ngành nghề kinh doanh là bánh kẹo, nước giải khát, văn phòng phẩm... Từ tháng 6-2014 đến năm 2018, Biết đã ghi khống và bán trái phép 62 hóa đơn giá trị gia tăng, với tổng số tiền ghi trên các hóa đơn là hơn 493 triệu đồng cho vài cá nhân của một trường tiểu học để quyết toán các nguồn kinh phí.

Hiệu trưởng Phạm Thị Lân đã trực tiếp mua và đồng ý cho mua 61 hóa đơn, tổng số tiền ghi trên các hóa đơn là hơn 473,1 triệu đồng.

Phó Hiệu trưởng Hà Minh An đã trực tiếp mua và chỉ đạo mua 60 hóa đơn trái phép, tổng số tiền ghi trên các hóa đơn là hơn 409,6 triệu đồng.

Xử sơ thẩm, TAND huyện Mù Cang Chải phạt Biết một năm ba tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội mua bán trái phép hóa đơn, miễn TNHS cho Lân và An.

VKSND tỉnh Yên Bái kháng nghị phúc thẩm theo hướng hủy án sơ thẩm để xét xử lại. Tuy nhiên, xử phúc thẩm, TAND tỉnh Yên Bái không chấp nhận kháng nghị, giữ nguyên án sơ thẩm.

Sau đó, VKSND Cấp cao tại Hà Nội kháng nghị giám đốc thẩm đề nghị hủy hai bản án.

Ngày 9-4-2021, Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại Hà Nội đã chấp nhận kháng nghị, hủy cả hai bản án để xét xử sơ thẩm lại. Theo Ủy ban Thẩm phán, TAND huyện Mù Cang Chải chỉ căn cứ vào Điều 29 BLHS để miễn TNHS đối với hai bị cáo Lân và An mà không nêu rõ áp dụng khoản nào, điểm nào.

Thông qua cách giải quyết vụ án này, VKSND Cấp cao đã thông báo đến các VKS trong khu vực một số vấn đề cần rút kinh nghiệm, để tránh sai sót bị lặp lại.

Thứ nhất, không có căn cứ miễn TNHS cho Lân và An vì hai người này không mắc bệnh hiểm nghèo, không có quyết định đại xá, trước khi hành vi tội phạm được phát giác không tự thú, không lập công lớn, không có cống hiến đặc biệt được Nhà nước và xã hội thừa nhận, hoặc có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.

Thứ hai, ba bị cáo đều bị truy tố theo điểm d khoản 2 Điều 203 BLHS nhưng tòa sơ thẩm nhận định Lân và An không có động cơ, mục đích tư lợi để xác định hành vi đó không gây nguy hiểm cho xã hội và tuyên miễn TNHS đối với Lân và An, bị cáo Biết thì bị tuyên phạt một năm ba tháng tù nhưng cho hưởng án treo là trái quy định của pháp luật.

Thứ ba, tòa sơ thẩm và phúc thẩm đã sai lầm trong việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ TNHS người phạm tội tự nguyện khắc phục hậu quả đối với Biết khi bị cáo nộp hơn 15 triệu đồng thu lợi bất chính từ việc bán hóa đơn. Do đó, mức án mà tòa sơ thẩm và phúc thẩm phạt bị cáo Biết là chưa nghiêm, chưa tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm