Rủi ro nào khi người dân tông xe để ngăn cản tội phạm?

Như PLO đã đưa tin, ngày 27-3, anh LVT (ngụ phường Linh Trung, TP Thủ Đức, TP.HCM) có hành động dùng xe máy tông thẳng vào kẻ trộm xe, nhờ vậy giữ lại được tài sản cho chủ xe.

Vụ việc tương tự xảy ra vào ngày 20-4, chị NTML (huyện Hóc Môn, TP.HCM) bị cướp giật điện thoại, chị đuổi theo và tông xe vào nhóm cướp giật để ngăn chặn.

Vấn đề pháp lý đặt ra torng tình huống trên là nếu tội phạm bị thương tích nặng hoặc tử vong do hành động tông xe của anh T. và chị L. thì anh T. và chị L. có bị xử lý hình sự không?

Hình ảnh anh T. tông xe vào kẻ trộm được cắt từ camera. Ảnh: NGUYỄN YÊN

Theo luật sư (LS) Đổng Mây Hồng Trúng, đoàn LS TP.HCM, hành động của anh T. và chị L. thuộc trường hợp tình thế cấp thiết.

Điều 23 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định: Tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh gây thiệt hại cho quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà không còn cách nào khác là phải gây thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa. Hành vi gây thiệt hại trong tình thể cấp thiết không phải là tội phạm.

Tuy nhiên, LS Trúng cũng cho rằng, nếu thiệt hại xảy ra rõ ràng vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết thì người gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, nếu hành vi này gây ra thương tích từ trên 31% thì bị xử lý hình sự về tội cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội. Nếu hậu quả gây chết người thì người phạm tội có thể xử phạt mức án cao nhất đến 3 năm tù.   

LS Đỗ Trúc Lâm, đoàn LS TP.HCM nói: Điều 24 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định, hành vi của người để bắt giữ người thực hiện hành vi phạm tội mà không còn cách nào khác là buộc phải sử dụng vũ lực cần thiết gây thiệt hại cho người bị bắt giữ thì không phải là tội phạm.

Như vậy, để an toàn về mặt pháp lý, theo LS Lâm người dân khi bắt giữ tội phạm cần các điều kiện. Một là, bắt người phạm tội quả tang hoặc người đang bị truy nã. Hai là, không còn cách nào khác là buộc phải sử dụng vũ lực. Ba là, việc sử dụng vũ lực phải ở mức cần thiết.

Tuy nhiên, không có tiêu chí nào để đánh giá mức cần thiết mà phải dựa vào hoàn cảnh cụ thể, như tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, khả năng có thể lựa chọn được cách xử lý khác tốt hơn, tương quan lực lượng, có sử dụng vũ khí hay không...

Với tình huống xảy ra nhanh chóng, bất ngờ, rất khó để người dân đủ thời gian và sự tỉnh táo để suy xét áp dụng được đúng "mức độ sử dụng vũ lực cần thiết".

Trong khi đó, nếu vượt quá mức, gây thương tích nặng hoặc gây chết người thì chính người dân lại có nguy cơ phạm tội. Hơn nữa, hành động tông xe vào kẻ cướp luôn có khả năng gây mất an toàn cho chính bản thân và những người khác.

"Do đó, xét về cả yếu tố pháp lý và an toàn, người dân nên hạn chế tối đa việc gây thương tích cho tội phạm hoặc gây ra tai nạn giao thông. Người dân không nên tông xe vào đối tượng rồi phó mặc cho hậu quả xảy ra” - luật sư Lâm khuyến cáo.

Nội dung vụ việc 

Như PLO đã đưa tin, ngày 27-4, Công an phường Linh Trung, TP Thủ Đức, TP.HCM đã tiếp nhận trình báo từ anh P. về việc anh này bị kẻ gian bẻ khóa trộm xe máy.

Theo camera ghi lại, khi kẻ gian vừa dắt xe đi lùi vài bước thì bị anh LVT dùng xe máy tông thẳng vào khiến chiếc xe máy ngã, còn kẻ trộm bỏ xe chạy thoát thân.

Trước đó, ngày 20-4, Công an huyện Hóc Môn, TP.HCM lấy lời khai nhóm thiếu niên từ 15 đến 17 tuổi để điều tra vụ cướp giật tài sản trên địa bàn.

Theo lời khai của các đối tượng, chiều 18-4, chị NTML chạy xe máy trên đường Dương Công. Trên đường về nhà, chị bị hai thiếu niên chạy xe máy áp sát giật điện thoại để trong túi quần. Chị L. truy đuổi nhóm cướp giật.

Lúc này có nhóm bốn thiếu niên chạy theo cản địa nên chị đã tông xe vào nhóm này khiến hai xe cản địa ngã. Nhờ đó người dân và lực lượng chức năng đã nhanh chóng phối hợp khống chế các nghi phạm. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm