Rối vì 40 triệu tiền môi giới cho luật sư

Mới đây, TAND tỉnh Sơn La đã xử phúc thẩm vụ tranh chấp đòi tài sản giữa ông M. với bà N. do có kháng cáo của nguyên đơn. Điều đặc biệt trong vụ này, ông M. là một luật sư (LS) khởi kiện đòi lại tiền hoa hồng đã chi cho người môi giới.

Thân chủ kiện luật sư đòi tiền thù lao

Tại đơn khởi kiện, LS M. trình bày: Năm 2010, bà N. giới thiệu cho văn phòng LS do ông làm chủ khách hàng là ông X. Trước đó, ông X. đã được bà N. giúp làm đơn khiếu kiện đến Công an và UBND TP Sơn La để đòi lại 150 m2 đất thổ cư. Sau đó, bà N. giới thiệu để nhờ văn phòng LS của ông M. bảo vệ ông X. Kèm theo đó, bà N. yêu cầu văn phòng LS phải trích cho bà 40% giá trị tiền thù lao mà LS được hưởng (sau khi trừ chi phí).

Sau khi thỏa thuận, văn phòng LS và ông X. đã ký hợp đồng dịch vụ pháp lý với nội dung văn phòng LS sẽ đòi lại 150 m2 đất và ông X. đồng ý trả tiền thù lao cho LS bằng 70 m2 đất (nằm trong 150 m2 đất trên). Sau đó, văn phòng LS đã giao cho LS T. trực tiếp thực hiện hợp đồng dịch vụ pháp lý này.

Kết quả là ông X. đã được công nhận diện tích đất trên và ông đã thanh toán cho văn phòng LS giá trị của phần thù lao theo hợp đồng là 70 m2 đất x 2.300.000 đồng/m2 = 161.000.000 đồng. Thực hiện thỏa thuận bằng miệng với bà N., văn phòng LS cũng đã trích lại cho bà N. 40% giá trị thu được (sau khi trừ đi chi phí). Cụ thể, ngày 15-8-2010, LS M. đã đưa cho bà N. 40 triệu đồng trước mặt LS T. tại văn phòng LS của mình.

Tuy nhiên, sau đó bà N. lại làm đại diện theo ủy quyền của ông X. để khởi kiện yêu cầu văn phòng LS do ông M. làm chủ trả lại toàn bộ số tiền thù lao LS là 161 triệu đồng với lý do văn phòng LS chưa bảo vệ thành công đối với 60 m2 đất vườn của ông X.

Ngày 27-9-2016, TAND tỉnh Sơn La xử phúc thẩm vụ kiện này. Tại tòa, bà N. thừa nhận đã lấy 30 triệu đồng tiền môi giới do LS M. đưa. Trong khi tại phiên họp hội đồng kỷ luật của Đoàn LS tỉnh Sơn La về việc giải quyết đơn thư tố cáo của bà N. và ông X., bà N. lại thừa nhận đã nhận từ LS M. 40 triệu đồng.

Theo HĐXX, bà N. được hưởng 40 triệu đồng từ văn phòng LS sau khi việc bảo vệ quyền lợi của văn phòng LS đối với ông X. thành công nhưng bà lại đại diện theo ủy quyền của ông X. để khởi kiện yêu cầu văn phòng LS hoàn trả tiền thù lao. Do đó, bà N. phải hoàn trả cho ông M. số tiền đã nhận là 40 triệu đồng

Cuối cùng HĐXX buộc ông M. phải hoàn trả cho ông X. số tiền thù lao của LS là 64,4 triệu đồng, tương ứng với 60 m2 đất ông X. chưa chuyển mục đích sử dụng được. Còn bà N. bị tòa tuyên phải hoàn trả cho ông M. 40 triệu đồng để ông M. có tiền trả lại cho ông X.

Luật sư kiện ngược lại người môi giới

Sau phiên tòa trên, ông M. làm đơn khởi kiện ngược lại, yêu cầu bà N. phải trả lại cho ông 40 triệu đồng tiền môi giới ông đã đưa cho bà. Bà N. không đồng ý với yêu cầu của nguyên đơn.

Bà cho rằng ông M. không thực hiện đầy đủ thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ pháp lý với ông X. nên không được hưởng đủ tiền thù lao theo hợp đồng. Bà và ông M. đã thỏa thuận rằng bà giới thiệu ông X. và cung cấp cho văn phòng LS một số chứng cứ nên ông M. nhất trí cho bà 40% thù lao LS được hưởng từ ông X.

Bà N. thừa nhận bà đã nhận từ ông M. 40 triệu đồng khi ông M. tự nguyện đưa tiền cho bà (không có giấy tờ giao nhận). Bà N. không đồng ý trả lại tiền cho ông M. vì ông M. đã tự nguyện đưa cho bà.

Tháng 8-2018, TAND TP Sơn La đã xử sơ thẩm, tuyên không chấp nhận yêu cầu của ông M. Tòa cũng đình chỉ xét xử đối với yêu cầu phản tố của bà N. về việc buộc ông M. tiếp tục thanh toán số tiền còn lại là 24 triệu đồng.

Sau đó, ông M. đã kháng cáo yêu cầu hủy toàn bộ án sơ thẩm. Nhưng tại phiên tòa phúc thẩm mới đây, phía ông M. rút một phần kháng cáo về yêu cầu hủy bản án sơ thẩm mà chỉ yêu cầu bà N. phải trả lại cho mình 25,7 triệu đồng. Cuối cùng TAND tỉnh Sơn La đã tuyên bác yêu cầu kháng cáo của ông M., giữ nguyên án sơ thẩm.

Theo HĐXX, giữa ông M. và bà N. không xác lập một văn bản pháp lý nào thể hiện một thỏa thuận cụ thể nào về việc đưa tiền này. Ông M. cũng không cung cấp được bất cứ tài liệu, chứng cứ nào khác chứng minh liên quan đến khoản tiền trên được trích từ nguồn tài sản của văn phòng LS do ông làm chủ. Cụ thể, ông không cung cấp được giấy tờ, sổ sách kế toán liên quan đến xuất, nhập số tiền 40 triệu đồng. Ông cũng không cung cấp được văn bản pháp lý nào thể hiện việc ông lấy tư cách đại diện văn phòng LS, thay mặt văn phòng LS để xác lập giao dịch với bà N.

Do đó, chỉ có thể xác định việc giao dịch giữa ông M. và bà N. là thỏa thuận riêng của cá nhân hai người. Việc thỏa thuận, giao nhận tiền giữa hai bên là tự nguyện, không vi phạm điều cấm của pháp luật và hai bên không có thỏa thuận về việc hoàn trả. Mặt khác, thỏa thuận giữa hai người cũng độc lập với thỏa thuận trong hợp đồng đã ký giữa văn phòng LS với ông X. Từ đó, HĐXX không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông M.

Bà N. phản tố quá thời hạn

Tòa phúc thẩm nhận định tại phiên hòa giải ngày 18-5-2018, bà N. có phản tố đề nghị buộc ông M. phải trả cho bà 24 triệu đồng còn thiếu theo thỏa thuận của hai bên. Tuy nhiên, theo khoản 3 Điều 202 BLTTDS 2015, bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ và hòa giải. Như vậy, yêu cầu phản tố của bà N. không được chấp nhận bởi đã quá thời hạn quy định, chỉ được xem xét như một tình tiết trong vụ án.

Bà N. có nhận 40 triệu

Thời điểm năm 2010, tôi - LS cộng sự của văn phòng LS do ông M. đứng tên và trực tiếp thực hiện hợp đồng dịch vụ pháp lý bảo vệ quyền lợi cho ông X. Sau khi kết thúc, ông X. đã trả cho ông M. thù lao 161 triệu đồng (trừ đi các chi phí hợp lý thì còn lại khoảng 100 triệu đồng). Sau đó, LS M. đã chia cho bà N. 40 triệu đồng tại văn phòng LS ngay trước mặt tôi .

LS T., người làm chứng

Vì sao chỉ đòi 25,7 triệu đồng?

Tại tòa phúc thẩm, ông M. chỉ đòi bà N. trả 25,7 triệu đồng vì số tiền này bà đã nhận vượt so với thỏa thuận được hưởng 40% tổng số tiền thù lao LS. Theo bản án trước đó thì ông M. đã phải hoàn trả cho ông X. là 64,4 triệu đồng, nên thực tế chỉ còn được nhận tiền thù lao LS là 96,6 triệu đồng. Như vậy, 40% của 96,6 triệu đồng chỉ là 14,2 triệu đồng.

Người đại diện của ông M.

Đáng ra tôi phải được thêm 24,2 triệu đồng nữa!

40% của số tiền ông M. được hưởng là 161 triệu đồng phải là 64 triệu đồng. Ông M. mới trả tôi 40 triệu đồng, theo thỏa thuận ban đầu ấy thì còn phải thanh toán tiếp cho tôi 24,2 triệu đồng nữa.

 N.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm