Rào cản trong giải quyết tranh chấp bằng trọng tài

Bộ Tư pháp vừa tổ chức tọa đàm về thực tiễn áp dụng pháp luật về hợp đồng và giải quyết tranh chấp bằng phương thức hòa giải, trọng tài tại TP.HCM.

Ông Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự-kinh tế (Bộ Tư pháp), nêu những quy định chung pháp luật về hợp đồng và cách thức giải quyết cũng như thời gian, chi phí giải quyết tranh chấp.

Rút ngắn thời gian, giảm chi phí

Tại tọa đàm, ông Tú cho biết theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới và báo cáo của các nghiên cứu khác thì thời gian giải quyết xong tranh chấp hợp đồng thương mại của nước ta trung bình là 400 ngày, chi phí bằng 29% giá trị hợp đồng. Trong khi đó, nếu chọn giải quyết bằng trọng tài thương mại thì doanh nghiệp chỉ mất tối đa khoảng 150 ngày, có trường hợp giải quyết xong tranh chấp chỉ có 24 ngày.

Như vậy, so với thời gian giải quyết tranh chấp của tòa án thì thời gian giải quyết của trọng tài tiết kiệm được thời gian và chi phí cho tất cả các bên. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy cơ quan giải quyết tranh chấp hợp đồng hiện nay chủ yếu vẫn là tòa án.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Hội Trọng tài thương mại TP.HCM, đã chỉ ra những bất cập, vướng mắc, chồng chéo liên quan đến các quy định của pháp luật về hợp đồng, nhất là mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy định luật chuyên ngành với BLDS 2015.

Cụ thể, nhằm bảo đảm quyền tự do hợp đồng của các bên, BLDS quy định nguyên tắc ưu tiên áp dụng thỏa thuận của các bên so với các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, các luật chuyên ngành không thống nhất ghi nhận việc này. Một số luật lại sử dụng các quy phạm bắt buộc khi quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng.

Cũng theo ông Hậu, việc khoản 3 Điều 420 BLDS 2015 chỉ đề cập đến vai trò của tòa án mà không đề cập đến vai trò của trọng tài liên quan đến việc điều chỉnh lại hợp đồng có thể dẫn tới bất cập trong quá trình vận dụng khi các bên có thỏa thuận trọng tài.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Hội Trọng tài thương mại TP.HCM, phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: KP

Nhiều rào cản cho việc phát triển

PGS-TS Đỗ Văn Đại (Trung tâm Trọng tài VIAC) cho rằng thực tiễn giải quyết tranh chấp hợp đồng bằng phương thức hòa giải và trọng tài còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Cụ thể, bất cập thứ nhất xuất phát từ quy định của pháp luật liên quan đến thẩm quyền của trọng tài. Thực chất trọng tài chỉ được giải quyết những tranh chấp pháp luật cho phép nhưng chính các quy định này cũng vẫn chưa rõ ràng. Hiện tại khung khiếu nại về thẩm quyền còn chưa cụ thể, thiếu cơ chế giám sát việc hủy phán quyết trọng tài… Đây cũng là một trong những rào cản cho việc phát triển trọng tài.

Hiện trên địa bàn có 496 trọng tài viên tham gia hoạt động tại 17 trung tâm trọng tài thương mại và chi nhánh; có 19 hòa giải viên thương mại đăng ký tại Sở Tư pháp TP. (Theo thống kê của Sở Tư pháp TP.HCM năm 2018) 

Ông Đại nêu ví dụ Điều 14 BLDS 2015 quy định trường hợp quyền dân sự bị xâm phạm hoặc có tranh chấp thì việc bảo vệ quyền được thực hiện theo pháp luật tố tụng tại tòa án hoặc trọng tài. Tuy nhiên, trong thực tế không phải tranh chấp dân sự nào cũng được giải quyết bằng trọng tài.

Bên cạnh đó, khung khiếu nại về thẩm quyền còn lỏng lẻo. Theo Luật Trọng tài thương mại thì trước khi xem xét nội dung tranh chấp, hội đồng trọng tài phải xem xét hiệu lực của thỏa thuận trọng tài… Trường hợp vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì hội đồng trọng tài tiến hành giải quyết tranh chấp, nếu không thuộc thẩm quyền của mình, thỏa thuận trọng tài vô hiệu… thì hội đồng trọng tài đình chỉ việc giải quyết và thông báo cho các bên liên quan.

“Pháp luật cho phép một trong các bên có quyền khiếu nại quyết định về thẩm quyền này ra tòa án và người xem xét, giải quyết đơn khiếu nại là một thẩm phán của tòa án chứ không phải là HĐXX… Cơ chế này trở thành mảnh đất “màu mỡ” cho những ai muốn phá vỡ thỏa thuận trọng tài đã giao kết. Đây là một rào cản cho việc giải quyết tranh chấp” - ông Đại khẳng định.

Cũng theo ông Đại, bất cập thứ hai xuất phát từ người vận dụng pháp luật. Thực tế còn có cách hiểu khác nhau chưa thống nhất về trọng tài giữa các tòa án, các thẩm phán. Ví dụ TAND TP.HCM cho rằng tranh chấp liên quan đến bất động sản thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài (nếu các bên có thỏa thuận) nhưng TAND TP Hà Nội thì cho rằng tranh chấp này không thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài mà thuộc thẩm quyền riêng biệt của tòa án…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm