Quyết kê biên đất dù chưa rõ ý tòa

Bà Nguyễn Thị Bé Hai (ngụ ấp Thạnh Lợi 1A, xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang) là người liên quan trong vụ tranh chấp quyền sử dụng đất giữa ông H. và chồng bà (ông Nguyễn Ngọc Thiện). Giữa năm 2016 TAND tỉnh Hậu Giang xử phúc thẩm, tuyên buộc ông Thiện trả lại giá trị 587 m2 đất, tương ứng với hơn 763 triệu đồng cho ông H. Bản án không đề cập gì đến trách nhiệm, nghĩa vụ của bà Hai.

Kê biên gấp hai lần nghĩa vụ

Bản án có hiệu lực, Chi cục Thi hành án (THA) dân sự huyện Phụng Hiệp đã kê biên, định giá tài sản để THA nhưng vượt quá giá trị số tiền phải THA.

Theo đó, đầu năm THA huyện kê biên định giá hai thửa đất cùng tài sản gắn liền của vợ chồng bà Hai gồm một thửa đất ở nông thôn và một thửa đất trồng cây lâu năm. Ngoài ra, THA huyện còn kê biên hơn 4.000 m2 đất lúa của vợ chồng bà. Theo bà Hai, thửa đất này tuy chưa được cấp giấy đỏ nhưng là tài sản của vợ chồng bà mới mua, cũng được coi là tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân. Tổng giá trị tài sản kê biên được THA thông báo kết quả định giá là hơn 1,4 tỉ đồng.

Theo bà Hai, THA đã kê biên lố gấp hai lần giá trị tiền mà chồng bà phải THA. Bà không là người phải THA và các tài sản trên đều là tài sản chung của vợ chồng bà nhưng khi xử lý THA không hỏi ý kiến, cũng không phân định tài sản chung hay riêng. Cho rằng việc làm của THA huyện ảnh hưởng đến quyền lợi của mình nên bà Hai đã có nhiều đơn khiếu nại gửi Cục THA dân sự tỉnh Hậu Gian.

Bà Nguyễn Thị Bé Hai trình bày sự việc. Ảnh: HD

“Ổn định” là có quyền

Để tìm hiểu rõ sự việc, Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi với chấp hành viên Nguyễn Phúc Thái, người trực tiếp thi hành bản án và Chi cục trưởng Chi cục THA huyện Phụng Hiệp Hồ Thanh Minh. Ông Thái cho biết quá trình cưỡng chế kê biên xử lý đất nêu trên đã thông báo cho vợ chồng bà Hai quyền khởi kiện ra tòa để xác định tài sản riêng, đúng luật nhưng bà Hai không làm.

PV đặt vấn đề: Theo luật THA, nếu đương sự không yêu cầu tòa chia thì chấp hành viên có quyền yêu cầu tòa phân chia tài sản chung của vợ chồng trước khi THA. Ông Minh lý giải: Dù trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) đứng tên vợ chồng ông Thiện nhưng bản án của tòa tuyên chỉ công nhận QSDĐ cho ông Thiện. “Trường hợp này xem như bản án của tòa đã phủ nhận giấy chứng nhận QSDĐ nên chúng tôi không cần phải hướng dẫn vợ chồng ông Thiện chia tài sản, vì đây không phải là tài sản chung nữa…”.

Chứng minh cho nhận định của mình, ông Minh dẫn chứng bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Hậu Giang ngày 30-5-2016 có đoạn: “Ổn định cho ông Nguyễn Ngọc Thiện diện tích 587 m2 theo lược đồ giải thửa ngày 27-1-2015 của Văn phòng Đăng ký QSDĐ huyện Phụng Hiệp”. Theo ông Minh, từ “ổn định” trong bản án có nghĩa là tòa tuyên chỉ công nhận QSDĐ cho ông Thiện nên coi đây là tài sản riêng của ông này (!?).

Ngoài ra, theo ông Thiện, căn cứ vào hồ sơ địa chính huyện thì phần đất lúa hơn 4.000 m2 (chưa có giấy đỏ) được kê khai dưới tên ông Thiện nên được xác định là tài sản riêng của ông Thiện. “Vì thế THA kê biên, bán đấu giá là đúng. Còn bà Hai cho rằng đây là tài sản chung thì chứng minh đi, nếu đúng thì chúng tôi chừa lại cho” - ông Thiện nói.

Về việc ông Thiện chỉ phải thi hành hơn 700 triệu đồng nhưng THA kê biên tài sản đến 1,4 tỉ đồng, ông Minh chỉ nói ngắn gọn: “Hiện THA đang tiến hành tách thửa phần đất cưỡng chế kê biên để THA. Tài sản mặc dù được kê biên hết nhưng khi bán đấu giá THA ưu tiên bán đấu giá phần đất ruộng và đất trồng cây lâu năm, chừa lại căn nhà và phần diện tích đất có nhà cho bà Hai. Nhưng nếu số tiền chưa đủ giá trị THA thì sẽ phải bán luôn phần nhà và đất còn lại…”.

Hiện Cục THA tỉnh mới chỉ mời bà Hai lên để xác nhận nội dung khiếu nại chứ chưa giải quyết khiếu nại của bà.

Không được tự ý suy luận

Chỉ tính riêng việc THA kê biên bán đấu giá tài sản gấp đôi giá trị phải THA đã là không đúng. Bởi việc này trái với khoản 1 Điều 13 Nghị định 62-2015 của Chính phủ (hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THA dân sự):  “Việc áp dụng biện pháp bảo đảm, cưỡng chế THA phải tương ứng với nghĩa vụ của người phải THA và các chi phí cần thiết…”.

Cạnh đó, việc THA huyện căn cứ vào hai chữ “ổn định” để suy luận rằng tòa coi đây là tài sản riêng của người phải THA là không ổn. Luật THA quy định nếu quá trình tổ chức THA có vấn đề gì trong bản án chưa rõ hoặc không hiểu thì THA có quyền làm văn bản yêu cầu tòa giải thích phần đó để thi hành cho đúng. Cơ quan THA không được tự ý suy luận, suy diễn những nội dung ngoài bản án để thi hành theo ý của mình. Tôi nghĩ Cục THA tỉnh cần sớm giải quyết khiếu nại của bà Hai, làm rõ những vấn đề này.

Luật sư NGUYỄN VĂN ĐỨC, Đoàn Luật sư TP Cần Thơ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm