Quy định mới có hiệu lực từ tháng 11

Hôn hít, cưng nựng trẻ là dâm ô

Nghị quyết 06/2019 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn xét xử các vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 5-11-2019. Một trong các nội dung quan trọng mà nghị quyết hướng dẫn là tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi.

Theo đó, dâm ô là hành vi của những người cùng hoặc khác giới tính tiếp xúc về thể chất trực tiếp hoặc gián tiếp qua lớp quần áo vào bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác trên cơ thể của người dưới 16 tuổi có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục.

Vụ án Nguyễn Hữu Linh ban đầu có ý kiến khác nhau trong việc xác định hành vi dâm ô. Ảnh: PLO

Các hành vi sau đây đều bị coi là dâm ô:

a) Dùng bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm tiếp xúc (đụng chạm, cọ xát, chà xát...) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác của người dưới 16 tuổi;

b) Dùng bộ phận khác trên cơ thể (tay, miệng, lưỡi, chân...) tiếp xúc (vuốt ve, sờ, bóp, cấu véo, hôn, liếm...) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của người dưới 16 tuổi;

c) Dùng dụng cụ tình dục tiếp xúc (đụng chạm, cọ xát, chà xát...) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của người dưới 16 tuổi;

d) Dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi dùng bộ phận khác trên cơ thể của họ tiếp xúc (vuốt ve, sờ, bóp, cấu véo, hôn, liếm...) trực tiếp hoặc gián tiếp qua lớp quần áo với bộ phận nhạy cảm của người phạm tội hoặc của người khác;

đ) Các hành vi khác có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục (hôn vào miệng, cổ, tai, gáy của người dưới 16 tuổi...).

Cá nhân được quyền cung cấp dịch vụ tư vấn bảo hiểm

Luật sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-11-2019 với nhiều điểm mới.

Về kinh doanh bảo hiểm, luật quy định cá nhân được quyền cung cấp dịch vụ tư vấn bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và tổ chức khác có tư cách pháp nhân được quyền cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm (gọi chung là tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm).

Trong đó, cá nhân cung cấp dịch vụ tư vấn bảo hiểm phải từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có văn bằng từ đại học trở lên về chuyên ngành bảo hiểm. Trường hợp không có văn bằng từ đại học trở lên về chuyên ngành bảo hiểm thì phải có văn bằng từ đại học trở lên về chuyên ngành khác và chứng chỉ về tư vấn bảo hiểm do cơ sở đào tạo được thành lập và hoạt động hợp pháp ở trong nước hoặc ở nước ngoài cấp.

Ảnh minh họa.

Tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm phải có tư cách pháp nhân, được thành lập và hoạt động hợp pháp. Cá nhân trực tiếp thực hiện hoạt động phụ trợ bảo hiểm trong tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm phải có văn bằng, chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm phù hợp với loại hình dịch vụ phụ trợ bảo hiểm thực hiện do cơ sở đào tạo được thành lập và hoạt động hợp pháp ở trong nước hoặc ở nước ngoài cấp.

Cá nhân trực tiếp thực hiện hoạt động giám định tổn thất bảo hiểm còn phải đáp ứng các tiêu chuẩn của giám định viên theo quy định của pháp luật về thương mại.

Về sở hữu trí tuệ, chủ sở hữu nhãn hiệu có nghĩa vụ sử dụng liên tục nhãn hiệu. Việc sử dụng nhãn hiệu bởi bên nhận chuyển quyền theo hợp đồng sử dụng nhãn hiệu cũng được coi là hành vi sử dụng nhãn hiệu của chủ sở hữu nhãn hiệu. Trong trường hợp nhãn hiệu không được sử dụng liên tục từ năm năm trở lên thì giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đó bị chấm dứt hiệu lực.

Cấm quản lý thị trường mua hàng của đơn vị bị thanh tra

Thông tư 18/2019 của Bộ Công Thương quy định về hoạt động công vụ của lực lượng quản lý thị trường có hiệu lực thi hành từ ngày 5-11-2019. Thông tư quy định rõ những việc không được làm trong hoạt động công vụ như:

- Gợi ý, đòi hỏi phải thỏa mãn các lợi ích vật chất, phi vật chất hoặc cố ý vay mượn tiền bạc, mua hàng của tổ chức, cá nhân đang trong quá trình thanh tra chuyên ngành, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính.

- Có hành vi, cử chỉ, thái độ không đúng mực, lăng mạ, bôi nhọ làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cá nhân, tổ chức trong hoạt động công vụ.

- Lợi dụng hoạt động công vụ bao che, dung túng hoặc thông đồng với tổ chức, cá nhân có vi phạm hành chính để làm trái các quy định của pháp luật nhằm mục đích tham ô, nhận hối lộ dưới mọi hình thức.

- Thu tiền xử phạt không đúng quy định; tham ô, chiếm đoạt, sử dụng trái phép tiền thu phạt hành chính, tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ hoặc tịch thu; sửa chữa hồ sơ, chứng từ, sổ kế toán để tham ô, chiếm đoạt tiền phạt hành chính hoặc tang vật vi phạm hành chính.

- Phát ngôn hoặc cung cấp cho báo chí những thông tin làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh hợp pháp của tổ chức, cá nhân khi vụ việc đang xử lý và chưa có kết luận vi phạm bằng văn bản theo quy định của pháp luật.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm