‘Quậy’ tòa, sẽ bị tội?

Dự thảo BLHS (sửa đổi) đã bổ sung 37 tội danh mới, trong đó có tội không tôn trọng tòa án (Điều 404). Theo đó, người nào thóa mạ, xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm thành viên HĐXX, người tiến hành tố tụng khác hoặc có hành vi đập phá tài sản tại phòng xét xử thì bị phạt tiền từ 10 triệu đến 100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm: Gây náo loạn phiên tòa; phải dừng phiên tòa xét xử; gây hậu quả nghiêm trọng khác.

Xử hình sự để răn đe

Theo đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang), một trong những trở ngại lớn trong việc giải quyết các vụ án hiện nay là ý thức chấp hành pháp luật của một số cá nhân, cơ quan, tổ chức rất hạn chế. Do vậy, để đảm bảo sự tôn nghiêm của pháp luật, phù hợp với vị trí, vai trò của tòa án là cơ quan được giao thực hiện quyền tư pháp, thực hiện chức năng xét xử thì cần thiết bổ sung tội không tôn trọng tòa án.

Đồng tình, nguyên Thẩm phán TAND Tối cao Nguyễn Quang Lộc nhận xét: “Hiện nay có tình trạng ở các phiên tòa, đương sự lăng mạ, chửi bới HĐXX, vu khống HĐXX ăn tiền, nhận hối lộ, tạo ra hình ảnh lộn xộn, không hay. Lâu nay chúng ta chỉ xử lý họ bằng biện pháp hành chính như buộc đưa ra khỏi phòng xử, nhờ công an tạm giữ hành chính rồi phạt tiền, cao lắm là xử hành vi gây rối trật tự công cộng nhưng thực ra không đảm bảo tính răn đe”.

Từ đó ông Lộc cho rằng để phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng xúc phạm, gây rối trật tự, lăng mạ HĐXX, thư ký tòa án, kiểm sát viên, luật sư, người giám định, người phiên dịch… tại phiên xử thì cần phải bổ sung tội không tôn trọng tòa án. Theo ông, trong các lần góp ý, không ĐBQH nào phản đối việc bổ sung tội danh này, thậm chí nhiều người còn muốn bổ sung thêm vào dự thảo tội can thiệp vào công việc của tòa án.

 
Cảnh sát tư pháp và cán bộ tòa án đang khuyên giải người nhà bị cáo bớt bức xúc, la lối sau phán quyết của HĐXX. Ảnh: PL

Quy định rõ ràng, cụ thể

Thẩm phán Nguyễn Văn Nhân (TAND tỉnh Bình Phước) ủng hộ việc bổ sung tội danh này và cho biết: “Khi xét xử, nhất là xử án dân sự, tôi đã gặp nhiều vụ đương sự nóng nảy, cự cãi lẫn nhau rồi quay sang nổi nóng cả với tòa. Nhiều khi người dân thiếu hiểu biết pháp luật, lại đứng trước nỗi lo mất tài sản, nhà cửa nên có những hành vi gây mất trật tự. Hiểu tâm trạng của họ, tôi đã phải nhẹ nhàng giải thích, động viên để họ hiểu rằng mọi chuyện vẫn đang trong quá trình giải quyết, ai cũng có quyền trình bày, đưa ra ý kiến. Người hiểu chuyện thì bình tâm lại ngay nhưng vẫn có những người quá khích, manh động, khi ấy thì tôi buộc phải mời họ ra ngoài. Nay BLHS bổ sung thêm tội này thì cũng là một cách để giáo dục ý thức chấp hành pháp luật tốt hơn cho người dân tại tòa”.

“Cần bổ sung tội không tôn trọng tòa án để nâng cao vị thế của tòa và thể hiện sự tôn nghiêm của chốn công đường” - luật gia Nguyễn Đức Sáu (Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM) cũng nhận xét.

Tuy nhiên, một lãnh đạo VKSND cấp cao tại TP.HCM không đồng tình: “Nếu đưa tội danh này vào thành một tội độc lập trong BLHS thì không phù hợp và chưa có tính thuyết phục. Bởi lẽ các cơ quan như công an, viện kiểm sát… sẽ thắc mắc sao không đưa tội không tôn trọng cơ quan họ vào trong luật? Mỗi cơ quan đòi một điều luật “không tôn trọng” thì không biết bao nhiêu cho vừa”. Theo vị kiểm sát viên này, để tránh vận dụng tùy tiện, nếu có bổ sung tội mới thì cần quy định thật rõ ràng, cụ thể hành vi nào là không tôn trọng tòa án, tòa án gồm những ai (HĐXX hay cả cán bộ tòa); hành vi không tôn trọng diễn ra ở đâu (trong phòng xử, phòng làm việc hay trong trụ sở tòa nói chung)…

Một số vụ gây rối, “quậy” tòa

- Ngày 24-7-2015, TAND quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) xử sơ thẩm vụ Lý Hải Dương (25 tuổi) bị truy tố về tội trộm cắp tài sản. Suốt phiên xử, Dương đã khiến người chứng kiến ngao ngán vì các hành vi lỗ mãng, hung hăng của mình. Dương đứng trước vành móng ngựa nhưng chắp tay về phía sau, liên tục chửi thề, vung tay, chỉ tay về phía HĐXX. Khi tòa tuyên bố nghị án, Dương hùng hổ đạp đổ vành móng ngựa, liên tục chửi thề. Đến phần tuyên án, khi chủ tọa đọc đến đoạn bị cáo tái phạm, Dương nhảy đổng lên chửi “Đ.M điếc tai” rồi liên tục chửi rủa, đạp vành móng ngựa. Chưa hết, khi tòa vừa tuyên phạt một năm sáu tháng tù, Dương dọa ngay là “ngồi tù sẽ phá trại giam”…

- Sáng 11-8-2013, tại phòng xử TAND TP.HCM (Tòa Lao động, 26 Lê Thánh Tôn, quận 1), ngay sau khi chủ tọa phiên tòa phúc thẩm đọc bản án bác kháng cáo xin ly hôn giữa ông HC và vợ, ông HC đã tiến nhanh đến bàn của HĐXX đập phá các bảng ghi chức danh của các thẩm phán, luật sư… Chưa dừng lại, ông HC còn đập phá, xô đẩy hết bàn ghế trong phòng xử. Bảo vệ tòa đến can ngăn cũng không được. Chỉ đến khi Công an phường Bến Nghé đến mới khống chế được ông HC đưa về trụ sở công an phường làm việc...

Nên sửa điều luật

Điều luật chưa ổn khi quy định chỉ xử lý hình sự hành vi không tôn trọng tòa án tại phiên tòa, trong phòng xét xử. Bởi lẽ không chỉ có mở phiên tòa xét xử, trước đó tòa còn mời đương sự lên làm việc tại trụ sở để lấy lời khai, hòa giải… Nếu đương sự thóa mạ thẩm phán, thư ký tòa, đập phá tài sản trong phòng làm việc hay trong phiên họp thì sao? Do đó cần quy định nếu có hành vi không tôn trọng tòa nói chung (có hành vi dùng bạo lực hoặc lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm đối với những người tham gia tố tụng; gây rối trật tự) tại phiên tòa, phiên họp hoặc trong quá trình tham gia tố tụng tại trụ sở tòa thì bị xử lý hình sự.

Ông NGUYỄN QUANG LỘC,
nguyên Thẩm phán TAND Tối cao

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm