Quản tài viên - nghề mới còn nhiều lúng túng

Phó Chánh tòa Kinh tế TAND TP Hà Nội Nguyễn Đình Tiến cho biết Luật Phá sản 2014 có nhiều điểm mới đáng chú ý, mà nổi bật là quy định về chế định quản tài viên và doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản. Trong đó, quản tài viên là cá nhân hành nghề quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán trong quá trình giải quyết phá sản.

Do chế định này quá mới nên không chỉ các quản tài viên mà chính các thẩm phán cũng gặp không ít khó khăn, lúng túng trong áp dụng chế định này khi giải quyết vụ việc phá sản. Ông Tiến cho biết khó khăn chủ yếu tập trung vào việc chỉ định, thay đổi quản tài viên, giám sát hoạt động, yêu cầu quản tài viên báo cáo, giám sát quản lý hồ sơ vụ việc…

Luật sư - quản tài viên Nguyễn Thế Truyền phân tích theo quy định, trong thời hạn ba ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định mở thủ tục phá sản, thẩm phán có trách nhiệm chỉ định quản tài viên hoặc doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản. Như vậy, quy định về việc đề xuất chỉ định quản tài viên của người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản (điểm b khoản 2 Điều 45) đã không tôn trọng quyền tự quyết của người nộp đơn.

“Tôi đã gặp trường hợp chủ nợ nộp đơn đề nghị mở thủ tục phá sản có kèm theo danh sách quản tài viên đề nghị tòa án chỉ định. Tuy nhiên, khi nhận được thông báo thụ lý phá sản lại thấy tòa án chỉ định một quản tài viên khác, không nằm trong danh sách quản tài viên chủ nợ yêu cầu” - luật sư Truyền kể.

Luật sư Truyền kiến nghị TAND Tối cao sớm ban hành hướng dẫn về việc chỉ định quản tài viên theo hướng: Chỉ những quản tài viên có tên trong danh sách do Sở Tư pháp tỉnh cung cấp để bảo đảm tính pháp lý, tiêu chuẩn, năng lực của quản tài viên; ưu tiên những quản tài viên đã được chỉ định theo yêu cầu của người nộp đơn đề nghị mở thủ tục phá sản hoặc của các chủ nợ trong vụ phá sản.

Luật sư Truyền cũng cho biết các quản tài viên hiện khó khăn nhất về vấn đề kinh phí. “Quản tài viên ở TP.HCM, thụ lý vụ án ở TP.HCM nhưng con nợ rải đến 30 tỉnh, thành. Riêng chi phí đi lại trong ba tháng đã lên tới cả trăm triệu đồng. Các kho hàng cũng nằm rải rác ở các tỉnh khác nhau, quản tài viên còn phải thuê người bảo vệ kho hàng, bởi nếu để tẩu tán tài sản, quản tài viên phải chịu trách nhiệm…” - ông Truyền than. Trong khi đó, theo ông Truyền, thời gian nhận được tạm ứng chi phí hiện quá lâu, thủ tục quá phức tạp, mức tạm ứng chi phí không đủ bù đắp chi phí bỏ ra…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm