Quận nhức đầu vì cơ sở gây ô nhiễm không di dời

Tháng 4-2018, UBND quận 12 (TP.HCM) đã gửi báo cáo lên UBND TP.HCM và nhiều cơ quan, ban, ngành liên quan phản ánh: vào năm 2016, UBND TP ra quyết định về kế hoạch di dời 21 cơ sở gây ô nhiễm môi trường tại phường Đông Hưng Thuận (quận 12). Theo kế hoạch này, các cơ sở phải ngưng hoạt động và di dời trước cuối năm 2016.

Tự tháo dỡ cả niêm phong

Tuy nhiên, cho đến nay vẫn còn năm cơ sở đang hoạt động sản xuất gây ô nhiễm gồm: Cơ sở Phạm Văn Dương, cơ sở Phạm Văn Long, cơ sở Việt Phát, Công ty TNHH Thiên Phú Thịnh, DNTN Phú Lộc.

Từ tháng 7 đến tháng 8-2017, năm cơ sở trên đã bị phạt tiền từ 150 triệu đồng đến hơn 300 triệu đồng, bị đình chỉ hoạt động, trong đó một cơ sở còn buộc phải ngưng công đoạn xả khí thải, chấp hành di dời. Cũng trong năm 2017, Sở TN&MT TP chủ trì, phối hợp với Công an TP tổ chức niêm phong máy móc, trang thiết bị sản xuất đối với 4/5 cơ sở nhưng các cơ sở này đã tự tháo dỡ niêm phong và tiếp tục hoạt động.

Do đó, UBND quận 12 kiến nghị UBND TP cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với năm cơ sở trên.

Cuối năm 2017, UBND TP có công văn chỉ đạo Sở TN&MT TP, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP, Công an TP, Cục Thuế TP, Tổng Công ty Điện lực, UBND quận 12 phối hợp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với năm cơ sở trên.

Đầu năm 2018, Công an TP đã xử phạt vi phạm hành chính đối với hai cơ sở, đồng thời tham mưu UBND TP tiếp tục xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường đối với ba cơ sở còn lại.

Tháng 3-2018, UBND quận 12 tiếp tục kiểm tra năm cơ sở trên thì có cơ sở chưa di dời, có cơ sở chỉ di dời một số máy móc, thiết bị và vẫn tiếp tục hoạt động giặt nhuộm tại vị trí cũ, đồng thời chưa chấp hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính do UBND TP và Công an TP ban hành.

Một trong năm cơ sở gây ô nhiễm chưa chịu di dời ở phường Đông Hưng Thuận, quận 12, TP.HCM. ( Ảnh chụp từ clip)

Chờ thành phố ra quyết định cưỡng chế

Để hạn chế hoạt động gây ô nhiễm của năm cơ sở trên, UBND quận 12 phải gắn bảng tải trọng (một tấn) tại tuyến hẻm, tổ chức chốt chặn và xử lý phương tiện vận chuyển nguyên vật liệu quá tải ra vào năm cơ sở. Hiện UBND quận vẫn thường xuyên nhận được phản ánh, kiến nghị của người dân về tình trạng xả thải gây ô nhiễm của các cơ sở này.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Đặng Hải Bình, Phó Trưởng phòng TN&MT UBND quận 12, cho biết: “Phường Đông Hưng Thuận là khu vực từng ô nhiễm rất nặng nề. Đã có 16 cơ sở chấp hành di dời, còn năm cơ sở hoạt động gây ảnh hưởng đến môi trường, đời sống người dân. Đến thời điểm này, năm cơ sở vẫn chưa chấp hành các quyết định xử phạt của TP. Phía quận cũng thường xuyên theo dõi, đã báo cáo, kiến nghị TP sớm ban hành quyết định cưỡng chế”.

Ông Bình đề nghị PV liên hệ Sở TN&MT TP để nắm thêm thông tin vì UBND TP đã giao cho sở này tham mưu giải quyết. PV tiếp tục liên hệ với Sở TN&MT TP thì cơ quan này nói sẽ chủ động liên lạc lại với PV sau.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi vụ việc có diễn tiến mới.

Có thể xử lý hình sự

Theo ghi nhận của PV, con đường ở khu vực phường Đông Hưng Thuận khá lầy lội, có nhiều ống xả khói trực tiếp lên trời, ống cống thì đen kịt. Theo người dân ở đây, sáng, trưa, tối đều có khói đen, nhà cửa bụi bặm bám đen, đường sá hư hỏng nặng, mưa thì ngập nước. Người dân hy vọng chính quyền sớm di dời các cơ sở gây ô nhiễm trên đi nơi khác để được sống trong môi trường trong lành hơn.

Về mặt pháp lý, luật sư  Lê Trung Phát và luật sư  Trịnh Công Minh đều cho rằng nếu năm cơ sở bị xử phạt vi phạm hành chính không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt thì căn cứ theo Điều 86 Luật Xử lý vi phạm hành chính, UBND TP.HCM phải tiến hành cưỡng chế. Các biện pháp cưỡng chế bao gồm khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản của cá nhân, tổ chức vi phạm; kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá; buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.

Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch, Đoàn luật sư  TP.HCM, phân tích thêm: Khi cơ quan chức năng chứng minh việc xả thải đủ khối lượng để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính ít nhất một lần mà còn vi phạm thì các cơ sở trên có thể còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây ô nhiễm môi trường theo Điều 235 BLHS 2015. Trường hợp cơ quan chức năng niêm phong tang vật vi phạm và giao cho người vi phạm quản lý tang vật mà người này tự ý phá hủy niêm phong thì có thể bị khởi tố về tội vi phạm việc niêm phong, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản tại Điều 385 BLHS 2015.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm