Quản lý cá nhân làm từ thiện: Cần cơ chế để thực hiện lòng tốt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

“Hạn chế lớn nhất của Nghị định 64/2008 là chưa tiếp cận được chủ trương, đường lối, quan điểm chung, thực tiễn của xã hội về huy động mọi nguồn lực xã hội vào an sinh”.

Phó Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (ảnh) đã nói như vậy khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về việc thay thế Nghị định 64/2008 về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

“Lòng tốt, thiện nguyện thì không thể độc quyền”

. Phóng viên: Thưa ông, dựa vào đâu mà ông cho rằng không cần tập trung lòng tốt của con người như Nghị định 64/2008 quy định?

+ Ông Lưu Bình Nhưỡng: Con người có sẵn lòng tốt. Nếu không có cơ chế để mọi người thực hiện lòng tốt của mình thì khó chấp nhận và ngăn cản lòng tốt là không được phép. Vì thế, Nghị định 64/2008 chỉ cho MTTQ và Hội Chữ thập đỏ… được phép tiếp nhận, phân phối nguồn lực thiện nguyện thì không phù hợp, là đã bỏ quên phần còn lại tốt đẹp của xã hội.

. Thực tế thì vấn đề này đang gây tranh cãi, có thể là vấn đề niềm tin nữa.

+ Người ta có thể tin các tổ chức chính trị - xã hội, hay tổ chức xã hội làm từ thiện nhưng có người không tin thì sao? Người ta có thể lập ra một tổ chức riêng của mình thì sao?

Như Ủy ban Xã hội Quốc hội có một nhóm “Kết nối yêu thương - Chủ nhật yêu thương” không thuộc vào đâu theo Nghị định 64/2008 cả. Nhiều cá nhân, tổ chức, quỹ từ thiện đóng góp cho chúng tôi để đi từ thiện vào Chủ nhật cuối mỗi tháng.

. Vậy theo ông, quy định của pháp luật về hoạt động từ thiện đang cần bổ sung gì?

+ Chúng ta thiếu cơ chế huy động từ thiện, lòng tốt để đi làm thiện nguyện. Thiện nguyện là vấn đề đạo đức xã hội, là hành động chia sẻ trách nhiệm của công dân với Nhà nước. Lòng tốt, thiện nguyện thì không thể độc quyền. Bởi nó xuất phát từ trái tim của con người, trải dài trong cuộc sống, nó không thể nằm gọn trong cái rọ nào cả.

Ngoài việc lòng tốt phù hợp với truyền thống “lá lành đùm lá rách, nhiễu điều phủ lấy giá gương” thì nó còn phù hợp với nguyên lý “cái gì người dân làm tốt hơn thì Nhà nước không cần làm”. Thế kỷ 21 là thế kỷ của nhân cách mà chúng ta không thúc đẩy nhân cách trong thiện nguyện là không đúng.

. Có phải do quán tính lo ngại rằng cái gì cũng có tiêu cực nên chưa mở rộng việc đóng góp thiện nguyện không, thưa ông?

+ Phải tạo ra cơ chế giám sát việc thực hiện lòng tốt để lòng tốt trở thành một mạch máu nuôi dưỡng lương tri của xã hội, truyền thống tốt đẹp của dân tộc chứ không phải để thiện nguyện trở thành “lũ quét” làm xói mòn nhân cách, lòng tin. Lòng tốt, thiện nguyện chính là cội nguồn cứu vớt con người khỏi rơi vào khủng hoảng.

Tại sao chúng ta không làm được việc ấy? Là vì chúng ta thiếu cả cơ chế thúc đẩy mặt tốt và cơ chế kiểm soát rủi ro đối với thiện nguyện. Từ năm 2008 đến nay, lòng tốt vẫn lấp lánh như sao trên bầu trời cuộc sống. Thực tế đã có những người có ảnh hưởng trong xã hội còn huy động được nhiều hơn các tổ chức được pháp luật cho phép.

Chậm sửa đổi Nghị định 64/2008

Theo ông Lưu Bình Nhưỡng, tháng 10-2020, Thủ tướng chỉ đạo phải khẩn trương sửa đổi Nghị định 64/2008 nhưng quá trình sửa đổi, thay thế vẫn rất chậm chạp. 

Các nhóm thiện nguyện chèo thuyền đưa lương thực hỗ trợ người dân bị lũ lụt ở miền Trung hồi tháng 10-2020. Ảnh: A.TÙNG

Ai cũng xứng đáng được vinh danh khi làm từ thiện

. Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo phải hoàn thiện dự thảo nghị định theo hướng khuyến khích tổ chức, cá nhân và toàn xã hội tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện rồi.

+ Đường hướng chỉ đạo và dự thảo theo hướng đó là rất đúng. Lòng tốt luôn thường trực và chỉ cần cơ chế để phát triển nảy nở. Một cá nhân cũng có quyền làm từ thiện và được vinh danh xứng đáng. Gần đây, chúng ta thấy trong hoàn cảnh dịch COVID-19, nếu TP.HCM không có sự từ tâm và hoạt động thiện nguyện của người dân thì chắc sẽ còn gặp nhiều khó khăn.

. Dường như vẫn có lo ngại nếu để cá nhân làm từ thiện sẽ xảy ra tiêu cực?

+ Bên cạnh cơ chế tạo điều kiện thì phải có cơ chế kiểm soát. Pháp luật cũng đã quy định các tội danh có thể áp dụng để xử lý người có tiêu cực trong hoạt động từ thiện như tội lừa đảo hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Nếu cần thì có thể bổ sung các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này.

. Dự thảo mới nhất mà Bộ Tài chính đang xin ý kiến đóng góp có quy định cá nhân, tổ chức làm thiện nguyện phải công khai, minh bạch như là thông báo, phối hợp với UBND cấp xã, lập sổ sách…

+ Chúng ta cứ lấy địa bàn hay chính quyền ra làm “bà đỡ” thì chưa hợp lý lắm. Làm từ thiện điều đòi hỏi đầu tiên là kịp thời, nhanh chóng, đúng đối tượng và đáp ứng mong muốn của người đóng góp.

Chẳng hạn, ông A gửi tôi 100 triệu đến giúp bà B xây nhà thì quan trọng nhất là bà B có nhận và xác nhận đã nhận được khoản thiện nguyện đó chưa. Hiện nay, có những cá nhân ngày ngày vẫn làm từ thiện và công khai chi tiết các hoạt động, các khoản đóng góp và việc sử dụng các khoản đóng góp ấy.

Còn việc người làm từ thiện có phối hợp với chính quyền hay không lại là một điều khác nhưng cũng không thể để chính quyền nói rằng ai muốn làm từ thiện thì phải thông qua tôi.

. Nếu pháp luật khuyến khích, vinh danh mọi cá nhân, tổ chức thiện nguyện thì có cần lo ngại gì về việc các cơ quan, tổ chức chính trị, xã hội khác bị phương hại về uy tín hay áp lực gì trong lĩnh vực này không, thưa ông?

+ Phải nói rõ là: MTTQ hay Hội Chữ thập đỏ không chỉ có nhiệm vụ quyên góp và đi làm từ thiện. Thậm chí, chỉ cần các cơ quan này ra lời kêu gọi đóng góp từ thiện là đã thực hiện đúng chức năng, đóng góp cho xã hội rồi. Chuyện quyên góp được nhiều tiền từ thiện không đồng nghĩa với việc như thế là “giỏi” hơn các cá nhân, tổ chức khác.

Đối với MTTQ hay Hội Chữ thập đỏ thì làm từ thiện chỉ là một trong những nhiệm vụ của các tổ chức ấy chứ không phải là nhiệm vụ chính hay chức năng của họ. Phải nhìn nhận rằng: Kể cả trong thiên tai, dịch bệnh… thì các tổ chức này thậm chí không huy động được đồng nào cũng là chuyện bình thường vì các tổ chức này còn nhiều nhiệm vụ quan trọng khác như giám sát, phản biện, cùng với Nhà nước thực hiện các vấn đề liên quan đến dân nguyện, chính sách.

. Xin cám ơn ông.

Hơn ba năm chờ ngày nghị định mới về từ thiện
được ban hành

Từ kỳ họp thứ bảy Quốc hội khóa XIV đến nay, cử tri tại nhiều địa phương phản ánh Nghị định 64/2008 đã bộc lộ nhiều bất cập, không còn phù hợp thực tiễn, cần bổ sung, sửa đổi. Bộ Tài chính cho hay đã xây dựng dự thảo nghị định và ngày 22-12-2020 đã gửi lấy ý kiến bộ, ngành. Tuy nhiên, đến nay (tức tháng 3-2021 - PV), nghị định mới vẫn chưa được ban hành.

Qua giám sát, Ban Dân nguyện của Quốc hội nhận thấy Nghị định 64/2008 đã khuyến khích, tôn vinh và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước, với tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách đóng góp và tổ chức vận động đóng góp giúp người dân gặp các sự cố, bệnh hiểm nghèo ổn định cuộc sống, nhanh chóng phục hồi và khôi phục sản xuất.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, nhiều quy định tại Nghị định 64/2008 chưa điều chỉnh được những vấn đề phát sinh trong thực tiễn như chưa quy định việc cá nhân thực hiện vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện trực tiếp để giúp người dân gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; chưa có quy định về quỹ xã hội, quỹ từ thiện cơ sở y tế, cá nhân thực hiện vận động, tiếp nhận, hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo; quy định về thời gian tổ chức tiếp nhận tiền, hiện vật sau mỗi đợt sự cố, thiên tai còn ngắn…

Để khắc phục những hạn chế đó, từ năm 2018, Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và Ban thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 64/2008 nhưng đến nay hơn ba năm nghị định này vẫn chưa được chính thức ban hành.

(Trích dự thảo báo cáo phục vụ kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV của Ban Dân nguyện) 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm