Phúc thẩm vụ báo bị kiện vì đăng ảnh không xin phép

Ngày 15-6, TAND TP Hà Nội mở phiên phúc thẩm xét xử vụ kiện của bà NTM (trú huyện Vân Đồn, Quảng Ninh) với báo Gia đình Việt Nam.

Đây là một trong những vụ kiện hi hữu liên quan đến hoạt động nghiệp vụ của báo chí. Bà NTM khởi kiện báo Gia đình Việt Nam, yêu cầu tờ báo này phải cải chính, xin lỗi và bồi thường vì đăng ảnh khi chưa được sự đồng ý của mình.

Toàn cảnh phiên tòa ngày 15-6

Tại phiên sơ thẩm, TAND quận Cầu Giấy đã tuyên buộc bị đơn phải cải chính thông tin, xin lỗi và bồi thường gần 70 triệu đồng cho bà M.

Ngay sau đó, báo Gia đình Việt Nam đã kháng cáo, đề nghị tuyên hủy bản án sơ thẩm.

Nội dung vụ việc cho thấy năm 2013, nhà báo Phạm Ngọc Dương (tác giả bài viết đăng báo) đến huyện Vân Đồn gặp bà M. để tìm hiểu và viết bài về con bà có dấu hiệu bị oan. Ông được bà M. tiếp đón, cung cấp chứng cứ. Khoảng 21 giờ, ông chụp chân dung bà M. để đăng kèm bài báo, bà M. ngồi nhìn vào ống kính, đèn flash bật sáng. Toàn bộ thông tin bà M. cung cấp được ông ghi âm đầy đủ. Sau đó bài báo được đăng tải trên ấn phẩm Gia Đình Và Cuộc Sống (thuộc báo Gia đình Việt Nam), trong đó có tấm ảnh chân dung bà M.

“Mục đích tôi viết bài là để làm sáng tỏ sự thật, giải đáp cho dư luận tránh hiểu sai về các cơ quan tố tụng, cũng là muốn bà M. nhận ra sự thật…” - ông Dương nói.

Do hai bên bất đồng ý kiến nên bà M. đã gửi đơn đến Thanh tra Bộ TT&TT về việc bị đưa ảnh lên báo. Sau đó Thanh tra Bộ xử phạt hành chính 9 triệu đồng đối với báo Gia đình Việt Nam vì đăng ảnh mà không có sự đồng ý của bà M. Chưa dừng lại, bà M. tiếp tục khởi kiện báo ra tòa, đòi bồi thường hơn 300 triệu đồng. TAND quận thụ lý vụ kiện xác định báo Gia đình Việt Nam là bị đơn, nhà báo Phạm Ngọc Dương là người làm chứng.

Trong đơn kháng cáo, báo Gia đình Việt Nam cho rằng tòa sơ thẩm áp dụng không đúng pháp luật. Cụ thể, những thông tin trong bài viết là đúng sự thật, không vi phạm quy định của Luật Báo chí và các văn bản hướng dẫn. Các thông tin liên quan đến con bà M. là những dữ liệu được trích dẫn từ hồ sơ của CQĐT, cáo trạng của VKSND, đã được các cơ quan tiến hành tố tụng công khai. Vì thế tòa chấp nhận yêu cầu cải chính thông tin, xin lỗi của bà M. là không đúng.

Về việc đăng ảnh của bà M. trong bài viết không phải do nhà báo chụp lén hay đăng với mục đích bôi nhọ danh dự, uy tín và nhân phẩm như lời bà M. khai tại tòa. Tại tòa, nhà báo Phạm Ngọc Dương khẳng định đã chụp nhiều tấm ảnh chứ không phải một, khi chụp có bật đèn flash và bà M. không phản đối. Ngoài ra, việc đăng hình ảnh của người được phỏng vấn là nghiệp vụ bình thường khi tác nghiệp, xuất phát từ lợi ích công cộng, thuộc một trong những trường hợp không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện của họ...

Tại tòa hôm nay, bà M. tiếp tục yêu cầu báo Gia Đình Việt Nam cải chính công khai xin lỗi bà và xin lỗi vong linh tử tù theo đúng pháp luật và phải bồi thường tổng cộng là hơn 400 triệu đồng.

Tuy nhiên, báo Gia Đình Việt Nam khẳng định không quy kết tử tù Phạm Đức Lợi (con trai bà M.) tội hiếp dâm. Báo không xin lỗi tử tù, một người đã gây ra án mạng hàng loạt.

Nhà báo Phạm Ngọc Dương cũng trình bày rằng bức ảnh ông chụp nhà bà M. có ngày giờ chụp ảnh. Ảnh ông chụp là vào buổi tối có đèn flash nên không thể chụp trộm được.

Sau phần xét hỏi của HĐXX, đại diện VKS đề nghị hoãn phiên toà để làm rõ thông tin liên quan đến số tiền bồi thường tại bản án sơ thẩm. Đồng thời, phía luật sư và đại diện báo Gia Đình Việt Nam cũng đề nghị cần giám định bức ảnh chụp bà M. trước đó.

Sau khi nghe các bên, HĐXX quyết định tạm dừng phiên tòa để các bên thu thập thêm chứng cứ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm