Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị rút hồ sơ nhiều vụ xâm hại trẻ

Ngày 16-1, đoàn giám sát của Quốc hội tiếp tục làm việc với Chính phủ, các bộ, ngành và cơ quan liên quan về việc thực hiện chính sách về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Trần Công Phàn đánh giá các cơ quan tư pháp đang phối hợp xử lý đối với tội phạm xâm hại trẻ em nghiêm, kịp thời và tích cực.

Vướng giám định

Tuy nhiên, theo ông Phàn, điểm vướng là vấn đề giám định, trong khi phải có kết luận giám định mới giải quyết được vụ việc. Cụ thể, kết quả giám định để sử dụng được phải do cơ quan điều tra trưng cầu. Trong khi tội phạm này nhận được tin báo tố giác thường chậm, dẫn đến khi giám định các dấu vết đã mất.

Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Ninh Thị Hồng cho rằng Bộ Y tế đã có hai thông tư quy định quy trình giám định, trong đó có thông tư dài hơn 400 trang. “Chúng tôi nghiên cứu thấy trẻ em bị xâm hại, đánh đập, hiếp dâm đều thực hiện quy trình như người lớn, không hề có quy trình làm riêng. Trong khi có những cháu sáu tháng đã bị xâm hại rồi, vậy mà chúng ta vẫn áp dụng một quy trình như thế để giám định thì có được không?” - bà Hồng nói. Bà cho rằng một vấn đề mà cả ba cơ quan tố tụng đều nêu trong báo cáo thì nên sớm có chỉ đạo giải quyết dứt điểm.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh thừa nhận Luật Giám định tư pháp chưa có quy định cho phép trường hợp ngoại lệ là người bị hại hoặc đại diện hợp pháp của người bị hại (khi bị xâm hại hoặc nghi ngờ bị xâm hại) có thể yêu cầu cơ quan độc lập giám định.

Bà Oanh xin tiếp thu ý kiến góp ý và cho biết sẽ nghiên cứu đề xuất sửa đổi Điều 22 Luật Giám định tư pháp. Theo đó, quy định cho phép người bị hại hoặc đại diện hợp pháp của người bị hại có thể yêu cầu tổ chức giám định pháp y ở địa phương để xác định có hay không việc bị xâm hại cũng như kết luận các vấn đề có liên quan đến tổn hại sức khỏe, tâm lý…

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu. Ảnh: Đ.MINH

Một số vụ xử còn nhẹ

Báo cáo tổng hợp của tổ giúp việc đoàn giám sát nêu nhận xét một số vụ việc có dấu hiệu hành chính hóa quan hệ hình sự. Bởi theo số liệu từ báo cáo của Chính phủ cho thấy có 1.158 trường hợp xử lý hành chính không có căn cứ, sau đó bị hủy để xử lý hình sự.

Bà Oanh xác nhận số liệu trên là đúng vì Bộ Tư pháp tổng hợp trên cơ sở báo cáo của các địa phương cung cấp theo yêu cầu của đoàn giám sát. Tuy nhiên, bà Oanh cho rằng nhận định trên “là chưa phù hợp”.

Bà oanh dẫn quy định tại Điều 62 Luật Xử lý vi phạm hành chính, theo đó khi xem xét vụ vi phạm để quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nếu xét thấy hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm thì người có thẩm quyền xử phạt phải chuyển ngay hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự. Sau khi xử phạt vi phạm hành chính, nếu có dấu hiệu hình sự thì phải chuyển ngay sang cơ quan điều tra. Từ đó bà Oanh nói: “Chúng ta không nên lấy số liệu đó để nhận định và cho rằng chúng ta đã hành chính hóa các quan hệ hình sự”.

Tranh luận lại, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy nói bà vẫn bảo lưu quan điểm nêu trong báo cáo tổng hợp đã dẫn. Cụ thể, 1.158 trường hợp đáng hình sự nhưng lại xử hành chính. Qua kiểm tra hoặc khiếu nại của công dân thì phát hiện xử lý sai, phải hủy quyết định xử phạt hành chính để chuyển sang hình sự. Bà Thủy cho rằng Điều 62 Luật Xử lý vi phạm hành chính mà bà Oanh dẫn không phải là trường hợp này.

Cũng tại phiên họp, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa đồng ý với đánh giá: Các vụ án xâm hại trẻ em cơ bản được điều tra, xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Tuy nhiên, qua giám sát tại một số địa phương và theo dõi phương tiện thông tin đại chúng, bà Hoa cho rằng một số vụ án vẫn chưa tương xứng tính chất và mức độ của hành vi phạm tội.

Phát biểu bế mạc phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu để nghị Chính phủ, bộ, ngành sớm hoàn chỉnh báo cáo trong vòng 15 ngày. Ông Lưu cũng đề nghị tổ giúp việc rút một số hồ sơ, vụ án đã xét xử thấy rằng băn khoăn định tội danh, áp dụng khung hình phạt để sớm có báo cáo đoàn giám sát.

Hai vụ án còn lăn tăn vì xử nhẹ

Bà Mai Thị Phương Hoa dẫn chứng vụ án ở Quảng Ninh, cha dượng hiếp dâm con gái của vợ làm nạn nhân mới 13 tuổi có thai, hành vi phạm tội thực hiện nhiều lần nhưng thủ phạm chỉ bị xử năm năm tù, ở khung 1. “Vụ án này khởi tố, xử lý về tội giao cấu với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi, tôi cho rằng như thế là nhẹ” - bà Hoa nói và đề nghị TAND Tối cao chỉ đạo xem xét lại đối với những vụ án như vậy.

Bà Hoa cũng nêu vụ án xảy ra tại tỉnh Thái Bình, nữ sinh lớp 9 bị xâm hại tập thể. Khi về giám sát, thành viên đoàn giám sát đã nêu vấn đề liệu một cháu bé mới học lớp 9 có thể thỏa thuận vào khách sạn với bốn người đàn ông trong vòng mấy ngày hay không, mà chỉ xử lý là tội giao cấu với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi và tội dâm ô. Trong khi cháu bé về nhà với tinh thần hoảng loạn. Vụ án này, đối tượng phạm tội có một phó phòng cảnh sát Công an tỉnh Thái Bình, chỉ bị xử ở khung 1, nhận mức án ba năm tù. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm