Phiên tòa hình sự chỉ có HĐXX, kiểm sát viên và thư ký

Ngày 26-6, HĐXX TAND huyện Bình Chánh, TP.HCM đã mở lại phiên toà sơ thẩm lần thứ tư để xét xử vợ chồng bị cáo Ngô Thị Thuý Phượng và Nguyễn Ngọc Hân về tội sản xuất, buôn bán hàng giả, theo khoản 3 Điều 156 BLHS 1999.

Tuy nhiên, cả vợ chồng bị cáo Phượng đều vắng mặt; luật sư của các bị cáo cũng vắng mặt. Ngoài ra, đại diện ủy quyền cũ của đơn vị liên quan là Công ty Lacoste cho biết đã kết thúc hợp đồng ủy quyền nên đề nghị tòa thông báo cho công ty Lacoste cử người đại diện mới để tham gia tố tụng tại phiên tòa.

Đây là lần thứ hai trong vụ án này, tòa gặp cảnh "vườn không nhà trống" như thế.

Sau khi nghe quan điểm của vị đại diện VKS, HĐXX đã hội ý và tuyên bố hoãn phiên tòa. Tòa cũng chưa ấn định thời gian mở lại phiên sơ thẩm vụ án đã kéo dài hơn 6 năm này.

Như PLO đã thông tin, Hân lập ra Công ty TNHH May Hân Hạnh. Từ tháng 5-2012, hai vợ chồng thuê các công nhân may áo thun giả nhãn hiệu Lacoste (hình con cá sấu). Sau đó, Hân bị Đội Quản lý thị trường (QLTT) phát hiện, xử lý. Phượng và Hân đã ngưng các hoạt động kinh doanh.

Sau đó hai vợ chồng bị cáo chuyển hết số áo thun giả nhãn hiệu Lacoste về một căn nhà tại xã Vĩnh Lộc (Bình Chánh) để cất giấu nhằm bán để thu hồi vốn.

Áo Lacoste thật (ảnh trái) và tang vật bị thu giữ. Ảnh: PLO

Ngày 20-12-2012, Hân thuê xe tải vận chuyển số áo thun này để Phượng đem bán. Khi đang chất hàng trên xe thì bị Đội QLTT huyện Bình Chánh kiểm tra, lập biên bản tạm giữ toàn bộ số hàng gồm 13.240 áo thun nữ, 2.010 áo thun nam. Tổng giá trị hàng giả tương đương với hàng thật là gần 25,5 tỉ đồng theo kết quả của hội đồng thẩm định giá.

Từ đó, VKS Bình Chánh đã truy tố vợ chồng Phượng về tội buôn bán hàng giả (khung hình phạt từ 7-15 năm tù). Đối với hành vi sản xuất hàng giả, vì công ty của vợ chồng Phượng đã ngưng hoạt động nên chưa đủ căn cứ xác định.

Tháng 8-2014, TAND huyện Bình Chánh xử sơ thẩm lần đầu đã phạt Phượng bảy năm tù, chồng Phượng năm năm tù về tội trên. Tháng 3-2015, TAND TP.HCM hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại vì cần xác minh, làm rõ một số vấn đề.

Ngày 29-5-2018, TAND huyện xử sơ thẩm lần hai nhưng phải hoãn vì vắng mặt hai bị cáo cùng luật sư. Sau đó, tòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Theo giám định của Phân viện khoa học hình sự kết luận: “Bản in 04 (bốn) nhãn treo áo thun nam, nữ nhãn hiệu Lacoste ký hiệu từ A1 đến A4 không trùng với bản in 04 (bốn) nhãn treo áo thun nam, nữ nhãn hiệu Lacoste ký hiệu từ M1 đến M2”.

Phân tích trên PLO các chuyên gia cho rằng hành vi vì mục đích kinh doanh mà gắn nhãn hàng nhái nhãn hàng của thương hiệu được bảo hộ lên áo thun của hai bị cáo có dấu hiệu của tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp chứ không phải tội như đã truy tố.

PLO sẽ tiếp tục thông tin về vụ án.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm