Phạt không thắt dây an toàn: Phải sửa luật

Từ ngày 17-3, CSGT TP.HCM sẽ đồng loạt ra quân để xử lý tài xế, người ngồi trên ô tô tại vị trí được trang bị dây an toàn nhưng không chịu thắt (kể cả hàng ghế trước lẫn hàng ghế sau) theo Nghị định 46/2016.

Trang bị camera ghi hình để xử phạt

Pháp Luật TP.HCM từng nêu ý kiến của Đại úy Cao Đức Thịnh, Phó Đội trưởng Đội Tham mưu Phòng CSGT Công an TP.HCM, cho biết nhận thức của tài xế và người ngồi trên xe ô tô về sự nguy hiểm khi không thắt dây an toàn còn hạn chế.

Vậy nên nhiều người khi thấy CSGT mới thắt dây an toàn, có người né tránh, chống chế khi được CSGT mời xuống kiểm tra. Để đối phó với những trường hợp né tránh, chống chế thì CSGT sẽ trang bị camera ghi hình để ghi nhận các trường hợp không thắt dây an toàn. Ngoài ra, CSGT không chỉ kiểm tra việc tài xế, người ngồi trên ô tô con không thắt dây an toàn mà kiểm tra tất cả loại xe khác như xe khách giường nằm mà trên xe có vị trí gắn dây an toàn.

Một cán bộ CSGT (thuộc Đội CSGT Rạch Chiếc, TP.HCM) cho biết công an phải chứng minh được hành vi không thắt dây an toàn khi xe đang chạy, cụ thể là sử dụng camera ghi hình mới có cơ sở để xử phạt người vi phạm. Trung úy Nguyễn Minh Quang (Đội CSGT Hàng Xanh, TP.HCM) thì cho rằng đối với những người ngồi hàng ghế sau vi phạm thì lần đầu sẽ nhắc nhở, nếu tái phạm sẽ xử lý nghiêm.

Điều đáng nói là quy định về thắt dây an toàn trên ô tô trong Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) 2008 và Nghị định 46/2016 của Chính phủ (xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực GTĐB, đường sắt) đang có độ vênh.

Cụ thể, khoản 2 Điều 9 Luật GTĐB quy định: “Ô tô có trang bị dây an toàn thì người lái xe và người ngồi hàng ghế phía trước trong ô tô phải thắt dây an toàn”. Tuy nhiên, theo điểm k khoản 1 Điều 5 Nghị định 46, hành vi không thắt dây an toàn (tại vị trí có trang bị dây an toàn) khi xe đang chạy sẽ bị phạt tiền 100.000-200.000 đồng.

Nhận thức của 4 người lái xe và người ngồi trên xe ô tô về mối nguy khi không thắt dây an toàn còn hạn chế. Ảnh: HTD

Cần sớm bổ sung vào luật

TS Thái Thị Tuyết Dung (Trường ĐH Luật TP.HCM) cho rằng đang có sự mâu thuẫn giữa nghị định với luật. Theo khoản 2 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nếu các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn.

Tức là việc CSGT căn cứ vào Nghị định 46 để xử phạt là chưa ổn mà phải xử phạt theo quy định tại Luật GTĐB 2008. Tuy nhiên, TS Dung cho biết hoàn toàn ủng hộ quy định tất cả người ngồi trên xe tại vị trí có trang bị dây an toàn phải thắt dây an toàn. Vì vậy phải sớm bổ sung quy định tiến bộ này vào luật.

Theo một luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM, Điều 9 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật GTĐB 2008 đang được lấy ý kiến đã quy định theo hướng tương thích với quy định của Nghị định 46. Cụ thể là sửa đổi các quy tắc giao thông phù hợp với công ước về biển báo và tín hiệu đường bộ, công ước về GTĐB (hai công ước Viên) và các quy định chưa phù hợp với thực tế hiện nay, trong đó có quy định về việc thắt dây an toàn trên ô tô đối với tất cả vị trí có dây an toàn. Như vậy đây là quy định tiến bộ cần được thông qua để CSGT không gặp khó trong việc xử phạt.

Đồng tình, ThS Trần Thị Lệ Thu (ĐH Kinh tế Luật TP.HCM) cho biết khi trang bị dây an toàn ở các vị trí người phía sau tài xế là nhà sản xuất đã có chủ đích nhằm đảm bảo an toàn cho người ngồi trên xe khi lưu thông. Ở các nước quy định tất cả người ngồi trên xe phải thắt dây an toàn là yêu cầu bắt buộc khi tham gia giao thông. Thực tế cho thấy khi tham gia giao thông, dù ngồi ở ghế trước hay ghế sau thì khi xe xảy ra va chạm đều sẽ bị ảnh hưởng. Thậm chí người ngồi ở hàng ghế sau lại bị ảnh hưởng nhiều hơn vì những người ngồi trước họ có thể chủ động và thấy được tình huống va chạm.

TS Cao Vũ Minh (giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM) nói: “Cần sửa đổi ngay Luật GTĐB 2008 và ban hành nghị định phù hợp để việc áp dụng pháp luật thống nhất, hoàn chỉnh”. TS Minh đề xuất Luật sửa đổi, bổ sung Luật GTĐB 2008 có thể quy định rõ là: “Ô tô có trang bị dây an toàn thì người ngồi trong ô tô ở các vị trí này phải thắt dây an toàn khi xe đang chạy”. Có như vậy việc xử phạt đối với hành vi không thắt dây an toàn (tại vị trí có trang bị dây an toàn) khi xe đang chạy mới trở nên hợp pháp.

Vì sao Nghị định 46/2016 cập nhật trước?

Bà Trịnh Thị Hằng Nga, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GTVT), cho biết Luật GTĐB được Quốc hội thông qua năm 2008 nhưng năm 2015 Việt Nam mới gia nhập Công ước Viên. Tại khoản 5 Điều 7 Công ước Viên về GTĐB quy định: “Việc thắt dây an toàn là bắt buộc đối với người lái xe và hành khách đi trên phương tiện cơ giới ngồi tại những chỗ có trang bị dây đeo an toàn”.

Trước tình hình tai nạn giao thông diễn biến phức tạp, nhiều vụ xảy ra với mức độ thương vong lớn, trong đó phần lớn người bị nạn đều không thắt dây an toàn. Đồng thời để thực hiện Công ước Viên về GTĐB, Nghị định 46/2016 của Chính phủ đã quy định việc xử phạt đối với hành vi không thắt dây an toàn tại các vị trí có dây an toàn và lộ trình thực hiện việc xử phạt đối với người điều khiển, người được chở trên ô tô trong trường hợp người được chở ở hàng ghế phía sau trên ô tô không thắt dây an toàn tại các vị trí có dây an toàn.

Bà Nga cũng cho biết để đồng bộ thì dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật GTĐB 2008 đã cập nhật, bổ sung quy định trên. Mục đích là để phù hợp với công ước quốc tế mà Việt Nam đã gia nhập và phù hợp với yêu cầu thực tiễn đảm bảo an toàn giao thông, đảm bảo tính mạng của người tham gia giao thông.

VIẾT LONG ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm