Pháp lý vụ xử phạt ‘siêu tốc’ người chặt cây xà cừ

Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, ngày 30-9, TAND tỉnh Cà Mau đã xử sơ thẩm, tuyên hủy quyết định xử phạt (QĐXP) hành chính của chủ tịch huyện Thới Bình đối với ông Nguyễn Thanh Hiền. Theo đó, ngày 5-8-2019, ông Hiền bị lập biên bản vì đã có hành vi tự ý chặt hạ cây xà cừ đường kính 60 cm, dài 5 m do Nhà nước quản lý nhưng đến ngày 9-8-2019, chủ tịch UBND huyện ký ngay QĐXP ông 20 triệu đồng. 

Không thể phạt lại vì hết thời hiệu

Tòa nhận định theo luật nếu bị phạt với mức tiền trên thì ông Hiền có quyền giải trình trong vòng năm ngày, theo Điều 61 Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC). Tuy nhiên, chủ tịch huyện đã ra QĐXPVPHC ông Hiền chỉ bốn ngày sau khi lập biên bản vi phạm nên tuyên hủy QĐXP.

Vấn đề đặt ra trong vụ án này là hành vi của ông Hiền là VPHC đã rõ, ông Hiền cũng thừa nhận. Tuy nhiên, QĐXP của chủ tịch huyện vì vi phạm hình thức nên bị hủy, vậy sau khi tòa tuyên, chủ tịch huyện có thể xử phạt lại hay không.

ThS Nguyễn Ngọc Lâm, giảng viên Học viện Tư pháp, cho biết Điều 61 Luật XLVPHC quy định rõ về quyền giải trình của người bị XPVPHC. Nếu áp dụng mức phạt từ 15 triệu đồng trở lên đối với cá nhân thì cá nhân đó có quyền giải trình trực tiếp hoặc bằng văn bản với người có thẩm quyền xử phạt.

“Như vậy, trong vụ việc này, tòa tuyên hủy quyết định hành chính là đúng dù hành vi đó đáng bị xử phạt. Ông Hiền vẫn đang trong thời gian được quyền giải trình nhưng chủ tịch huyện ra ngay QĐXP là vi phạm trình tự, thủ tục ra quyết định” - ThS Lâm nói.

Cũng theo ông Lâm, sau phiên tòa, chủ tịch huyện không thể ra QĐXP lại vì đã hết thời hiệu thi hành QĐXPVPHC.

Cụ thể, Điều 73, Điều 74 Luật XLVPHC quy định cá nhân, tổ chức bị xử phạt có khởi kiện QĐXPVPHC thì vẫn phải chấp hành QĐXP (trừ trường hợp người giải quyết khởi kiện ra quyết định tạm đình chỉ việc thi hành quyết định đó). Thời hiệu thi hành QĐXPVPHC là một năm kể từ ngày ra quyết định, quá thời hạn này thì không thi hành quyết định đó nữa.

Mặt khác, khoản 1 Điều 6 Luật XLVPHC quy định thời hiệu XPVPHC là một năm từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm (vụ việc này không thuộc các trường hợp được loại trừ thời hiệu). Căn cứ vào các mốc thời gian trong vụ việc và các quy định trên thì cả thời hiệu xử phạt lẫn thời hiệu thi hành quyết định hành chính đều đã hết. Vì vậy, không có căn cứ để xử phạt lại ông Hiền dù ông này đã thừa nhận hành vi vi phạm.

Cây xà cừ liên quan trong vụ việc do ông Hiền chặt hạ. Ảnh: CTV - TRẦN VŨ

Cách nào khắc phục?

PGS-TS Phan Trung Hiền, Phó Trưởng Khoa luật Trường ĐH Cần Thơ, cho rằng đây là vụ việc XPVPHC không phức tạp nhưng chủ tịch huyện không để ý nên vi phạm hình thức khi xử phạt.

Dù chủ tịch huyện phạt “siêu tốc” nhưng bản chất của vụ việc không thay đổi, vì ông Hiền cũng đã thừa nhận hành vi vi phạm. Tuy nhiên, ở góc độ người bị xử phạt, việc này làm hạn chế và ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của họ.

Vậy làm sao để trật tự công cộng được bảo đảm, hậu quả được khắc phục nhưng vẫn bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị xử phạt?

Theo PGS-TS Phan Trung Hiền, thứ nhất, tòa tuyên hủy QĐXP chứ không tuyên hủy biên bản VPHC lập ngày 5-8-2019 nên nó vẫn còn giá trị. Tuy nhiên, việc ban hành QĐXP mới là không thể vì đã quá thời hạn ban hành QĐXP.

Thứ hai, mặc dù quá thời hạn để ra QĐXP, chủ tịch huyện vẫn có thể ban hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo khoản 2 Điều 66 Luật XLVPHC. Biện pháp này vẫn có thể được áp dụng trong trường hợp hết thời hiệu XPVPHC quy định tại Điều 6, hoặc hết thời hạn ra QĐXPVPHC quy định tại điểm c khoản 1 Điều 66 Luật XLVPHC.

Thứ ba, trường hợp này nên áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo Điều 29 Luật XLVPHC là cá nhân, tổ chức VPHC phải khắc phục tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do mình gây ra, nếu không tự nguyện thì bị cưỡng chế thực hiện.

Về nguyên tắc khắc phục hậu quả là khôi phục nguyên trạng ban đầu, do đó trường hợp này có thể buộc trồng đền cho Nhà nước một cây xà cừ giống kích thước, chủng loại như cây mà người vi phạm đã chặt hạ. Trong quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả phải ghi rõ lý do không ra QĐXPVPHC, tang vật bị tịch thu, biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng, trách nhiệm và thời hạn thực hiện.

Quy định về quyền giải trình của người bị xử phạt

Đối với hành vi VPHC mà pháp luật quy định áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc áp dụng mức phạt tiền tối đa của khung tiền phạt đối với hành vi đó từ 15 triệu đồng trở lên đối với cá nhân, từ 30 triệu đồng trở lên đối với tổ chức thì cá nhân, tổ chức vi phạm có quyền giải trình trực tiếp hoặc bằng văn bản với người có thẩm quyền xử phạt VPHC. Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm xem xét ý kiến giải trình của cá nhân, tổ chức VPHC trước khi ra QĐXP, trừ trường hợp cá nhân, tổ chức không có yêu cầu giải trình trong thời hạn quy định tại khoản 2 và khoản 3 điều này. 

(Trích khoản 1 Điều 61 Luật XLVPHC 2012) 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm