Phải thay đổi hòa giải với tranh chấp đất đai

Số trước Pháp Luật TP.HCMcó bài phản ánh thủ tục hòa giải ở xã/phường trong tranh chấp đất đai trước khi khởi kiện ra tòa đang bộc lộ nhiều hạn chế, còn mang tính hình thức và làm phát sinh các hệ quả pháp lý. Vậy cách nào để nâng cao chất lượng hòa giải, giúp tiết kiệm thời gian và thuận lợi cho người dân?

Chọn một trong hai nơi?

Một thẩm phán từng xét xử nhiều vụ việc tranh chấp đất đai cho rằng quy định cứng như hiện nay thì nếu chủ tịch UBND cấp xã/phường không tổ chức hòa giải thì đương sự phải khởi kiện thêm vụ án hành chính nữa. Điều này gây rắc rối, phiền hà, mất nhiều thời gian của đương sự. Trong khi nhiều UBND phường ở các TP có khối lượng công việc khá lớn nên chủ tịch không thể trực tiếp xử lý mà thường giao cho phó chủ tịch phụ trách hoặc cán bộ địa chính.

Theo vị thẩm phán này, không nên quy định các tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất đều bắt buộc phải hòa giải tại UBND cấp xã nơi có đất, mà cho phép người dân chọn cả trung tâm hòa giải đối thoại tại các TAND. Theo đó hòa giải tại xã nên áp dụng ở các tỉnh nghèo, ít dân cư, khối lượng công việc ít. Bởi ở đó chính quyền cấp xã là cấp gần dân nhất, các tranh chấp về đất đai sẽ được địa phương nắm rõ, có thể đưa ra phương án giải quyết hợp tình, hợp lý. Trong quá trình hòa giải, tình làng nghĩa xóm được hàn gắn thì sẽ tránh được kiện tụng tại tòa.

Còn đối với các tỉnh, TP lớn có tổ chức cấp xã là phường/thị trấn, các tranh chấp đất đai là rất phổ biến, phức tạp và giá trị tranh chấp cao. Vì thế nên quy định cho phép người dân có thể lựa chọn và yêu cầu trung tâm hòa giải-đối thoại của tòa án để hòa giải.

Theo luật sư (LS) Trần Thị Hồng Việt (hòa giải viên tại Trung tâm hòa giải-đối thoại TAND quận 1, cựu thẩm phán TAND TP.HCM), quy định như hiện nay khiến việc tranh chấp bị kéo dài, làm chậm quá trình tố tụng. Trong khi Luật Đất đai và BLTTDS có quy định các cơ quan có thẩm quyền khi giải quyết tranh chấp đất đai đều phải thực hiện thủ tục hòa giải.

Theo đó, nếu khởi kiện ra tòa thì thẩm phán thụ lý cũng sẽ tiến hành hòa giải trong giai đoạn chuẩn bị xét xử. Trong quá trình xét xử vụ án, HĐXX cũng sẽ tạo điều kiện cho các bên thỏa thuận. Điều đó có nghĩa trong quá trình giải quyết vụ án, các đương sự luôn được tòa án tạo điều kiện để hòa giải. Đây cũng là nguyên tắc chung trong tố tụng dân sự. Do vậy, quy định bắt buộc phải hòa giải tại UBND xã/phường trước khi khởi kiện không còn phù hợp.

“Hiện nay tại các tòa án còn có các trung tâm hòa giải-đối thoại thực hiện việc hòa giải và đem lại những hiệu quả thiết thực. Nếu hòa giải thành thì sẽ có quyết định công nhận và có giá trị thi hành như bản án của tòa. Do vậy, theo tôi, các đương sự có thể chọn hòa giải tại trung tâm để giải quyết tranh chấp” - LS Việt nói.

Một phiên hòa giải ở Trung tâm hòa giải- đối thoại tại TAND quận Bình Tân, TP.HCM. Ảnh: NGÂN NGA

Chuyển hẳn lên cho tòa?

Một cán bộ địa chính tại UBND một phường tại TP Tân An (Long An) cho rằng nên bỏ luôn quy định hòa giải tại cơ sở vì hiện nay người dân tới ủy ban hòa giải chỉ để hợp thức hóa hồ sơ khởi kiện. Trong khi việc này tạo ra áp lực không nhỏ cho UBND cấp xã. Theo Điều 88 Nghị định 43/2014 của Chính phủ (hướng dẫn về thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai) thì UBND cấp xã có trách nhiệm thẩm tra, xác minh tìm hiểu nguyên nhân phát sinh tranh chấp, thu thập giấy tờ, tài liệu có liên quan do các bên cung cấp về nguồn gốc đất, quá trình sử dụng đất và hiện trạng sử dụng đất. UBND xã phải thành lập hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai gồm nhiều thành phần. Tiến hành một buổi hòa giải cũng không đơn giản vì có nhiều thủ tục nội dung.

Những mâu thuẫn về đất đai thường gay gắt nên hiếm khi các bên chịu nhượng bộ nhau. Cạnh đó tỉ lệ hòa giải thành rất thấp vì UBND cấp xã không có chức năng đo đạc xác định diện tích được cấp trong giấy chứng nhận là đúng hay sai. Vì vậy nên chuyển hẳn hoạt động này lên cho tòa án thực hiện thông qua các trung tâm hòa giải-đối thoại tại tòa.

Đồng tình, LS Nguyễn Văn Dũ, Đoàn LS TP.HCM, phân tích: Quy định như hiện nay sẽ phát sinh tình trạng hòa giải thành trên giấy. Bởi biên bản hòa giải thành đã chốt nhưng một hoặc các bên không thực hiện thì phải hòa giải lại và chỉ khi có biên bản hòa giải không thành thì một trong hai bên mới được khởi kiện tại tòa.

Trong khi năng lực cán bộ cấp xã/phường ở một số nơi còn hạn chế, nhất là về tố tụng dân sự và họ cũng phải “ôm” quá nhiều việc hành chính nên thời gian hòa giải kéo dài, chất lượng không cao. Thế mới có thực tế xã hòa giải rồi nhưng tòa lại trả đơn kiện, yêu cầu hòa giải lại vì chưa đúng quy định. Thậm chí có biên bản hòa giải người chủ trì quyết luôn thay tòa là ai đúng, ai sai...

Hiệu quả từ trung tâm hòa giải-đối thoại tại tòa

Tại TP.HCM: Tính đến hết tháng 3-2019 (sau bốn tháng thí điểm) với 10 trung tâm hòa giải tại tòa án được thành lập và đi vào hoạt động (gồm Tòa TP.HCM và các quận/huyện: Bình Thạnh, Bình Tân, Tân Phú, Gò Vấp, Bình Chánh, Củ Chi, 1, 2, 9) tiếp nhận tổng cộng 4.869 đơn khởi kiện và đã hòa giải thành hơn 2.219 vụ việc, trong đó các vụ việc hôn nhân gia đình có tỉ lệ hòa giải thành cao nhất (đạt tỉ lệ 83,31%).

Tại Hà Nội: Tính đến giữa tháng 3-2019 với 16 trung tâm hòa giải tại tòa án được thành lập đã tiếp nhận tổng cộng 5.422 đơn khởi kiện và đã hòa giải thành hơn 2.174 vụ việc, tỉ lệ hòa giải thành đạt trên 68%.

Tại Hải Phòng: Có 10 trung tâm hòa giải tại tòa án được thí điểm và đi vào hoạt động gồm TP Hải Phòng và chín quận/huyện trực thuộc đã hòa giải rất nhiều vụ việc với tỉ lệ hòa giải thành lên đến 76%.

Tại Cần Thơ: Có sáu trung tâm hòa giải tại tòa án được thí điểm gồm TP Cần Thơ và năm quận/huyện trực tiếp nhận gần 1.012 đơn khởi kiện và đã hòa giải nhiều vụ án dân sự (trong đó có tranh chấp đất đai, kinh tế,…) với tỉ lệ hòa giải thành hơn 63%. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm