Phải làm gì khi tài liệu mật bị mất?

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 26/2020 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7 tới.

Theo đó, trước khi giao tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước (gọi tắt là tài liệu mật) phải đăng ký vào sổ đăng ký bí mật nhà nước đi. Tài liệu mật độ “tuyệt mật” chỉ ghi trích yếu khi người có thẩm quyền xác định bí mật nhà nước đồng ý.

Tài liệu mật phải làm bì hoặc đóng gói riêng. Giấy làm bì phải dùng loại giấy dai, bền, khó thấm nước, không nhìn thấu qua được, hồ dán phải dính, khó bóc. 

Ảnh minh họa.

Trường hợp tài liệu mật thuộc độ “tuyệt mật” phải được bảo vệ bằng hai lớp phong bì. Bì trong ghi số, ký hiệu của tài liệu mật, tên người nhận, đóng dấu “tuyệt mật” và được niêm phong bằng dấu của cơ quan, tổ chức ở ngoài bì.

Trường hợp gửi đích danh người có trách nhiệm giải quyết thì đóng dấu “Chỉ người có tên mới được bóc bì”. Bì ngoài ghi như gửi tài liệu thường và đóng dấu ký hiệu chữ A.

Tài liệu mật độ “tối mật” và “mật” được bảo vệ bằng một lớp bì, ngoài bì đóng dấu chữ B và chữ C tương ứng với độ mật của tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước bên trong.

Việc giao tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước phải được quản lý bằng sổ chuyển giao bí mật nhà nước.

Trường hợp tài liệu mật được gửi đến mà không thực hiện đúng quy định bảo vệ bí mật nhà nước thì chuyển đến lãnh đạo cơ quan, tổ chức nhận tài liệu mật hoặc người có tên trên phong bì (đối với trường hợp gửi đích danh) giải quyết.

Đồng thời, sự việc phải được thông báo cho nơi gửi biết để có biện pháp khắc phục.

Nếu phát hiện tài liệu mật gửi đến có dấu hiệu bóc, mở bì hoặc bị tráo đổi, mất, hư hỏng thì người nhận phải báo cáo ngay cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức để có biện pháp xử lý.

Bộ trưởng Bộ Công an quy định mẫu sổ đăng ký bí mật nhà nước đến, đi và mẫu sổ chuyển giao bí mật nhà nước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm