Phải biết sợ hãi để phòng chống dịch tốt hơn

TP.HCM đang oằn mình trải qua những tháng ngày khó khăn nhất. Số người tử vong do COVID-19 vẫn đang tăng lên; hàng chục ngàn người đang trong các khu điều trị hoặc đang phải cách ly. Thực tế đó đòi hỏi mỗi người phải ý thức hơn nữa trong từng hành động để cùng chung tay chống dịch.

Bao số phận con người vất vả vì mưu sinh chưa biết ngày mai sẽ ra sao, khi những đồng tiền trong túi đang cạn dần. Dịch COVID-19 đến không quá bất ngờ nhưng lần đầu đối phó với tình trạng nghiêm trọng như thế này, đâu đó vẫn còn những chuệch choạc cần được điều chỉnh kịp thời.

Một trong những vấn đề hiện nay tại TP.HCM là khi nào người dân được phép ra ngoài mua hàng hóa thiết yếu theo Chỉ thị 16, theo Văn bản số 2601/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và theo Công văn số 2279, Công văn 2468 của UBND TP.HCM?

Câu hỏi này không khó để trả lời. Tuy nhiên, có hai yếu tố chính góp phần tạo nên hiệu quả của các quy định trên: Thứ nhất là ý thức của người dân và thứ hai là việc áp dụng các chế tài xử lý vi phạm từ những người thi hành công vụ.

Ý thức của người dân trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bị chi phối rất lớn bởi sự sợ hãi: Sợ hãi về dịch bệnh và lo lắng khi bị xử phạt. Trong đó, sự sợ hãi bị lây bệnh chiếm tỉ lệ lớn hơn. Khi mỗi cá nhân hình thành nỗi sợ hãi bị lây bệnh, họ sẽ cân nhắc khi nào thì nên ra ngoài.

Ví dụ, một người muốn ăn bánh mì nhưng sợ bị lây bệnh, họ có thể ăn cơm, mì gói thay thế; và khi đó, họ cho bánh mì là không thật sự cần thiết. Tuy nhiên, nếu một phụ nữ đang bị thai nghén, chỉ có ăn bánh mì là không bị nôn ói và mới có thể duy trì được sự sống, thì bánh mì thật sự là cần thiết. (Trường hợp này chỉ là một giả thiết, hy vọng là thực tế không xảy ra).

Nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ chuẩn bị lấy mẫu cho người dân khu vực phỏng tỏa ở TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Nỗi lo lắng khi bị phạt cũng rất quan trọng, nhất là đối với những người có thu nhập thấp. Nhưng khi nỗi lo sợ về dịch bệnh chưa đủ lớn, thì có thể có một số người thuộc tầng lớp có thu nhập trung bình khá hoặc cao hơn vẫn muốn ra đường (vì nhiều lý do khác nhau) và chấp nhận nộp phạt.

Do đó, ý thức của mỗi người dân, mà cụ thể là sự sợ hãi về dịch bệnh, sự sợ hãi khi bị tử vong và bị hỏa thiêu trong vòng 24 giờ không người thân bên cạnh là rất quan trọng. Đây là yếu tố quyết định đến việc chấp hành nghiêm các quy định liên quan đến phòng chống dịch COVID-19, trong đó họ sẽ không ra khỏi nhà nếu chưa cần thiết.

Trong mọi hoàn cảnh, sự sống, tính mạng con người là trên hết. Từ đó, bản thân mỗi người hãy tự giác chấp hành 5K. Sự sợ hãi dịch bệnh của người dân được hình thành từ việc cơ quan có chức năng tuyên truyền số ca bệnh thực tế, tỉ lệ/con số tử vong, các thông tin về khả năng quá tải trong tương lai của ngành y tế nếu các ca bệnh không được kiểm soát và những hậu quả khôn lường khác của dịch bệnh COVID-19.

Không thể không nói đến sự sợ hãi đang hiện hữu từng ngày từng giờ ở những người dân lao động kiếm sống qua ngày, không có tài sản tích lũy. Vấn đề này cần được chính quyền, đoàn thể và các tổ chức, cá nhân làm thiện nguyện nhanh chóng chung tay giải quyết. Chúng ta phải cố gắng làm tương đối tốt điều này để đề phòng trường hợp nỗi sợ “chết vì đói” lấn át nỗi sợ về dịch bệnh, về việc bị phạt của một bộ phận người dân khiến họ phải ra khỏi nhà để tìm cách mưu sinh!

Song song đó, trách nhiệm của người thi hành công vụ cũng vô cùng quan trọng. Xử phạt đúng quy định nhưng không máy móc, cứng nhắc mà cần linh hoạt. Phạt sao cho người dân phải “tâm phục khẩu phục”, tránh những bức xúc, va chạm đáng tiếc giữa người dân và lực lượng chức năng.

Đây là lúc người thi hành công vụ ngoài cái đầu lạnh, đôi bàn tay sạch thì cũng rất cần một trái tim ấm áp, biết chia sẻ những khó khăn của người dân. Cạnh đó, cơ quan chức năng cần tăng cường xử lý hình sự những trường hợp khai báo y tế gian dối, vi phạm quy định về cách ly, di chuyển… dẫn đến làm lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Đây cũng được xem là biện pháp cứng rắn để hình thành ý thức chấp hành nghiêm pháp luật của người dân.

Hình phạt tiền đến 200 triệu đồng và phạt tù đến 12 năm được quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người là phù hợp, đủ sức răn đe. Và cần phổ biến chế tài này đến mỗi cá nhân, mỗi gia đình. Cạnh đó, các cơ quan báo chí cần thông tin kịp thời các vụ phạm tội này để tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành của người dân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm