Ông Trần Phương Bình nhận thêm án tù chung thân

Chiều 27-11, TAND TP.HCM tuyên án vụ ông Trần Phương Bình và các đồng phạm gây thiệt hại cho Ngân hàng TMCP Đông Á (đại án DAB giai đoạn 2).

HĐXX nhận định căn cứ vào hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa thì cáo trạng truy tố các bị cáo về tội vi phạm quy định cho vay và lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản là đúng người, đúng tội. 

Hành vi của bị cáo Bình và đồng phạm gây ra là đặc biệt nghiêm trọng, trong thời gian ngắn đã gây thiệt hại số tiền lớn cho DAB.

Trong đó, ông Bình là người có vai trò chủ mưu, cầm đầu trong hàng loạt vi phạm dẫn đến thiệt hại vô cùng lớn.

HĐXX đang đọc toàn văn bản án sau khi nghị án. Ảnh: H.Y

Cụ thể là việc vi phạm cho vay không đúng quy định đối với 4 nhóm khách hàng lớn gây thiệt hại số tiền 8.800 tỉ đồng.
Ngoài ra, bị cáo Bình còn lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt của DAB 75,6 tỉ đồng để có tiền sử dụng vào mục đích cá nhân và trả lãi cho các khoản vay trước đó.
Theo HĐXX, số tiền bị cáo Bình đã chiếm đoạt của DAB nên buộc bị cáo Bình phải có trách nhiệm bồi thường cho ngân hàng.
Cạnh đó, HĐXX xác định hành vi của bị cáo Bình và đồng phạm có dấu hiệu của tội cố ý làm trái quy định Nhà nước trong quản lý kinh tế, tuy nhiên áp dụng theo luật mới nên không truy cứu.
Hành vi của bị cáo Bình và các đồng phạm là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng DongABank bị lỗ lũy kế hơn 31.000 tỉ đồng; vốn chủ sở hữu bị âm 25.000 tỉ đồng và tổng tài sản thực của ngân hàng chỉ còn 47.000 tỉ đồng.

Bị cáo Trần Phương Bình cùng các đồng phạm. Ảnh: H.Y


Trong đó, bị cáo Bình chỉ đạo toàn bộ hoạt động vay với nhiều sai phạm, có bàn bạc với các nhóm khách hàng gồm Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần vốn Thái Thịnh (TTC) Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty M&C Phùng Ngọc Khánh...

Bị cáo Bình là người giữ vị trí cao nhất trong vụ án nên phải chịu trách nhiệm hình sự nặng hơn các bị cáo khác. Mặt khác, trong giai đoạn 1 của vụ án bị cáo đã từng bị tuyên phạt mức án tù chung thân. HĐXX cũng ghi nhận những đóng góp của bị cáo Bình đối với sự phát triển của DAB và xã hội.

Các bị cáo tại toà đều thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Một số bị cáo cấp dưới của bị cáo Bình phạm tội do lệ thuộc vào người đứng đầu ngân hàng, có công đóng góp trong sự phát triển DAB HĐXX cân nhắc giảm nhẹ một phần hình phạt.

Từ những phân tích trên, HĐXX xử phạt bị cáo Bình mức án tù chung thân về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản và 20 năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Tổng hợp hình phạt chung bị cáo phải chấp hành là tù chung thân.

Bị cáo Bình phải bồi thường về số tiền đã chiếm đoạt và thiệt hại cho DAB, cấm đảm nhiệm chức vụ trong lĩnh vực ngân hàng năm năm sau khi chấp hành xong hình phạt tù.

Bị cáo Phùng Ngọc Khánh (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty M&C) là đối tác cho vay có bàn bạc thông đồng với bị cáo Bình trong việc cho vay sai quy định. Vai trò của bị cáo Khánh chỉ sau bị cáo Bình trong việc cho vay sai quy định.

Bị cáo Khánh trực tiếp bàn bạc với bị cáo Bình để thực hiện hành vi phạm tội nhằm mang lại lợi ích cho công ty M&C, phạm tội nhiều lần, có hệ thống. HĐXX ghi nhận thái độ thành khẩn khai báo của bị cáo Khánh và bị tuyên phạt mức án 18 năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Các bị cáo khác được xác định là đồng phạm giúp sức cho bị cáo Bình, HĐXX tuyên phạt xử mức án từ hai năm án treo đến bảy năm tù giam. 

Về trách nhiệm dân sự, tòa tuyên buộc ông Bình bồi thường cho DAB 75 tỉ đồng. Đối với khoản 3.000 tỉ đồng mà DAB cho nhóm khách hàng Hiệp Phú Gia - TTC vay đã được tách ra thành vụ án khác, chờ bắt được Nguyễn Thiện Nhân sẽ xem xét xử lý sau.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

(PLO)- Cáo trạng xác định có hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng và bị Tập đoàn Tân Hoàng Minh chiếm đoạt 8.600 tỉ đồng.

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

(PLO)- Chậm chân, vướng quy hoạch nên không thể chuyển mục đích sử dụng đất khiến hai mảnh đất liền kề chênh lệch 10 lần về giá bồi thường vì bên đất nông nghiệp, bên đất ở. Đây là thực tế đáng suy ngẫm về công tác quy hoạch và chính sách bồi thường...