Ông Nguyễn Hữu Tín được đề nghị án nhẹ

Chiều 27-12, đại diện VKS TP.HCM đã nêu quan điểm luận tội đối với ông Nguyễn Hữu Tín (cựu phó chủ tịch UBND TP.HCM) cùng các đồng phạm trong vụ giao đất số 15 Thi Sách (quận 1) cho Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79 (do Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ “nhôm”, làm chủ tịch HĐQT). Các bị cáo cùng bị truy tố theo khoản 3 Điều 219 BLHS có khung hình phạt 10-20 năm tù.

“Không có vùng cấm, không có ngoại lệ”

Đại diện VKS khẳng định truy tố các bị cáo về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí là có căn cứ. Các bị cáo đều là những người được giao nắm giữ các vị trí quan trọng nhưng đã bất chấp pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng nên cần xử lý nghiêm.

Nhưng xét một cách tổng thể, vụ án xảy ra có phần lỗi của các cá nhân trong vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Do đó khi xem xét trách nhiệm của các bị cáo cũng cần xem xét một cách khách quan, công bằng hơn.

Từ đó VKS đề nghị HĐXX xử phạt bị cáo Tín, Đào Anh Kiệt (cựu giám đốc Sở TN&MT TP.HCM) cùng mức án 7-8 năm tù. Bị cáo Trương Văn Út (cựu phó Phòng quản lý đất đai) và Lê Văn Thanh (cựu chánh Văn phòng UBND TP) cùng mức án 5-6 năm tù; Nguyễn Thanh Chương (cựu trưởng Phòng đô thị UBND TP) 4-5 năm tù.

VKS nêu từ năm 2014 đến 2016, Bộ Công an do Thứ trưởng Bùi Việt Tân ký các công văn đề nghị UBND TP.HCM, Bộ VH-TT&DL tạo điều kiện cho Công ty Bắc Nam 79 (công ty bình phong) được thuê nhà, đất tại 15 Thi Sách phục vụ mục đích an ninh quốc phòng.

Sau khi được các ông Thanh, Chương, Út và Kiệt tham mưu, ông Tín đã ký duyệt cho thuê đất, bán chỉ định nhà và khấu trừ tiền thuê đất trái quy định. Hậu quả là Công ty Bắc Nam 79 được khấu trừ tiền bồi thường thuê đất hơn 6,7 tỉ đồng và thiệt hại thêm 802 tỉ đồng giá trị quyền sử dụng đất do chưa thu hồi được...

Đại diện VKS cho rằng với cương vị của người quyết định vụ việc chỉ đạo của bị cáo Tín mang tính định hướng cho cấp dưới thực hiện. Bị cáo được Nhà nước trao quyền quản lý nhưng đã cố ý làm trái khi thực hiện nhiệm vụ được giao. Hậu quả mà bị cáo gây ra không chỉ về kinh tế mà còn là sự ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Đảng và Nhà nước nên cần có một bản án nghiêm minh và tính răn đe, giáo dục cao đối với bị cáo.

Đại diện VKS khẳng định: “Đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước thể hiện quan điểm không có vùng cấm khi xử lý hành vi vi phạm pháp luật, không có ngoại lệ bất kể người đó là ai”.

Hai bị cáo Nguyễn Hữu Tín (trái) và Đào Anh Kiệt tại tòa. Ảnh: HOÀNG GIANG

Thấy sai nhưng vẫn làm

Theo đại diện VKS bị cáo Tín có thái độ thành khẩn khai báo trong quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa. Bị cáo nhiều lần thừa nhận sai phạm của mình trước HĐXX, thể hiện sự ăn năn hối hận. Đây cũng là lý do bị cáo đã chủ động vận động gia đình nộp 1,5 tỉ đồng khắc phục phần nào hậu quả do mình đã gây ra…

Bị cáo là người có nhiều thành tích trong công tác, được tặng thưởng huân chương, nhiều bằng khen, giấy khen và có những đóng góp nhất định trong công cuộc xây dựng TP.HCM. Vì vậy đề nghị HĐXX xem xét đây là những tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo được hưởng.

Đối với bị cáo Kiệt, VKS nhận định có vai trò rất lớn trong vụ án. Thời điểm xảy ra vụ án, bị cáo là giám đốc Sở TN&MT, có chức năng nhiệm vụ chính là tham mưu giúp ủy ban thực hiện quản lý nhà nước về đất đai.

Là lãnh đạo cao nhất sở, bị cáo phải nhận thức việc cho thuê nhà tại 15 Thi Sách phải thông qua đấu giá nhưng vẫn tham mưu cho ông Tín giao tài sản này cho công ty của Vũ “nhôm”. Sau khi nhận văn bản của ủy ban, ông này đã bút phê “xử lý nhanh”... và là người trực tiếp ký các văn bản tham mưu cho ông Tín, dẫn đến thiệt hại lớn cho Nhà nước.

“Tức là bị cáo thấy sai nhưng vẫn làm. Bị cáo là người phải chịu trách nhiệm lớn nhất” - đại diện VKS nhận định.

Vì ở cương vị người đứng đầu sở, bị cáo Kiệt phải là người chịu trách nhiệm cao nhất với những sai phạm liên quan đến vụ án xảy ra tại đây. Tại tòa, bị cáo phủ nhận hành vi phạm tội là thể hiện chưa nhận thấy vai trò, trách nhiệm của mình nên sẽ không được hưởng tình tiết giảm nhẹ thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Vì vậy, VKS nhận thấy bị cáo này cần nhận mức phạt ngang bằng với mức phạt của bị cáo Tín.

Đối với các bị cáo còn lại, VKS đề nghị tòa xem xét giảm nhẹ.

Thứ Hai 30-12, phiên tòa tiếp tục với phần tranh luận.

Ông Tín nhận trách nhiệm

Trước đó, tại phần tranh luận, bị cáo Tín nói: “Trong quá trình điều tra, truy tố, thẩm vấn tại tòa, tôi xin nhận trách nhiệm với tư cách là người lãnh đạo cao nhất trong vụ án này. Bị cáo không phải biện minh mà chỉ mong giải trình nguyên nhân, bối cảnh, điều kiện khi ký quyết định giao đất”.

Trả lời luật sư, ông Tín nói về Điều 1 trong quyết định giao đất cho Công ty Bắc Nam 79 trả tiền thuê hằng năm là khác với các hình thức giao đất khác. Nó hạn chế một số quyền đặc biệt như quyền chuyển nhượng, cầm cố, cho vay, góp vốn. Ông Tín cho rằng giá trị quyền sử dụng đất vẫn thuộc về Nhà nước. Tuy nhiên, việc ký cho công ty bình phong thuê đất là sai quy định. Trong nhận thức của ông việc này là hỗ trợ cho ngành công an trong công tác an ninh trên phạm vi toàn quốc và TP.HCM.

Cũng theo ông Tín, tờ trình văn bản của các bộ, ngành thể hiện đã có sự thỏa thuận từ trước giữa Bộ Công an và Bộ VH-TT&DL với các cơ quan phụ thuộc. Cụ thể là Công ty Bắc Nam 79 và Công ty TNHH MTV Phim Giải Phóng. Bị cáo cho rằng văn bản của các đơn vị này đề nghị tạo điều kiện về thủ tục hành chính giữa hai đơn vị nhà nước thuộc hai bộ của Chính phủ. Đây không có sự chuyển dịch tài sản của Nhà nước, chỉ là chuyển cơ quan, đơn vị quản lý khác để thực hiện chức năng về an ninh chính trị… 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm