Ông Nguyễn Bắc Son chỉ 'nhận trách nhiệm là người đứng đầu'

Ngày 23-4, TAND Cấp cao tại Hà Nội xử phúc thẩm vụ án MobiFone mua 95% cổ phần AVG.

Tiếp tục phiên xử, cựu bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son là người đầu tiên được xét hỏi.

Cựu bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son. Ảnh: ĐỨC MINH

Ông Son khai sức khỏe của ông thời gian gần đây rất yếu, thường xuyên cần sự chăm sóc của bác sĩ. 

Bị tòa sơ thẩm tuyên án chung thân về hai tội nhận hối lộ và vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng, ông Son xin giảm nhẹ hình phạt ở mức thấp nhất có thể khi tuổi đã cao, sức yếu. 

Theo cựu bộ trưởng, đây là vụ án hy hữu, số tiền thiệt hại đặc biệt lớn (hơn 6.600 tỉ đồng), tuy nhiên toàn bộ hậu quả đã được khắc phục. Ông mong HĐXX cho ông được hưởng các tình tiết giảm nhẹ như đã ngăn cản hành vi phạm tội, cố gắng đôn đốc khắc phục hậu quả.

Tại tòa, ông Son khai thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG có nhiều sai phạm, vì vậy Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc trong thời gian khá dài (từ năm 2016 đến 2018).

Khi vụ việc bị phanh phui, dù đã nghỉ hưu, ông vẫn biết được nhiều ý kiến bàn tán trái chiều về dự án. Đầu năm 2018, ông đã gọi điện thoại cho cựu chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ nói "hủy được hợp đồng là tốt nhất". Tuy nhiên, vụ án vẫn bị khởi tố, điều tra vào cuối năm.

"Ai là người phải chịu trách nhiệm cao nhất trong vụ án này?" - chủ tọa hỏi. 

Đáp lại, ông Son cho biết đã nhiều đêm suy nghĩ đến mức không ngủ được. Ông nhận thấy trách nhiệm của mình rất lớn, là người đứng đầu chỉ đạo lập và thực hiện dự án.

Cựu bộ trưởng cũng thừa nhận đã định hướng cho MobiFone mua cổ phần AVG và phê duyệt bản ghi nhớ. Về việc đưa thương vụ này vào danh mục “mật”, ông Son cho biết đã căn cứ vào công văn hướng dẫn của Bộ Công an gửi Bộ Thông tin và Truyền thông.

Văn bản này đề nghị trong quá trình xử lý thương vụ MobiFone mua cổ phần AVG không được tuyên truyền rộng để tránh gây hiểu nhầm. Ông Son còn muốn tiếp tục trình bày, song vị chủ tọa ngắt lời và cho rằng "do Bộ Thông tin và Truyền thông hỏi nên Bộ Công an mới có công văn trả lời".

"Bị cáo có biết dự án này thuộc thẩm quyền của ai không?" - chủ tọa hỏi tiếp. 

Ông Son đáp ban đầu ông không biết đây là dự án thuộc nhóm A, phải do Thủ tướng phê duyệt, cho đến khi được cấp dưới báo. Ông thừa nhận đã ký quyết định phê duyệt dự án khi chưa được Thủ tướng chấp thuận. 

Về việc MobiFone chưa thanh toán nốt 5% hợp đồng cho AVG, ông Son cho hay chỉ khi nghỉ hưu mới biết việc này và đoán nguyên nhân do chưa hoàn tất các thủ tục. Cũng tại tòa, ông Son cũng xin giảm nhẹ hình phạt đối với tội nhận hối lộ.

Trong thời gian làm việc, ông được Nhà nước tin tưởng giao cho nhiều nhiệm vụ quan trọng. Tuy nhiên, ông đã để xảy ra sai phạm là nhận tiền của cựu chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ. Ông thừa nhận đây là hành vi rất xấu, bị xã hội lên án.

"Bị cáo thành khẩn nhận trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra sai phạm này” - ông Son nói và cho biết đã gửi lời xin lỗi đến Tổng bí thư, tập thể nhân viên MobiFone và đề nghị giảm hình phạt cho cựu bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn.

Sau khi nghe ông Son trình bày, HĐXX cho rằng trong một dự án hơn 8.000 tỉ đồng, số tiền 3 triệu USD (tương đương 64 tỉ đồng) ông nhận hối lộ là đặc biệt lớn, chưa từng có trong tiền lệ. 

Ông Lê Nam Trà xin giảm nhẹ hình phạt

Cũng tại phiên tòa sáng nay, HĐXX đã tiến hành xét hỏi cựu củ tịch Hội đồng thành viên MobiFone Lê Nam Trà. Ông Trà cũng kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt về cả hai tội nhận hối lộ và vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng.

Ông Trà khai ngay từ đầu đã xác định dự án thuộc về thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng và mọi việc làm của MobiFone đều theo chỉ đạo xuyên suốt của Bộ Thông tin và Truyền thông. MobiFone phải chấp hành mọi sự chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Về tội nhận hối lộ, cựu chủ tịch AVG khai ông hoàn toàn “bị động” khi không có bàn bạc, thỏa thuận từ trước. Cựu chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ tự mang tiền đến. Tự nhận thức việc nhận tiền là sai, ông đã chủ động khai báo trước khi bị khởi tố và hợp tác nộp lại toàn bộ số tiền đã nhận là 2,5 triệu USD (hơn 55 tỉ đồng).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm