Ông Dương Trung Quốc nói về dựng tượng Lý Thái Tông

Chiều nay (28-4), TAND Tối cao đã tổ chức phiên họp Hội đồng nghệ thuật xây dựng tượng vua Lý Thái Tông và cố chánh án TAND Tối cao qua các thời kỳ. Pháp Luật TP.HCM có cuộc trao đổi với nhà sử học Dương Trung Quốc xung quanh vấn đề đang được dư luận quan tâm này. 

. Phóng viên: Thưa ông, người phát ngôn TAND Tối cao cho biết ông có tham gia ý kiến chuyên môn vào dự án này. Vậy ông cho biết đánh giá của ông về những tranh cãi gần đây liên quan đến việc TAND Tối cao lựa chọn vua Lý Thái Tông làm biểu tượng?

+ Ông Dương Trung Quốc: TAND Tối cao có ý định tìm một nhân vật biểu tượng cho pháp luật và xét xử. Tôi cho là hợp lý thôi. Nhưng trên báo chí, mạng xã hội dường như có sự lẫn lộn, liên tưởng thần công lý với việc này. Theo tôi hiểu, việc TAND Tối cao đang làm không phải là xây dựng một tượng về thần công lý. Vậy thôi.

Còn lựa chọn như thế nào thì chúng tôi có phối hợp với TAND Tối cao tổ chức một hội thảo. Ban đầu đưa ra nhiều nhân vật, sau thảo luận rồi mới đi đến lựa chọn nhân vật Lý Thái Tông.

Tôi cho rằng không nên có quan điểm so sánh tòa án bây giờ với tòa án ngày xưa. Đơn giản là nên nhận thức quản trị đất nước chúng ta là có nền tảng văn hiến và trong nền tảng văn hiến đó có pháp trị.

Công văn của TAND Tối cao liên quan đến vấn đề chọn tượng Lý Thái Tông. Ảnh: NĐ

. Các hội thảo này có nhiều chuyên gia tham dự, góp ý công khai không?

+ Nhiều đấy. Tổ chức ở Ninh Bình, rất đông. Không rõ báo chí thông tin thế nào hay ban tổ chức mời truyền thông ra sao nhưng tôi nhớ là bữa đó có phóng viên. Mức độ tuyên truyền thế nào thì là bên TAND Tối cao, còn bọn tôi chỉ làm chức năng tư vấn thôi.

. Không phải là biểu tượng cho công lý thì mục đích của TAND Tối cao khi triển khai công việc này là gì, thưa ông?

+ Chọn nhân vật biểu tượng cho ngành tòa án thôi. Tương tự như Bộ Tư pháp từ lâu rồi đã chọn cụ Lê Thánh Tông làm biểu tượng, với căn cứ là người đã làm ra Bộ luật Hồng Đức. Rồi ngành y tế thì chọn cụ Lê Hữu Trác làm biểu tượng của mình…

Theo tôi hiểu, TAND Tối cao không hàm ý tìm một biểu tượng để cạnh tranh hay so sánh, hay để có gì khác với biểu tượng thần công lý của các nước Âu, Mỹ cả.

Nhưng khi tìm chọn một biểu tượng cho ngành thì cũng tìm đến một cái gì đó như truyền thống trị nước vậy. Tinh thần là ngành tòa án cũng có truyền thống văn hiến, với tinh thần pháp trị, thì cũng có gì đó để tôn vinh.

Bản vẽ dự kiến cung pháp lý. (Nguồn: TAND Tối cao)

. Người dân và xã hội, trong sự giao lưu văn hóa Đông-Tây thì có nhiều cảm xúc với biểu tượng nữ thần công lý. Theo ông thì nên cân nhắc cái đó như thế nào?

+ Việt Nam làm gì có nữ thần công lý. Còn công lý theo nghĩa giá trị chung của thế giới thì mọi người cứ hướng đến thôi, có sao đâu...

. Vậy còn ba mẫu tượng vua Lý Thái Tông cầm sách, tay sách tay kiếm và tay sách tay cân thì sao?

+ Đấy là các phương án đề xuất của chuyên gia về tượng. Ông cha mình vẫn có câu “cầm cân nẩy mực” thì đưa cái cân vào tượng thôi, chứ không liên quan hay lai căng gì đến nữ thần công lý của phương Tây cả. Còn chọn cụ thể mẫu nào, điều chỉnh thế nào thì hội đồng nghệ thuật còn bàn.

Tôi nghĩ các bạn nên hỏi TAND Tối cao. Họ có một năm để chuẩn bị việc này, có kỷ yếu, lập luận… Giờ họ đang xây dựng một cung pháp lý, mà như kinh nghiệm các nước đều có biểu tượng cả. Còn Việt Nam có nên không và như thế nào thì phải tính.

. Cũng trong lần này, TAND Tối cao cũng thảo luận việc dựng tượng các vị chánh án qua các thời kỳ. Ông thấy thế nào?

+ Quan điểm của tôi lịch sử không nên vô nhân xưng, tức là phải thể hiện qua bóng dáng con người cụ thể, bất kể có công hay có tội. Việt Nam mình thì truyền thống là đưa vào đền thờ những người có công. Còn có tội thì lưu danh trong đời sống dân gian. Đấy là cách làm của người xưa.

Còn thời nay, tôi cho rằng việc dựng tượng các nhân vật có trọng trách, có trách nhiệm nên coi là bình thường.

Tôi tham gia làm nhiều tượng nhân vật gắn với giới doanh nhân và từ quan điểm của mình, tôi đã đặt câu hỏi với Quốc hội là sao không dựng tượng cụ Nguyễn Văn Tố, Chủ tịch Quốc hội khóa I - Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

. Thường thì ta chỉ chọn người có công để dựng tượng. Vậy với các vị chánh án TAND Tối cao thì có đặt ra việc bình xét, đánh giá?

+ Phán xét, đánh giá nhân vật lịch sử là việc của lịch sử. Các nước họ rất ý thức điều đó. Ở đâu có dấu chân Napoleon thì ở đó có tượng ông, bất kể khen hay chê. Đến như lãnh đạo phát xít Mussolini mà nước Ý vẫn dựng tượng mà. Con người đó phải đứng đó, xuất hiện ở đó để được khen, được chê, để biết họ phải chịu trách nhiệm về thời kỳ đó.

Tôi cho rằng dựng tượng, để tượng người có trách nhiệm qua từng thời kỳ là cách rất hay. Lưu danh đời sau cho người ta khen chê, chứ không nên vì lãnh đạo tập thể mà không ai ra mặt cả.

Chúng ta lâu nay quan niệm ai xứng đáng vinh danh mới dựng tượng. Đấy là sai lầm và là hiểu sai cả các bậc tiền nhân. Nhắc tới Quốc tử giám, mọi người chỉ nhớ vế tôn vinh, nhớ câu “hiền tài là nguyên khí quốc gia”, mà quên mất ý quan trọng trong văn bia: Ghi ở đây để những người này phải biết tu thân, xứng đáng, nếu không người sau nhờ đây biết đến tên mà nguyền rủa.

. Xin cám ơn ông.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm