Ông Đinh La Thăng tự bào chữa trong gần 40 phút

Bị cáo đã chú ý lắng nghe bản luận tội của VKS, bị cáo hoàn toàn tôn trọng cáo trạng VKS đã nêu. Tuy nhiên, theo quy định của luật, bị cáo được phép trình bày một số điểm mà cáo trạng đã nêu.

Việc đầu tư vào OceanBank có hai điều kiện cần và đủ

Nói về chủ trương góp vốn vào OceanBank, ông Thăng nói: Đây không phải là chủ trương từ đầu của PVN mà là việc giải quyết hệ lụy và chủ trương thực hiện đề án thí điểm thành lập tập đoàn kinh tế kinh doanh đa ngành, đề án phê duyệt thành lập Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và việc thành lập ngân hàng mà PVN có quyền nắm giữ 50% vốn điều lệ...
Tháng 3-2017, khi vụ án chưa bị khởi tố, bị cáo có gọi điện thoại cho các thành viên HĐTV và nói về chủ trương đó, các anh chị thành viên HĐTV khi đó cũng xác nhận có biết về chủ trương này. Tuy nhiên sau đó, khi cơ quan điều tra hỏi thì các thành viên HĐTV lại nói do cả nể nên ký. Việc này bị cáo thấy không nhất thiết xác nhận nữa. Việc này không liên quan gì đến hành vi che giấu phạm tội cả.
Bị cáo đã báo cáo HĐQT về việc ký thỏa thuận với OceanBank, đề nghị thành viên HĐQT cho ý kiến, nếu đồng ý thông qua thì thực hiện, không đồng ý thì biên bản ký thỏa thuận không có giá trị. Khi họp HĐQT bị cáo không che giấu, úp mở gì mà báo cáo rõ đã ký thỏa thuận với anh Thắm. Biên bản thỏa thuận này chỉ là ghi nhớ kết quả làm việc giữa bị cáo và chủ tịch OceanBank chứ không phải căn cứ pháp lý.
Bị cáo không che giấu, né tránh như cáo buộc trong cáo trạng của VKS.
Về việc ký các nghị quyết góp vốn, ông Thăng nói: Việc đầu tư vào OceanBank có hai điều kiện cần và đủ: có sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ và được sự thống nhất của HĐQT. Việc đầu tư vào OceanBank đảm bảo cả hai điều kiện trên, được Thủ tướng đồng ý bằng văn bản và được HĐQT thống nhất 100%.
Thực tế ở PVN không có nghị quyết nào không được thống nhất 100%, vì chỉ cần một người không đồng ý thì bị cáo sẽ cho dừng lại.
Việc đầu tư vào OceanBank là hoàn toàn đúng chủ trương, thủ tục, quy trình, quy định của pháp luật. Chỉ khi Thủ tướng đồng ý rồi thì PVN mới thực hiện đầu tư, đây là sự thật chứ không phải bị cáo né tránh, chối tội, thể hiện bằng các văn bản chứng từ trong hồ sơ...

Thực tế việc đầu tư rất có hiệu quả

Về lần góp vốn lần ba, 100 tỉ đồng, bị cáo đi vắng và ủy quyền điều hành. Sau khi vụ án bị khởi tố, bị cáo nhận thấy việc góp vốn này chưa phù hợp quy định hiện hành của Luật tín dụng 2010. Tuy nhiên, tại phiên tòa cũng như qua hồ sơ vụ án, bị cáo thấy người ủy quyền cũng như các thành viên tham gia ký nghị quyết này dù nghị quyết chưa phù hợp nhưng các cơ quan có thẩm quyền đã xem xét phê duyệt bằng các văn bản của NHNN, Sở KH&ĐT Hải Dương, Ủy ban chứng khoán, không hề có “thổi còi” gì... Trong các quyết định chấp thuận của các cơ quan nhà nước đều ghi rõ cổ đông là Tập đoàn PVN góp vốn 800 tỉ đồng, bằng 20% vốn điều lệ. Chứng tỏ việc này đã được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
Vì vậy, việc góp vốnlần ba, theo nhận thức của bị cáo, các cá nhân có liên quan không vi phạm vì đã được phép.
Các bị cáo khác khi ký nghị quyết này đã trình bày tại tòa, đây là sự nhạy cảm trong giai đoạn quá độ giữa luật cũ và luật mới, HĐQT không cập nhật kịp thời luật mới nhưng không phải cố ý làm trái, đề nghị HĐXX và VKS xem xét.
Bản thân bị cáo không trực tiếp chỉ đạo việc ký nghị quyết này cũng như không trực tiếp ký biểu quyết tham gia...
Thực tế khi có sự đầu tư của PVN thì OceanBank đã phát triển rất nhanh, liên tục trong năm năm từ 2009-2013, Tập đoàn PVN đã được chia cổ tức với số tiền 244 tỉ đồng. Thực tế việc đầu tư rất có hiệu quả.
Cáo trạng nêu về việc mất vốn 800 tỉ đồng nhưng bị cáo cho rằng các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh có lúc lỗ lúc lãi là chuyện bình thường... Hoàn toàn không có mối quan hệ nào giữa việc đầu tư vốn và kinh doanh thua lỗ. “Giả sử người đi xe máy vi phạm giao thông bị xử lý thì phải phạt trực tiếp người vi phạm chứ không phải xử lý bố mẹ người vi phạm, vì con anh đua xe nên anh bị xử lý” - ông Thăng làm phép so sánh.
Ông Đinh La Thăng tự bào chữa trong gần 40 phút

Ông Đinh La Thăng đang tự bào chữa. Anh: Đ.MINH

PVN có chủ động đề xuất thoái vốn

Về thoái vốn, ông Thăng cho rằng PVN đã rất chủ động. "Từ năm 2012 đã xây dựng lộ trình thoái vốn báo cáo Thủ tướng Chính phủ và được Thủ tướng cho phép PVN thoái vốn 100% khỏi OceanBank, lộ trình 2013-2015.
Đầu năm 2014, có hai công ty đăng ký mua 5% và 15% vốn của PVN. PVN đã báo cáo Thủ tướng. Đầu tiên, Thủ tướng Chính phủ đồng ý nhưng sau đó 13 ngày thì không đồng ý do NHNN đề nghị dừng lại, chuyển phần vốn của tập đoàn về cho NHNN. Nếu PVN được thoái vốn thì rõ ràng không có chuyện mất 800 tỉ đồng này. Nếu Thủ tướng đồng ý thì đã giải quyết ngay trong năm 2014, không có chuyện bị mua 0 đồng dẫn đến mất 800 tỉ.
Về việc mua NH với giá 0 đồng. HĐXX vụ án OceanBank đã có kiến nghị đề nghị Chính phủ làm rõ căn cứ pháp lý của việc mua NH với giá 0 đồng. Chính phủ đã họp riêng về vấn đề này và có nghị quyết dừng việc mua NH với giá 0 đồng. Rõ ràng việc mua NH với giá 0 đồng là không phù hợp với quy định của pháp luật. Anh Thắm là cổ đông sở hữu 67% không biết gì về việc mua này, PVN sở hữu 20% cũng không biết vì về việc mua 0 đồng này, không được hỏi ý kiến.
Giả sử việc mua NH 0 đồng này là đúng với lý do OceanBank thua lỗ, vậy NHNN phải bỏ tiền để bù khoản lỗ 14.000 tỉ đồng và 4.000 tỉ đồng để cấp lại vốn điều lệ cho OceanBank hoạt động. Vậy NHNN lấy tiền từ đâu, theo luật ngân sách thì không được lấy tiền ngân sách để bù lỗ cho các doanh nghiệp. Nếu NHNN không bỏ tiền vào mà OceanBank vẫn hoạt động bình thường, điều đó chứng tỏ việc mua NH này là không phù hợp, cả về căn cứ pháp lý cũng như căn cứ thực tiễn.
Chính việc mua 0 đồng này là nguyên nhân quan trọng nhất, việc Chính phủ không cho phép PVN thoái vốn là nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc các cổ đông trong đó có PVN mất hoàn toàn vốn. Trách nhiệm này nằm ngoài trách nhiệm của tập đoàn chứ không phải không cho thoái vốn là trách nhiệm của PVN mà là người ký không cho thoái vốn.
Về việc bảo toàn và phát triển vốn. Việc kinh doanh đầu tư là có hiệu quả. Đến tháng 8-2011, bị cáo chuyển công tác khỏi PVN. Ba năm sau khi bị cáo chuyển công tác thì OceanBank vẫn chia cổ tức đều. Vì vậy, trách nhiệm bảo toàn vốn của của tập đoàn, bị cáo chỉ chịu trách nhiệm đến tháng 8-2011, sau đó là trách nhiệm của những người khác. Khi bị cáo chuyển khỏi PVN thì mọi quyền hạn và nghĩa vụ đối với bị cáo không còn.
Thực tế việc đầu tư vào OceanBank là hoàn toàn hiệu quả, đã bảo toàn và phát triển vốn. Nếu Thủ tướng đồng ý cho thoái vốn thì PVN đã thu được ít nhất số tiền 800 tỉ đồng và cổ tức...
Ông Thăng cám ơn HĐXX và khẳng định lần nữa mình không né tránh, chối bỏ trách nhiệm. "Bản thân bị cáo và các anh em luôn tuân thủ pháp luật, không bao giờ có hành động cố ý làm trái, việc đầu tư vào OceanBank hoàn toàn công khai, minh bạch, không hề có bất cứ động cơ vụ lợi cá nhân nào, không tư lợi, không tư túi, hoàn toàn trong sạch" - ông Thăng khẳng định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm