Ông Đinh La Thăng khẳng định không ưu ái PVC

Ngày 10-1, phiên xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm bước sang ngày làm việc thứ ba. Cũng như hai ngày trước, phiên xử diễn ra khá căng thẳng tới tận tối muộn.

“Tôi hoàn toàn tôn trọng kết luận điều tra cũng như cáo trạng nhưng có những hiện tượng, bản chất sự việc không hoàn toàn như vậy. Tôi mong HĐXX xem xét dự án Nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Thái Bình 2 trong căn cứ quy phạm pháp luật cũng như điều kiện thực tiễn diễn ra” - ông Đinh La Thăng nói tại tòa.

Ông Đinh La Thăng: Không ưu ái công ty con nào

Trả lời HĐXX, ông Thăng cho biết nguồn vốn thực hiện dự án NMNĐ Thái Bình 2 có 30% của PVN và 70% vay ngoài.

Luật sư Lê Văn Thiệp (bào chữa cho ông Trịnh Xuân Thanh) hỏi: Có phải PVN góp vốn 800 tỉ đồng vào OceanBank nên được ưu đãi lãi suất 5,5%, trong khi mặt bằng lãi suất là 23% không? Đáp lại, ông Thăng cho biết PVN và OceanBank đã ký văn bản hợp tác sử dụng các dịch vụ của nhau, tuy nhiên các dịch vụ này đều phải theo quy định của pháp luật... “Vấn đề luật sư đề cập có thể xem xét trong văn bản đối tác giữa OceanBank và PVN” - ông Thăng nói.

Luật sư hỏi tiếp: Quan hệ giữa PVN với PVC là quan hệ công ty mẹ - công ty con. Cáo trạng cáo buộc PVN ưu ái cho PVC. Vậy hành vi ưu ái có trái pháp luật, nguy hiểm cho xã hội không? Ông Đinh La Thăng đáp: PVN có nhiều công ty con, trong đó có PVC. PVN xin được chủ trương, cơ chế để đẩy nhanh phát triển dịch vụ. PVN có nhiều công ty con làm dịch vụ, có dịch vụ bảo hiểm, dịch vụ kỹ thuật, dịch vụ khoan, dịch vụ tổng hợp... “Trách nhiệm của công ty mẹ là lo cho tất cả công ty con phát triển mạnh lên. Các công ty con béo khỏe, mạnh khỏe thì tập đoàn mạnh khỏe. Đó là trách nhiệm chứ không có việc ưu tiên cho bất kỳ doanh nghiệp nào” - ông Thăng nhất mạnh.

Đến 18 giờ 30 ngày 10-1, khi được gọi lên trả lời thẩm vấn của luật sư, ông Đinh La Thăng đã từ chối trả lời vì lý do sức khỏe. Ông cho biết từ hôm bị bắt tạm giam, huyết áp của ông luôn trong tình trạng 165/90.

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh (trái) và bị cáo Nguyễn Anh Minh tại phiên tòa. Ảnh: TTXVN

Ông Trịnh Xuân Thanh bị đàn em “phản pháo”

Khi trả lời HĐXX và các luật sư về số tiền tham ô hơn 13 tỉ đồng, ông Trịnh Xuân Thanh nhiều lần nhắc đi nhắc lại rằng coi nguyên phó TGĐ PVC Nguyễn Anh Minh như em ruột khiến ông Minh có sự phản ứng ngay tại tòa.

Ông Minh thừa nhận trước tòa về mối quan hệ rất thân thiết giữa mình và gia đình ông Thanh. “Tuy nhiên, việc tình cảm, bị cáo nghĩ trong quan hệ gia đình và quan hệ bạn bè. Ra HĐXX thì việc vi phạm pháp luật là thượng tôn. Bị cáo xin ý kiến HĐXX, anh Thanh nói rất nhiều lần rằng coi bị cáo như em ruột” - ông Minh khá lúng túng trong diễn đạt.

PVN có ưu ái cho PVC?

Theo cáo trạng, do đang gặp khó khăn về nguồn vốn đầu tư, ngày 17-8-2010, ông Trịnh Xuân Thanh (chủ tịch HĐQT PVC) ký công văn gửi PVN đề nghị xin vay vốn. Ngày 20-10-2010, PVN và OceanBank ký hợp đồng ủy thác có nội dung: Tập đoàn PVN ủy thác không truy đòi để OceanBank cho PVC vay vốn thực hiện thanh toán và bù đắp thanh toán các khoản đầu tư nhận chuyển nhượng... Tổng số tiền vay gần 800 tỉ đồng, lãi suất 5,5%/năm, thời hạn vay 12 tháng.

Cũng tại thời điểm này, PVC đến hạn thanh toán khoản vay 400 tỉ đồng (đầu tư vào hai dự án khách sạn). Để tạo điều kiện cho PVC, ông Đinh La Thăng chỉ định PVC thực hiện gói thầu EPC của dự án NMNĐ Thái Bình 2 với tổng vốn đầu tư sau thuế hơn 30.000 tỉ đồng (gần 1,7 tỉ USD).

Đến ngày 11-10-2011, PVC mới chính thức là nhà thầu có tư cách pháp lý để thực hiện hợp đồng tổng thầu EPC dự án NMNĐ Thái Bình 2 (do PVN làm chủ đầu tư) nhưng từ ngày 28-4-2011 đến ngày 12-7-2011, PVN đã chi tạm ứng cho PVC hơn 6,6 triệu USD và hơn 1.300 tỉ đồng.

Tiếp đó, ông Minh nói: “Bị cáo không thể đổ trách nhiệm cho anh Thuận (nguyên TGĐ PVC Vũ Đức Thuận). Bị cáo có tình cảm sâu nặng với anh Thanh và gia đình anh Thanh hơn anh Thuận nhưng không thể vì tình cảm đó mà bị cáo lại chuyển việc anh Thanh nhận tiền sang cho anh Thuận được”.

“Bị cáo nhận thức được việc bị cáo làm và bị cáo chịu trách nhiệm về việc làm của mình đến đâu. Bị cáo đã khai rất thành khẩn với CQĐT và VKS. Anh Lương Văn Hòa (nguyên giám đốc Ban điều hành dự án Vũng Áng-Quảng Trạch thuộc PVC) có đưa cho bị cáo số tiền 2 tỉ đồng như bị cáo đã khai. Bị cáo không phủ nhận việc bị cáo đã cầm tiền, bị cáo có trách nhiệm phải báo cáo thành khẩn với CQĐT, VKS và HĐXX” - vẫn lời ông Minh.

Khá bức xúc, ông Minh nhắc lại: “Không phải vì tình cảm mà đưa ra phiên tòa, nhắc đi nhắc lại từ ngày hôm qua tới giờ. Bị cáo xin phép HĐXX được có ý kiến như vậy”.

Trong một diễn biến khác, trả lời câu hỏi của luật sư, ông Trịnh Xuân Thanh tiếp tục khẳng định không tham ô số tiền 4 tỉ đồng như cáo buộc của VKS.

Hôm nay, tòa tiếp tục làm việc với phần xét hỏi của các luật sư.

Lần đầu tiên điều tra viên trả lời trước tòa

Chiều 10-1, luật sư Nguyễn Văn Quynh (bào chữa cho ông Trịnh Xuân Thanh) xin phép HĐXX được hỏi điều tra viên tham gia phiên tòa. Chủ tọa nhắc luật sư chỉ được hỏi điều tra viên về các hành vi tố tụng.

“Cáo trạng quy buộc bị cáo Thanh về hành vi khai báo không thành khẩn. Tôi là người đang bào chữa cho bị cáo, muốn hỏi điều tra viên có bằng chứng gì để cho rằng bị cáo Thanh quanh co, không thành khẩn?” - luật sư hỏi.

Đáp lại, điều tra viên cho biết CQĐT đã tiến hành hỏi cung các bị can trên tinh thần thượng tôn pháp luật, tôn trọng ý chí của các bị can và thực hiện đúng các quy trình được pháp luật tố tụng hình sự quy định. Sau khi hỏi cung bị can thì cho bị can đọc biên bản, sửa biên bản theo đúng nội dung bị can khai.

Theo điều tra viên, ngay trong phần thẩm vấn tại phiên tòa hai ngày qua đã thể hiện được lời khai của các bị cáo khác về hành vi của ông Trịnh Xuân Thanh tương đối rõ ràng. Tuy nhiên, nội dung lời khai của ông Trịnh Xuân Thanh trong hồ sơ vụ án thể hiện ông Thanh không xác nhận những nội dung này. “Chúng tôi tôn trọng lời khai của bị can Trịnh Xuân Thanh, không ép buộc gì bị can nhưng những lời khai của bị can Trịnh Xuân Thanh không đúng với sự thật của vụ án. Chúng tôi kết luận bị can Trịnh Xuân Thanh là quanh co chối tội” - điều tra viên nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm