Ông Đinh La Thăng có cơ hội được giảm án?

Ngày 11-5, phiên xử phúc thẩm ông Đinh La Thăng và 13 bị cáo kháng cáo trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty Xây lắp dầu khí (PVC) tiếp tục diễn ra với phần tranh luận.

“Tôi đã rất đắn đo có nên kháng cáo không”

“Xin báo cáo thật với HĐXX, sau khi TAND TP Hà Nội phạt tôi 13 năm tù về tội cố ý làm trái, tôi đã rất đắn đo và trao đổi với các luật sư (LS) là có nên kháng cáo hay không” - cựu chủ tịch PVN Đinh La Thăng nói trong lời tự bào chữa. Ông Thăng giải thích: Kinh nghiệm qua hai lần ra tòa là “càng nói thì càng bị buộc tội nặng thêm, cho rằng đó là quanh co, chối tội, không thành khẩn”.

Ông Thăng sau đó mong HĐXX sẽ xem xét đầy đủ, toàn diện, khách quan về nguyên nhân, bối cảnh xảy ra vụ án, giới hạn phạm vi trách nhiệm của ông.

Cựu chủ tịch PVN đề nghị xem xét trách nhiệm của ông căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đã được pháp luật và điều lệ tổ chức hoạt động của PVN quy định. “Việc của người khác, của cấp khác đề nghị không gắn cho tôi. Suốt phiên tòa tôi luôn nhận trách nhiệm của người đứng đầu dù cấp dưới làm sai, nhưng không có nghĩa là người đứng đầu thì mọi việc từ lớn đến bé, từ tập đoàn đến các đơn vị thành viên đều buộc phải biết, phải chịu trách nhiệm” - ông Thăng nói.

Theo ông Thăng, Chính phủ từ năm 2006, tiếp đó là năm 2009, bằng các thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, đều cho phép PVN chỉ định thầu, chỉ định các đơn vị thành viên của PVN được thực hiện các dịch vụ, dự án đầu tư của PVN, đơn vị thành viên...

“Đây không phải là chủ trương nhất thời, như cáo buộc của VKS là chỉ định PVC thầu dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 là để cứu PVC” - ông Thăng phân trần. “Từ năm 2009, tôi không phải là tài thánh gì để biết năm 2011 PVC sẽ gặp khó khăn để chỉ định thầu cứu PVC. Nếu thế thì tôi giỏi quá!” - ông Thăng nói thêm.

Quang cảnh phiên tòa. Ảnh: TTXVN

Liên quan đến hợp đồng EPC 33 ký kết giữa chủ đầu tư PVPower (đơn vị thành viên của PVN) và tổng thầu PVC, ông Thăng nói hợp đồng này là khởi nguồn, là mấu chốt của vụ án, “không có hợp đồng 33 này thì không có ai phải ra tòa ngày hôm nay”. Ông Thăng cho rằng việc ký hợp đồng là trách nhiệm của chủ đầu tư và tổng thầu, ông hoàn toàn không ép buộc hay chỉ đạo ký kết hợp đồng này. Ngoài ra, ông chỉ biết hợp đồng 33 không có giá trị pháp lý khi làm việc với CQĐT...

Ông Thăng cũng phủ nhận lời khai của cựu trưởng Ban quản lý dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 Vũ Hồng Chương về việc có một cuộc gặp tại phòng làm việc của ông, tại đó ông Thăng đã “đôn đốc” việc lo tài chính cho dự án Thái Bình 2. “Tôi sẽ nhờ LS trình chứng cứ chứng minh thời điểm đó tôi đang đi công tác” - ông Thăng cho biết.

Ông Thăng cũng khẳng định không có bất cứ chỉ đạo nào tạm ứng cho PVC và khi tạm ứng ông đã yêu cầu sử dụng tiền tạm ứng đúng mục đích, có hiệu quả và tiền này chỉ được sử dụng cho dự án Nhiệt điện Thái Bình 2. “Việc sử dụng tiền sai mục đích thuộc trách nhiệm của PVC, người sử dụng sai phải chịu trách nhiệm” - ông Thăng nói.

Ông Thăng cũng không đồng tình với cách tính thiệt hại của Bộ Tài chính khi dựa trên giả định nếu số tiền đó không tạm ứng, để gửi tiết kiệm thì tạo ra lợi ích thế nào? “Quan điểm của tôi là việc đánh giá phải căn cứ vào quy định của pháp luật, thực tiễn của dự án chứ không thể phụ thuộc vào lòng tốt của bất kỳ ai, không thể là sự ban ơn, bố thí “tính như vậy đã là thấp rồi””.

Suốt quá trình ông Thăng tự bào chữa, chủ tọa nhiều lần ngắt lời ông Thăng, cho rằng các nội dung trên đã được ba LS của ông trình bày kỹ và đề nghị ông chỉ cần nêu có đồng tình với phần bào chữa của các LS hay không. “Tôi đồng tình nhưng tôi bổ sung” - ông Thăng trả lời.

VKS vẫn đề nghị áp dụng tình tiết giảm nhẹ cho ông Thăng

“Phiên tòa diễn ra năm ngày rồi, chúng tôi thấy LS và các bị cáo còn rất khỏe, đặc biệt là các bị cáo có sức khỏe rất tốt để phục vụ phiên tòa này. Chúng tôi nhận thấy các bị cáo mong muốn bản án được ban hành sớm nhất để chấp hành” - đại diện VKS mở đầu phần đối đáp với các bị cáo và LS.

Theo đại diện VKS, không có bị cáo nào kêu oan, chỉ có ông Đinh La Thăng và cựu tổng giám đốc PVN Phùng Đình Thực cho rằng họ không phạm tội cố ý làm trái… mà phạm một tội khác nhẹ hơn là thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, đại diện VKS khẳng định hai bị cáo này phạm tội cố ý làm trái...

Về hành vi của ông Đinh La Thăng, đại diện VKS cho rằng “về cơ bản không có gì mới”. “Căn bản nhất, bị cáo đã nhận thấy việc này là sai nhưng nhận thức của bị cáo có mức độ” - đại diện VKS nhận xét và cho biết đến thời điểm này, quan điểm của VKS là có điều kiện áp dụng cho bị cáo tình tiết giảm nhẹ “khai nhận hành vi phạm tội” (trước đây là điểm p khoản 1 Điều 46 BLHS cũ - người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải).

“Mức án 13 năm tù có phần nghiêm khắc với bị cáo nhưng đây là sự nghiêm khắc cần thiết” - đại diện VKS nói thêm khi thực hiện đối đáp lần hai.

Sau hai lần đối đáp, HĐXX tuyên bố kết thúc phần tranh luận, các bị cáo nói lời sau cùng trước khi HĐXX nghị án. Dự kiến 15 giờ ngày 14-5, HĐXX sẽ tuyên án.

Đề nghị giảm án tối đa cho ông Phùng Đình Thực

Về bị cáo Thực, đại diện VKS cho rằng có thông tin gia đình ông này đã quyết định bán nhà để khắc phục hậu quả. “Nếu đúng vậy thì đây là tình tiết giảm nhẹ người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả” - đại diện VKS nói. (Tại phiên tòa, LS của ông Thực cho biết ngày 11-5 gia đình ông Thực đã nhận tiền đặt cọc 1 tỉ đồng để bán nhà khắc phục hậu quả cho ông - PV)

“VKS thấy không có đủ căn cứ miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo nhưng có thể giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo ở mức tối đa. Đối với sức khỏe, hoàn cảnh, đặc biệt là trình độ của bị cáo, bị cáo vẫn là người đang có ích cho xã hội, vẫn có thể cống hiến được hơn nhiều người khác. Chúng tôi đã trao đổi với các kiểm sát viên khác, thấy rằng đối với bị cáo, giai đoạn thi hành án, bị cáo có thể xin chánh án TAND TP Hà Nội, người ra quyết định thi hành bản án này, xin không chấp hành để làm một việc gì đó hoặc lý do gì đó” - đại diện VKS nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm