Nuôi 2 con đã trưởng thành rồi mới đòi chồng cũ phải cấp dưỡng

Mới đây TAND tỉnh Đồng Nai vừa xử phúc thẩm vụ tranh chấp về cấp dưỡng nuôi con giữa bà NTD (SN 1972, ngụ huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) và ông TVL (SN 1960, ngụ huyện Trảng Bom, Đồng Nai).
Đòi cấp tiền dưỡng trong hơn 24 năm
Trong đơn khởi kiện bà D. yêu cầu toà án tuyên xử buộc ông L. phải có trách nhiệm cấp dưỡng nuôi con với số tiền gần 600 triệu đồng. Cụ thể, bà yêu cầu ông L. cấp dưỡng cho hai con (sinh năm 1996 và 1997). Thời gian cấp dưỡng bắt đầu từ năm 2002 đến khi hai con trưởng thành đủ 18 tuổi tổng cộng là 24,5 năm. Mức cấp dưỡng là 2 triệu đồng/tháng (đến thời điểm khởi kiện hai con đã trưởng thành).

Ảnh minh họa.

Theo hồ sơ vụ án năm 1995, Bà D. và ông L. sống chung với nhau như vợ chồng, không đăng ký kết hôn và có hai con chung.
Năm 2002, bà D. nhận thấy có nhiều mâu thuẫn trong cuộc sống nên quyết định nộp đơn yêu cầu TAND TP Biên Hoà tuyên bố không công nhận bà D. và ông L. là vợ chồng. Yêu cầu tuyên bố không công nhận là vợ chồng được toà án chấp nhận.
Bà D. được toà tuyên được trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc hai con. Tại thời điểm năm 2002, ông L. vi phạm pháp luật và phải chịu án đi tù nên tạm thời lúc đó ông L. không góp tiền phí tổn nuôi con.
Trình bày với tòa bà D. cho rằng thời điểm năm 2002 bà không yêu cầu ông L. cấp dưỡng cho con là vì ông đang đi tù. Sau đó ra tù ông L. ở nhiều nơi, không ổn định và ông L. nói ốm đau nên không có khả năng cấp dưỡng nuôi con.
Trong khi ông L. trình bày, sau khi ra tù bà D. chưa bao giờ nhắc với ông về vấn đề cấp dưỡng nuôi con. Mặc dù vậy, ông vẫn có trách nhiệm đối với các con. Cụ thể, theo quyết định của chi cục thi hành án huyện Vĩnh Cửu bà D. phải thanh toán cho ông số tiền là 800 triệu đồng, ông đã thoả thuận giảm cho bà D. 300 triệu đồng để bà nuôi hai con. Vì thế ông L. không đồng ý với yêu cầu cấp dưỡng nuôi con của bà D.
Tuyên án, HĐXX nhận định tính đến thời điểm bà D. nộp hồ sơ yêu cầu cấp dưỡng nuôi con thì hai cháu đã trưởng thành trên 18 tuổi là người thành niên. Ngoài ra không có tài liệu, chứng cứ nào chứng minh hai cháu bị tàn tật, không có khả năng lao động hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự nên theo quy định thì hai người con không còn thuộc trường hợp được cấp dưỡng. Từ đó, HĐXX tuyên không chấp nhận yêu cầu của bà D..
Phán quyết của tòa là phù hợp
Theo luật sư Đặng Đức Trí, Đoàn luật sư TP.HCM, bản án phúc thẩm này toà án tuyên là phù hợp với quy định của pháp luật. Cụ thể, theo Điều 110 Luật HNGĐ năm 2014: Cha, mẹ có trách nhiệm cấp dưỡng cho con chưa thành niên, đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con.
Bà D. sau một thời gian dài nuôi con mà không yêu cầu toà án giải quyết vấn đề cấp dưỡng thì sẽ không được chấp nhận. Vì bản chất của việc cấp dưỡng là thể hiện trách nhiệm đối với người được cấp dưỡng trong trường hợp không thể tự mình chăm sóc bản thân như không có khả năng lao động, tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự…
Những yếu tố này đã được quy định cụ thể trong luật và tuỳ trường hợp con cái còn nhỏ hay đã trưởng thành sẽ được công nhận quyền được cấp dưỡng. Trường hợp con bị mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng kiếm sống tự nuôi sống bản thân thì người có trách nhiệm cấp dưỡng phải cấp dưỡng cho con suốt đời.
Đồng quan điểm, Luật sư Trần Quốc Tuấn, Đoàn luật sư tỉnh Đồng Nai, cho rằng việc cấp dưỡng phải được giải quyết ngay sau khi vụ việc ly hôn. Việc bà D. một mình nuôi hai con là khó khăn nhưng không thể yêu cầu cấp dưỡng vào thời điểm các con đã trưởng thành, lại có khả năng lao động, không bệnh tật.
  

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm