Nữ giám đốc ngân hàng bị truy nã khi đã xuất cảnh sang Mỹ

Viện trưởng VKSND Tối cao vừa hoàn tất cáo trạng truy tố Trầm Bê (SN 1959, tại Trà Vinh) cùng các đồng phạm liên quan 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh. 

Dương Thanh Cường (SN 1966, cựu tổng giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại Bình Phát) bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điểm a khoản 4 Điều 174 BLHS.

Cựu phó chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Phương Nam, Trầm Bê cùng các cấp dưới bị truy tố về tội vi phạm hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.

Ông Trầm Bê (giữa) cùng cấp dưới đã từng hầu tòa trong đại án ngân hàng Phạm Công Danh. Ảnh: HY

Liên quan vụ án, cơ quan tố tụng cho biết đang truy nã Nguyễn Thị Xuân Trang - cựu giám đốc Sở Giao dịch Ngân hàng Phương Nam. Bà Trang được xác định là bị can trong vụ án.

Sau khi có quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam cựu giám đốc Sở Giao dịch vào ngày 24-12-2018, cơ quan chức năng xác minh bị can Trang không có mặt tại địa phương từ cuối năm 2016 mà đã xuất cảnh sang Mỹ du học. Vì vậy Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra quyết định truy nã đối với bà Trang.

Đến ngày 9-9-2019, CQĐT đã quyết định tạm đình chỉ điều tra đối với nữ cựu giám đốc này, khi nào bắt được sẽ phục hồi điều tra, đề nghị truy tố theo quy định của pháp luật.

Hồ sơ thể hiện khi làm việc tại ngân hàng, bà Trang có hành vi ký ba biên bản họp Hội đồng tín dụng Sở Giao dịch đồng ý cho công ty của Dương Thanh Cường vay vốn. Hành vi đã phạm vào tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.

Theo cáo trạng, ông Trầm Bê đã ba lần phê duyệt cho công ty của Cường vay không điều kiện và không theo đề nghị của Hội đồng tín dụng. Từ đó, Cường chiếm hưởng 185 tỉ đồng tiền gốc và 146 tỉ đồng tiền lãi. Ông Trầm Bê và các bị can đã gây thiệt hại cho ngân hàng hiện nay 505 tỉ đồng.

Đáng chú ý, các bị can vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng được VKS áp dụng truy tố theo khoản 3 Điều 179 BLHS năm 1999, có khung hình phạt từ 10-20 năm tù.

Cụ thể là Trầm Bê, Phan Huy Khang (cựu tổng giám đốc kiêm chủ tịch Hội đồng tín dụng), Ngô Văn Huổi, Nguyễn Văn Phong (cùng là cựu phó giám đốc kiêm ủy viên Hội đồng tín dụng Sở Giao dịch), Trịnh Bích Nga (cựu trưởng phòng kinh doanh kiêm ủy viên Hội đồng tín dụng Sở Giao dịch), Phạm Trường Giang, Trần Quan Thắng (cùng cựu cán bộ tín dụng Sở Giao dịch), Phan Thị Hồng Vân (cựu cán bộ pháp chế kiêm ủy viên Hội đồng tín dụng ngân hàng) và Trầm Viết Trung (cựu giám đốc trung tâm xét duyệt tín dụng).

Trước đó, CQĐT hoàn tất kết luận điều tra và đề nghị truy tố các cựu lãnh đạo ngân hàng này theo Điều 206 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung 2017, có khung hình phạt từ 12-20 năm tù.

Tuy nhiên, VKSND Tối cao đã áp dụng điểm c khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017 của Quốc hội khóa 14 về thi hành BLHS năm 2015 áp dụng những quy định của pháp luật có lợi cho người phạm tội, hành vi phạm tội.

Ngoài ra, VKS xác định trong vụ án này ngoài những bị can bị truy tố thì hàng loạt cán bộ tín dụng của Ngân hàng Phương Nam đã có hành vi vi phạm pháp luật về tín dụng ngân hàng nhưng xét hành vi vi phạm không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại cho vụ án nên không xử lý hình sự. CQĐT đã có văn bản đề nghị ngân hàng xử lý hành chính đối với những cá nhân có sai phạm.

Liên quan tới việc Cường thế chấp 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh đang được thế chấp tại Ngân hàng Agribank Chi nhánh 6, Cường bị xử phạt tù chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và bồi thường cho Agribank Chi nhánh 6 hơn 1.100 tỉ đồng. Lãnh đạo và cán bộ Agribank Chi nhánh 6 cùng các bị cáo khác trong vụ án nhận 8-25 năm tù.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm