Nữ 'đại gia' vàng lừa 383 người, bị phạt tù chung thân

Chiều 25-4, TAND cấp cao tại Hà Nội xử phúc thẩm, tuyên chấp nhận kháng cáo của một người bị hại, bác kháng cáo của 142 người bị hại, phạt Nguyễn Thị Thảo (60 tuổi) tù chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

HĐXX phúc thẩm cũng tuyên buộc Thảo phải hoàn trả hơn 22 tỉ đồng mà Thảo đã chiếm đoạt của 383 nạn nhân như bản án sơ thẩm đã tuyên và yêu cầu Thảo bồi thường thêm chín chỉ vàng 9999 cho bị hại Nguyễn Thị Xuân.

Lừa lấy tiền chơi..."đỏ đen"

Bị cáo Thảo (trú thị trấn Con Cuông, huyện Con Cuông) từng được xem là nữ đại gia vàng giàu có ở phố núi phía tây tỉnh Nghệ An. Bà là chủ một tiệm vàng và xe máy lớn nhất khu vực này.

Từ mờ sáng hàng trăm người dân là bị hại trong vụ án đã bắt xe đò, đi xe máy vượt 150km từ miền núi xuống TP Vinh (Nghệ An) tham dự phiên tòa. Trong số 383 bị hại, có hàng trăm người thuộc diện hộ nghèo ở miền núi Nghệ An.

Nhiều người cho biết họ phải đi vay tiền, bán gia súc để có lộ phí đi xuống thành phố tham dự phiên tòa "mong đòi được ít tiền". Có người từng bán trâu, bò, gà lợn, đi vay ngân hàng... vì tin tưởng Thảo "đại gia" vàng bị lừa lấy hết tiền khiến gia đình thêm chồng chất khó khăn.

Bị cáo Nguyễn Thị Thảo đứng trước bục khai báo.

Theo cáo trạng, năm 1994, Doanh nghiệp tư nhân Hùng Thảo được thành lập, do ông Nguyễn Phi Hùng (chồng của Thảo) làm chủ doanh nghiệp, với ngành nghề kinh doanh mua bán vàng, bạc, trang sức, đồ mỹ nghệ; mua bán xe máy các loại.

Mặc dù không có chức năng huy động vốn, không phải là chủ doanh nghiệp này nhưng Thảo đã phát hành phiếu gửi tiền, sử dụng con dấu của Doanh nghiệp Hùng Thảo đóng lên phiếu gửi tiền làm cho người dân lầm tưởng, gửi tiền cho Thảo.

Sau khi nhận một số lượng tiền gửi rất lớn của người dân nhưng không có khả năng trả lại, Thảo chỉ đạo kế toán của doanh nghiệp soạn thảo quyết định giải thể doanh nghiệp và thông báo giải thể với lí do làm ăn thua lỗ...

Thảo cho gửi thủ tục giải thể doanh nghiệp đến Chi cục thuế huyện Con Cuông nhưng không thông báo và niêm yết quyết định và thông báo giải thể doanh nghiệp tại chính quyền địa phương, trụ sở doanh nghiệp theo quy định, cũng không thông báo cho những người dân đã gửi tiền.

Đại diện người dân tranh luận nêu quan điểm và bị cáo Thảo nói lời nói sau cùng tại tòa.

Dù đã có quyết định, thông báo giải thể doanh nghiệp nhưng từ ngày 23-10-2015, Thảo vẫn tiếp tục huy động vốn nhận tiền gửi của người dân. Chiều 9-5-2016, Vi Văn Đức và Hồ Anh Tú (cùng trú huyện Con Cuông) đến tiệm vàng của bà Thảo để đánh bạc dưới hình thức ghi lô đề.

Cơ quan Công an tỉnh Nghệ An phá đường dây đánh bạc, ghi lô đề cá độ bóng đá này với sự tham gia của Thảo. Sau đó, Thảo bị phạt bảy tháng tù treo về tội đánh bạc. Nghe tin bà Thảo bị tù, khoảng 500 người dân đã nộp đơn lên cơ quan Công an huyện Con Cuông tố cáo bà Thảo hoạt động tín dụng đen, chiếm đoạt hàng chục tỉ đồng.

Ngày 28-11-2016, Cơ quan CSĐT Công an huyện Con Cuông khởi tố vụ án Thảo- lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rồi chuyển lên Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An điều tra theo đúng thẩm quyền. Thảo đã lừa đảo 383 người dân, chiếm đoạt 24,8 tỉ đồng. Trong đó, Thảo đã trả được hơn 2,3 tỉ đồng tiền gốc, 868 triệu đồng tiền lãi cho người dân.

Nhận mức án tù chung thân

Ngày 9-3-2018, tại phiên Tòa sơ thẩm, Thảo vẫn bình thản nói "đã chơi trò đỏ đen" và không còn tiền để trả cho bị hại. Sau khi HĐXX sơ thẩm tuyên phạt Thảo tù chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Thảo chấp nhận bản án không kháng cáo.

Bản án không có kháng nghị, nhưng 143 người bị hại nộp đơn kháng cáo lên cấp phúc thẩm yêu cầu làm rõ vai trò trách nhiệm của chồng và con của bà Thảo trong vụ lừa đảo. Bị hại cũng đề nghị xem xét Thảo có dấu hiệu tẩu tán tài sản cho con gái. Bà Xuân kháng cáo yêu cầu Thảo bồi thường thêm 9 chỉ vàng 9999.

Tại Phiên tòa phúc thẩm, Thảo cho rằng " bị cáo không đi huy động vốn mà do người dân đưa tiền đến...". Thảo đồng ý bồi thường thêm bốn chỉ vàng 9999 cho bà Xuân. 

Nhiều người bị hại tham dự phiên tòa.

HĐXX phúc thẩm nhận định, chưa đủ căn cứ xác định chồng và con trai của Thảo bàn bạc giúp sức cùng sử dụng số tiền Thảo chiếm đoạt được. Tòa án cấp phúc thẩm chỉ xem xét các vấn đề mà cơ quan điều tra, VKS và Tòa án cấp sơ thẩm đã đưa ra giải quyết trong vụ án.

Do đó, trong vụ án này cơ quan điều tra chưa xem xét, chưa khởi tố, xử lý về hành vi của con trai và chồng của Thảo. Nếu người bị hại có căn cứ xác định là việc chồng bà Thảo (hiện đã chết) và con trai Thảo có hành vi tiếp sức, tiếp nhận ý chí giúp Thảo và đã cùng Thảo sử dụng số tiền chiếm đoạt chi tiêu thì có thể tiếp tục làm đơn lên cơ quan điều tra để được xem xét.

HĐXX cũng cho rằng quá trình điều tra, hồ sơ vụ án và quá trình xét xử tại phiên tòa không có căn cứ chứng minh Thảo có tài sản chuyển cho con gái hiện con gái Thảo đang đứng tên, quản lý tài sản này. Nếu những người bị hại có đủ căn cứ chứng minh Thảo đã chuyển tài sản cho con gái thì có quyền làm đơn lên cơ quan thi hành án để xác minh làm các thủ tục theo quy định của pháp luật.

HĐXX phúc thẩm tuyên, chấp nhận một phần kháng cáo của bà Xuân, sửa bản án sơ thẩm về bồi thường dân sự cho bà Xuân, không chấp nhận kháng cáo của những người bị hại khác, giữ nguyên các vấn đề khác của bản án sơ thẩm, tuyên phạt Thảo tù chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Về trách nhiệm dân sự, buộc bị cáo Thảo phải bồi thường cho những người bị hại như bản án sơ thẩm đã tuyên, buộc anh Nguyễn Cao Cường (con trai của Thảo) phải liên đới bồi thường cho 9 người bị hại. Buộc bị cáo Thảo bồi thường cho bà Xuân thêm 9 chỉ vàng 9999.

Sau khi Tòa phúc thẩm tuyên án, người dân buồn rầu vội vàng ra bến xe để kịp bắt các chuyến xe về nhà. ông Nguyễn Trọng Hường đại diện cho hơn 100 người bị hại cho biết: Chúng tôi đang làm các thủ tục tiếp theo để đề nghị không để lọt người, lọt tội và đi tìm chứng minh tài sản bà Thảo tẩu tán để yêu cầu đưa vào thi hành án. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm