Nữ đại gia nói các thuộc cấp ông Nguyễn Thành Tài bị oan

Chiều 15-3, TAND TP.HCM tiếp tục phiên sơ thẩm vụ sai phạm của ông Nguyễn Thành Tài (cựu Phó Chủ tịch UBND TP.HCM) và các đồng phạm trong vụ hoán đổi khu "đất vàng" Trung tâm ca nhạc nhẹ TP.HCM. 

Sau khi VKS công bố cáo trạng, bị cáo Dương Thị Bạch Diệp (Giám đốc Công ty Diệp Bạch Dương) là người được xét hỏi đầu tiên. Bà Diệp bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Video: Bà Diệp phủ nhận cáo buộc của VKS

Bà Diệp không đồng ý với cáo trạng của VKS. Bà cho rằng khi khó khăn, thông qua vợ của một quan chức tại TP.HCM, bà gặp ông Tài để giải quyết công việc về tài sản. Các thuộc cấp của ông Tài hầu toà tại đây là bị oan, có những người bà không hề biết...

Bà Diệp tại toà. Ảnh: HOÀNG GIANG

Trả lời HĐXX, bà Diệp cho biết từ năm 2007 đến 2008 có ký nhiều hợp đồng tín dụng với Ngân hàng Agribank chi nhánh TP.HCM để vay tiền, vàng. Trong đó, có những hợp đồng đã tất toán. Đến tháng 10-2008, bà có dùng nhà 181 Hai Bà Trưng thế chấp cho ngân hàng này vay 14.000 lượng vàng. Bỏ thêm hơn 1.000 lượng tiền túi, bà mua khu đất 57 Cao Thắng (15.000 lượng vàng). 

Đến 31-12-2008, dư nợ tín dụng của bà tại ngân hàng này là 67.000 lượng vàng bằng ba hợp đồng tín dụng.

Khi hỏi về việc thế chấp tài sản 57 Cao Thắng cho ngân hàng vay tiền, bà Diệp nói: “Tôi chưa bao giờ thế chấp nhà này, hợp đồng công chứng thế chấp nhà đất này là giả, trên hệ thống của phòng công chứng không có hợp đồng này”.

Bị cáo Vy Nhật Tảo, giám đốc trung tâm ca nhạc nhẹ TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Nữ bị cáo 73 tuổi hai lần nhắc lại và lớn giọng khiến chủ tọa phải lưu ý bà bình tĩnh. Bà Diệp cho biết thông qua người hàng xóm biết ông Vy Nhật Tảo (bị cáo, giám đốc Trung tâm Ca nhạc nhẹ - PV) biết trung tâm đang có nhu cầu xây mới nhưng không có kinh phí đã kêu gọi nhiều nhà đầu tư nhưng chưa được. Do đó, bà đã nói chuyện với ông Tảo để được hoán đổi.

“Không bao giờ có chuyện hồ sơ thế chấp được gửi đi bằng đường bưu điện. Năm 2008 là năm đầu tiên của thập kỷ công nghệ thông tin” - bà Diệp hay không tập trung vào câu hỏi mà nêu các vấn đề mình quan tâm.

Chủ tọa hỏi: "Tại sao giấy chứng nhận 57 Cao Thắng ngân hàng lại giữ". Bà Diệp trả lời: “Tôi đã bị họ gài vào đây là lừa tôi. Tôi đâu thế chấp, chỉ cấp đổi chủ quyền”.

Chủ tọa nêu: "Nếu cấp đổi thì Sở Tài nguyên & Môi trường phải trả lại cho chủ sở hữu, tại sao ngân hàng lại có được. Bà Diệp đáp: "Do họ cập nhật thế chấp sai nên tôi mới đưa cho họ để…". 

Đại diện VKS tại toà. Ảnh: HOÀNG GIANG

HĐXX cho rằng bà cố tình né tránh không trả lời trực tiếp vào câu hỏi của tòa. Nhiều lần, chủ tọa nhắc bị cáo Diệp về thái độ trả lời, thậm chí mời về chỗ. Cụ thể là không trả lời thẳng vào câu hỏi của chủ tọa mà né tránh.

Nữ đại gia luôn cho rằng Agribank lừa mình. Tuy nhiên, chủ tọa cho rằng VKS cáo buộc bà Bạch Diệp dùng nhiều thủ đoạn gian dối để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhà nước tại 185 Hai Bà Trưng, có giá trị hơn 186 tỉ đồng.

 Video: Clip Ông Nguyễn Thành Tài trả lời HĐXX

Ngược lại, ông Tài và các bị cáo khác thừa nhận cáo trạng truy tố... Cáo trạng xác định ông Tài không phụ trách việc xử lý, sắp xếp lại tài sản nhà nước nhưng ngày 5-3-2010 đã ký văn bản gửi các đơn vị liên quan có nội dung chấp thuận cho hoán đổi tài sản 185 Hai Bà Trưng và tài sản 57 Cao Thắng; không sát sao trong việc chỉ đạo kiểm tra, xác minh điều kiện pháp lý nhà đất 57 Cao Thắng, không phát hiện nhà đất này bị thế chấp, bị bà Diệp lừa. Thiệt hại được xác định là 186 tỉ.

PLO sẽ cập nhật diễn biến trong các bản tin sau.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm