Nỗi đau khiếm thị và lòng sân hận

Tôi cố hình dung câu chuyện của bác qua tràng trình bày không rành mạch, liên tục bị ngắt quãng bởi những tiếng ho húng hắng. Bác bị tòa sơ thẩm tuyên hai năm tù treo về tội cố ý gây thương tích theo Điều 104 BLHS.

Bác từng là một thanh niên bình thường, khỏe mạnh như bao người khác. Một ngày xui xẻo, can xăng tr ong nhà phụt cháy, ngọn lửa nóng bỏng đã lấy đi đôi mắt, lấy mất tương lai của chàng thanh niên. Với biến cố này, chàng thanh niên còn bị người yêu bỏ rơi.

Bác - chàng thanh niên ngày ấy đã sống một cuộc đời khó khăn để mưu sinh, để tồn tại trong màn đêm thăm thẳm phía trước. Và bác cũng dần trở nên cáu gắt, thù hằn cuộc đời, thù hằn con người.

Những ngày rong ruổi đi bán vé số, mỗi lần qua đường là mỗi lần bác hoảng sợ. Trong suy nghĩ của người kém may mắn, bác thấy dường như không ai chịu nhường đường cho mình đi qua, dường như ai cũng hối hả và dường như không ai muốn giúp đỡ một người khuyết tật như bác. Và bác đã đối phó với đồng loại mỗi khi sang đường là cầm cây gậy chống giơ cao, đập mạnh xuống đất và huơ búa lua xua để đám đông sợ mà né cho bác đi qua. Cứ thế, bác vững tin vào cây gậy, vào sự thông minh của mình. Cho đến một ngày…

Hôm ấy như mọi lần, tr ong khi qua đường, bác vung gậy tứ tung và chẳng may đập trúng vào một cháu bé học sinh đang đạp xe ngang qua. Chuyện sẽ không nghiêm trọng nếu như lúc ấy bác dừng tay . Nhưng không, lòng thù hận cuộc đời đã khiến ông già khiếm thị trở nên mất lý trí. Chiếc gậy tàn nhẫn đã giáng liên tiếp vào người, vào xe của cháu bé học sinh đang nằm sóng soài dưới đất cho đến khi có người can thiệp...

Và rồi bác đã bị tòa sơ thẩm tuyên án hai năm tù tr eo. Bác đến gặp tôi để yêu cầu bào chữa cho bác ở cấp phúc thẩm.

Trong những lời trình bày hôm ấy, tôi không thấy bác lần nào nhắc đến đứa trẻ tội nghiệp kia, đứa bé mà vì những nhát gậy của bác đã bị cố tật nhẹ, mất đi thị lực 60% và những tổn thương phần mềm khác. Tôi cũng không đọc được một chút hối hận nào của bác về những gì đã xảy ra mà đọng lại chỉ là những nỗi oán hờn đồng loại, oán hận cuộc đời.

Bác chỉ nhắc đi nhắc lại với tôi: Luật sư có thể giúp tui đi thưa chính quyền không, đi thưa mấy ông công chánh không? Tại sao họ không làm cái đường cho những người mù lòa như tụi tui băng qua đường, tại sao không có cái chuông để xe ngừng lại cho mấy người đui như tui đi qua?...

Chiều mưa lạnh nhưng nỗi uất hận thì trào dâng và lòng căm hờn đồng loại ngùn ngụt nóng bỏng tr ong thân hình gầy guộc của bác.

Tôi đã ngồi rất lâu để giải thích cho bác hiểu không lẽ chỉ vì nỗi bất hạnh của bản thân mà chúng ta cho phép mình vi phạm pháp luật, cho phép mình được quyền làm tổn hại đến sức khỏe hay nhân phẩm người khác? Đứa bé bất hạnh kia có lỗi lầm nào mà phải hứng chịu những căm hờn, hận thù của bác? Liệu lòng sân hận vô lý của chúng ta có mang lại niềm vui, mang lại sự thanh thản trong tâm hồn mình được hay chăng?...

Dưới góc độ chuyên môn, tôi không thấy tòa án cấp sơ thẩm xử nặng, nếu không muốn nói là đã chiếu cố, xử rất nhẹ lắm rồi. Lời khuyên của tôi là bản án đã phù hợp, bác không có tình tiết gì mới nên khó có thể thay đổi gì ở cấp phúc thẩm. Tôi đã không nhận lời bào chữa cho bác.

Bác ra về, không thấy tranh luận gì thêm, chỉ thấy giọng điệu đã dịu xuống rất nhiều. Dắt bác ra cửa, tôi nghe bác nói nhỏ: “Thằng nhỏ cũng tội, mong sao nó không bị mù lòa như tui, luật sư ạ!”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm