'Nổ' kinh doanh dầu khí, lừa huy động vốn hơn 5 tỉ

Ngày 6-2, sau hơn một ngày xét xử sơ thẩm, TAND TP Cần Thơ đã tuyên phạt Kha Quốc Khánh (31 tuổi) 16  năm tù, Trần Kim Hương (32 tuổi) 8 năm tù cùng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

'Nổ' kinh doanh dầu khí, lừa huy động vốn hơn 5 tỉ

Bị cáo Kha Quốc Khánh quay xuống nói xin lỗi cha mẹ đã tốn công nuôi bị cáo đi du học nước ngoài mà bị cáo lại làm đau lòng cha mẹ bằng việc ra tòa thế này. Ảnh: NN

Trước đó, tại phiên tòa xét xử vào ngày 5-2, bị cáo Hương xin được xét xử vắng mặt vì mang thai sắp sinh và có tiền sử động thai cần hạn chế đi lại, được HĐXX chấp nhận cho vắng mặt. Bị cáo Khánh cho rằng cần phải triệu tập Hương, Phạm Thùy Dung để đối chất làm rõ hành vi của các bị cáo.

Khi được nói lời sau cùng, Khánh xin lỗi các bị hại và đề nghị các bị hại có tiếng nói giúp bị cáo để tránh lọt người lọt tội và để các bị cáo sớm khắc phục số tiền cho các bị hại. Bị cáo này cũng xin lỗi cha mẹ vì đã lo cho bị cáo được đi du học nước ngoài mà nay bị cáo chưa báo đáp được công ơn. Bị cáo cũng xin HĐXX “giơ cao đánh khẽ” để bị cáo sớm trở về lao động phục vụ đất nước…

Theo cáo trạng, Công ty cổ phần đầu tư hàng hải FII (gọi tắt công ty FII) đăng ký vốn điều lệ 29 tỉ, được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh tại TP.HCM năm 2014 do Trần Kim Hương làm giám đốc, góp vốn điều lệ 60%. Tháng 11-2014, công ty FII mở chi nhánh tại TP Cần Thơ do Khánh làm giám đốc.

Đến tháng 5-2015, Khánh thay Trần Kim Hương làm giám đốc công ty FII và đăng ký thêm ngành nghề kinh doanh dầu khí, bất động sản, đăng ký vốn pháp định 6 tỉ. Khoảng cuối tháng 7-2015, do không còn vốn để duy trì hoạt động kinh doanh nên Khánh và các nhân viên không còn đến trụ sở làm việc.

'Nổ' kinh doanh dầu khí, lừa huy động vốn hơn 5 tỉ

Bị cáo Kha Quốc Khánh tại tòa sơ thẩm ngày 5-2. Ảnh: NN

Công ty FII từ khi thành lập vào tháng 10-2014 đến khi không còn hoạt động vào tháng 7-2015, không có bất kỳ hoạt động gì tạo doanh thu liên quan đến các ngành nghề đăng ký. Các thành viên góp vốn như Trần Kim Hương, Phạm Thùy Dung (vợ Khánh), TMT không góp bất kỳ tài sản nào để công ty hoạt động.

Trụ sở chính tại TP.HCM và chi nhánh tại Cần Thơ chỉ có nhân viên làm nhiệm vụ tiếp thị, quảng cáo mục đích là cận khách hàng để khách hàng gửi tiền vào công ty. Với thủ đoạn chi trả lãi cao, lấy tiền đầu tư của người sau trả cho người trước nên trong thời gian ngắn, Khánh thông qua nhân viên của mình tại chi nhánh Cần Thơ để kêu gọi rất nhiều người đầu tư vào công ty rồi chiếm đoạt tiền của họ.

Cụ thể, Khánh chỉ đạo nhân viên mời chào khách góp vốn hưởng lãi suất cố định theo tháng từ 1,1%-2,25%/tổng vốn đầu tư. Thời hạn đầu tư càng dài, lợi nhuận càng cao. Công ty cam kết trả vốn gốc khi đến hạn thanh toán hợp đồng.

Khánh yêu cầu Hương ký trước vào các hợp đồng in theo mẫu và để tại chi nhánh, khi có khách hàng yêu cầu thì chỉ việc ghi tên, thu tiền.

Để tạo sự tin tưởng của khách hàng, Khánh yêu cầu nhân viên đưa ra các tài liệu như giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với vốn điều lệ 29 tỉ, bản ghi nhớ về hợp tác kinh doanh  giữa FII với một công ty ở Singapore, cùng hình ảnh, tài liệu về các kho xăng dầu quy mô lớn. Cạnh đó, Khánh còn ký hợp đồng thuê kho chứa dầu với một công ty ở quận Bình Thủy (TP Cần Thơ để khách hàng xem. Ngoài ra, Khánh còn tổ chúc hội thảo, tất niên tại những nơi sang trọng, tổ chức trao quà, phát thưởng để mọi người tin tưởng hợp tác.

Cáo trạng quy kết, Khánh và Hương đã chiếm đoạt của 16 người với tổng số tiền khoảng 5,5 tỉ. Rất nhiều khách hàng là người nhà của các nhân viên công ty này. Trong số 16 bị hại thì chỉ có một hợp đồng ký tại TP.HCM còn lại là ký tại Cần Thơ.

Quá trình điều tra, Khánh lẩn tránh trách nhiệm và quy kết lỗi cho Hương và vợ bị cáo, chỉ thừa nhận hành vi chiếm đoạt tiền đối với những khách hàng do Khánh ký hợp đồng. Khánh đã tác động gia đình khắc phục được 370 triệu.

Đối với vai trò của Phạm Thùy Dung, cơ quan điều tra tiếp tục xác minh, làm rõ khi đủ cơ sở xử lý sau.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm