Những sai sót trong BLHS 2015

Một cách tổng quát thì các sai sót thể hiện ở các dạng chủ yếu sau: Những quy định ở phần chung mâu thuẫn với nhau và mâu thuẫn với quy định ở phần các tội phạm; bỏ sót định lượng, trùng định lượng (về giá trị tiền, giá trị thiệt hại về tài sản, định lượng ma túy, khối lượng xả thải ra môi trường…) và quy định không thống nhất về hậu quả xảy ra nên đã ảnh hưởng đến nội dung, chính sách hình sự; có hai cấu thành định tội trong cùng một điều luật dẫn đến không thống nhất về kỹ thuật lập pháp với các điều luật khác trong bộ luật…

Dưới đây là một số sai sót cụ thể:

Ở phần chung, Điều 19 về không tố giác tội phạm dẫn chiếu Điều 389 (tội che giấu tội phạm), theo đó quy chiếu tới 91 tội danh mà người nào biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị mà không tố giác thì phải chịu trách nhiệm hình sự. Thế nhưng ở Điều 14 về chuẩn bị phạm tội chỉ quy định trách nhiệm hình sự với hành vi chuẩn bị phạm tội ở 24 tội danh. Như thế, 67 tội danh còn lại, người chuẩn bị phạm tội thì không bị truy cứu, trong khi người không tham gia trực tiếp, chỉ là biết mà không tố giác lại bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đây là điều vô lý, đi ngược với chính sách hình sự nói chung.

Ở phần tội phạm, Điều 142 về tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi quy định hình phạt đến 15 năm tù với hành vi giao cấu với người “dưới 13 tuổi” và hình phạt đến tử hình với hành vi giao cấu với người “dưới 10 tuổi”. Như vậy, hoàn toàn có thể hiểu trường hợp nạn nhân dưới 10 tuổi thì cũng là dưới 13 tuổi, do đó có thể quy chiếu cả hai khung hình phạt. Phải quy định khung hình phạt 15 năm tù cho trường hợp giao cấu với người “từ đủ 10 tuổi đến dưới 13 tuổi” thì mới chặt chẽ.

Rất nhiều điều luật có yếu tố định lượng thiếu mất từ “đến dưới”, do đó ở các khoản định khung khác nhau thì mức định lượng lại bị trùng lắp, giống nhau, không thể áp dụng được hoặc thiếu mất cụm từ “từ… đến dưới…” gây ra tình trạng bỏ trống một khoảng định lượng làm căn cứ định khung hình phạt.

Trong nhóm hơn 20 tội danh về xâm phạm an toàn giao thông (từ Điều 260 đến Điều 283), sai sót phổ biến là trùng lặp mức hình phạt. Ở các khung có yếu tố thiệt hại, thương tích nặng nhẹ, cao thấp khác nhau nhưng mức hình phạt lại giống nhau.

Ở nhóm tội phạm về tham nhũng thì định lượng giá trị chiếm đoạt, hưởng lợi tính bằng tiền, khi biên tập đã không thống nhất, lúc có, lúc không dùng chữ “đồng” sau các con số…

Vẫn áp dụng quy định có lợi trong BLHS 2015 cho người phạm tội?

nghị quyết của QH về lùi hiệu lực của BLHS 2015 có nói rõ là vẫn giữ nguyên thời hạn hiệu lực từ ngày 1-7 với các quy định có lợi cho người phạm tội. Nói cách khác, BLHS và các luật liên quan hiện hành sẽ tiếp tục có hiệu lực và song song là hiệu lực của các quy định có lợi cho người phạm tội trong BLHS 2015 được áp dụng. Theo điểm b khoản 1 Điều 1 của Nghị quyết 109-2015 của Quốc hội về việc thi hành BLHS thì các quy định có lợi cho người phạm tội được áp dụng đối với cả những hành vi phạm tội xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2016 mà sau thời điểm đó mới bị phát hiện, đang bị điều tra, truy tố, xét xử hoặc đối với người đang được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt.

Những quy định có lợi cho người phạm tội trong BLHS 2015 gồm: Trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chuẩn bị phạm tội; một số tội trong BLHS 2015 quy định cấu thành tội, quy định khung hình phạt nhẹ hơn BLHS hiện hành; bỏ hình phạt tử hình đối với người đủ 75 tuổi trở lên trong bảy tội danh… (Kính mời bạn đọc xem chi tiết những quy định có lợi này trên báo Pháp Luật TP.HCM online tại địa chỉ www.plo.vn).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm