Những quy định mới có hiệu lực từ ngày 1-9

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Từ tháng 9-2021, nhiều chính sách, quy định mới liên quan đến người dân, doanh nghiệp sẽ chính thức có hiệu lực. PLO xin trích giới thiệu một số chính sách mới này.

Nhà chung cư phải phá dỡ khẩn cấp do sự cố, thiên tai, cháy nổ là một trong các trường hợp thuộc diện hải phá dỡ để xây dựng lại hoặc xây dựng công trình khác theo quy hoạch quy định tại Nghị định 69/2021. Ảnh: PLO

Nghị định mới về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư

Có hiệu lực từ ngày 1-9, Nghị định 69/2021 về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, quy định rõ nhà chung cư thuộc diện phải phá dỡ để xây dựng lại, hoặc xây dựng công trình khác và phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bố trí chỗ ở tạm thời cho các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư.

Theo đó, nhà chung cư thuộc diện phải phá dỡ để xây dựng lại hoặc xây dựng công trình khác theo quy hoạch quy định gồm:

- Nhà chung cư phải phá dỡ khẩn cấp do sự cố, thiên tai, cháy nổ theo quy định của pháp luật.

- Nhà chung cư cũ chưa hết niên hạn sử dụng nhưng có kết luận kiểm định của cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh thể hiện các kết cấu chịu lực chính xuất hiện tình trạng nguy hiểm tổng thể, có nguy cơ sập đổ, không đáp ứng điều kiện tiếp tục sử dụng, cần phải di dời khẩn cấp các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư.

Các nhà chung cư bị hư hỏng nặng về hệ thống hạ tầng kỹ thuật phòng cháy chữa cháy; cấp, thoát nước, xử lý nước thải; cấp điện, giao thông nội bộ không đáp ứng các yêu cầu của quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành hoặc có nguy cơ mất an toàn trong vận hành, khai thác sử dụng cần phải phá dỡ.

- Nhà chung cư bị hư hỏng một trong các cấu kiện kết cấu chính của công trình, gồm móng, cột, tường, dầm, xà không đáp ứng yêu cầu sử dụng bình thường…

Nhà, đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật về tài sản công sẽ không thực hiện việc sắp xếp lại, xử lý theo quy định. Ảnh PHẠM NGUYỄN

Nhà, đất không thuộc phạm vi sắp xếp lại, xử lý tài sản công

Nội dung này được đề cập tại Nghị định 67/2021 sửa đổi, bổ sung Nghị định 167/2017 quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công. Nghị định có hiệu lực thi hành từ 1-9.

Theo đó, nhà, đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật về tài sản công dưới đây sẽ không thực hiện việc sắp xếp lại, xử lý theo quy định. Cụ thể:

- Đất (bao gồm cả tài sản gắn liền với đất (nếu có) thuộc trách nhiệm quản lý của UBND cấp xã, Chủ tịch UBND cấp xã theo quy định của pháp luật về đất đai.

- Đất, tài sản gắn liền với đất thuộc: đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên; đất rừng sản xuất, đất nông, lâm nghiệp.

- Nhà, đất là sản phẩm hàng hóa của dự án đầu tư kinh doanh bất động sản theo quy định của pháp luật, trừ phần nhà, đất tại dự án đã được xác định và hạch toán là tài sản cố định của doanh nghiệp.

- Nhà, đất của doanh nghiệp đang trong giai đoạn thực hiện thủ tục giải thể, phá sản doanh nghiệp.

- Nhà, đất được hình thành bằng nguồn quỹ phúc lợi của doanh nghiệp…

Người tham gia bảo hiểm xã hội có thêm nhiều quyền lợi

Thông tư 06/2021 do Bộ LĐ-TB&XH ban hành hướng dẫn Luật Bảo hiểm xã hội cũng có hiệu lực từ 1-9.

Thông tư này có nhiều quy định mới liên quan trực tiếp đến quyền lợi đối với người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Cụ thể, bổ sung thêm trường hợp vợ tham gia bảo hiểm xã hội nhưng không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản thì chồng vẫn được hưởng trợ cấp một lần khi vợ sinh con (trước đây chỉ quy định vợ không tham gia bảo hiểm xã hội thì chồng mới được nhận khoản tiền này).

Bổ sung thêm trường hợp phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, đồng thời là người giao kết hợp đồng lao động từ một tháng trở lên.

Trường hợp lao động nữ mang thai đôi trở lên thì chế độ thai sản được hưởng tính theo số lượng con đã sinh, không kể còn sống hay đã mất (trước đây chỉ giải quyết chế độ thai sản cho con còn sống)...

Một trong những điểm mới của Thông tư 09/2021 là bổ sung các quy định liên quan đến hỗ trợ sau khi thu hồi đất. Ảnh: ĐỖ HOÀNG

Quy định mới về hỗ trợ khi thu hồi đất

Từ ngày 1-9, Thông tư 09/2021 sửa đổi, bổ sung chín thông tư hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2013 bắt đầu có hiệu lực.

Một trong những điểm mới của Thông tư 09 là bổ sung các quy định liên quan đến hỗ trợ sau khi thu hồi đất.

Cụ thể, Điều 4 Thông tư 09 quy định cụ thể hơn và bổ sung thêm một số trường hợp đất nông nghiệp được hỗ trợ ổn định đời sống; hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm khi Nhà nước thu hồi đất như đất nông nghiệp do hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng đủ điều kiện được giao đất nông nghiệp theo quy định về đất đai đang sử dụng không có giấy tờ về quyền sử dụng đất, không vi phạm pháp luật về đất đai…

Ngoài ra, khoản 3, Điều 8 thông tư này cũng quy định tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở khi Nhà nước thu hồi mà diện tích đất còn lại không đủ điều kiện để tiếp tục sử dụng theo quy định của UBND cấp tỉnh và người sử dụng có đơn đề nghị thu hồi phần diện tích đó thì Nhà nước xem xét, quyết định thu hồi.

Kinh phí bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất đối với phần diện tích đất còn lại phải được thể hiện trong phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và được tính vào kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án đầu tư.

Bên cạnh hai quy định mới về hỗ trợ khi thu hồi đất, Thông tư 09/2021 còn quy định thêm về hồ sơ sang tên khi chuyển nhượng, tặng cho đất. Cụ thể, dù vẫn giữ nguyên thành phần hồ sơ đăng ký khi sang tên nhà đất nhưng khi chuyển nhượng, tặng cho đất nông nghiệp thì tại đơn đề nghị phải ghi rõ thông tin tổng diện tích đất nông nghiệp nhận chuyển nhượng, tặng cho.

Cũng trong tháng 9 này, nghị định về tiêu chí, quy trình đánh giá, phân loại cảng biển Việt Nam; các thông tư về quy định hướng dẫn nội dung chi, mức chi cho hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục đối với cơ sở giáo dục thường xuyên; hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 và kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước ba năm 2022-2024; đánh giá học sinh trung học cơ sở (THCS) và trung học phổ thông (THPT)... cũng sẽ có hiệu lực thi hành.

Giảm 50% phí giao dịch thanh toán điện tử liên ngân hàng đến 30-6-2022

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư 13/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 26/2013 ban hành Biểu phí dịch vụ thanh toán qua Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Thông tư có hiệu lực từ ngày 1-9.

Cụ thể, Thông tư bổ sung Điều 1a tại Thông tư số 26/2013 như sau: Giảm 50% mức phí thanh toán tại Điểm 1.1, 1.2 Mục 1 “Phí giao dịch thanh toán qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng” tại Phần III “Phí dịch vụ thanh toán trong nước” Biểu phí dịch vụ thanh toán qua Ngân hàng Nhà nước ban hành kèm theo Thông tư này trong khoảng thời gian từ 1-9-2021 đến hết ngày 30-6-2022”.

Thông tư này bãi bỏ Thông tư số 19/2020 của Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 26/2013 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Biểu phí dịch vụ thanh toán qua Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Theo Ngân hàng Nhà nước, Thông tư 13/2021 được ban hành để tiếp tục có chính sách hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do dịch COVID-19 và triển khai thực hiện Nghị quyết 63/2021 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm