Những điểm đáng chú ý trong vụ án 'đại gia' Hứa Thị Phấn

Pháp Luật TP.HCM xin điểm lại một số diễn biến đáng chú ý tại phiên xử sơ thẩm này.

1. Đại gia Hứa Thị Phấn kêu oan và không bị áp giải đến tòa

Dù bị cáo Phấn là người được xác định đầu vụ án nhưng suốt phiên xử kéo dài gần một tháng, bà Phấn không xuất hiện và không bị áp giải đến tòa. 

Trước khi đưa vụ án ra xét xử, tòa án đã tống đạt trực tiếp quyết định đưa ra xét xử cho bị cáo tại bệnh viện nơi bị cáo điều trị. Tại buổi làm việc này, bác sĩ điều trị cho bị cáo Phấn xác nhận với HĐXX bị cáo Phấn trong trạng thái tỉnh táo song đôi khi mới tiếp xúc được và đúng là bị cáo có một số bệnh như béo phì, cao huyết áp, tiểu đường…

Bà Hứa Thị Phấn tại phiên xử sơ thẩm vụ ông Phạm Công Danh giai đoạn 1.

Xét thấy do tình trạng sức khỏe bị cáo Phấn nên tòa không thực hiện việc áp giải bị cáo đến phiên tòa. Và xét thấy việc vắng mặt bị cáo Phấn không ảnh hưởng tới quá trình giải quyết vụ án nên tòa vẫn mở phiên xử không có mặt bị cáo Phấn. Đồng thời tòa án cũng xác định trong phiên tòa bị cáo Phấn có năm LS bào chữa nên việc vắng mặt không bị ảnh hưởng đến xét xử vụ án và quyền lợi của bị cáo. 

2. Nữ bị cáo ôm con thơ tới tòa 

Đó là bị cáo Bùi Thị Kim Loan (trợ thủ đắc lực của bà Phấn, nguyên kế toán Công ty TNHH Phú Mỹ). Ngay ngày khai mạc phiên xét xử vụ án (8-5), bị cáo Loan bất ngờ ôm con nhỏ vừa đầy tháng đến phiên tòa vào phòng xử án. HĐXX đã giải thích cho bị cáo Loan có thể gửi con cho người nhà chăm sóc để đảm bảo sức khỏe cho em bé nhưng bị cáo tiếp tục không đồng ý.

Chính vì thế tòa đã yêu cầu Sở Y tế TP.HCM cử thêm bác sĩ nhi, điều dưỡng viên có mặt tại phiên tòa để chăm sóc em bé. HĐXX cũng bố trí một phòng riêng ngoài phòng xử án, ngay phía sau nếu Loan ôm con đến tòa thì có thể giao cho bác sĩ sản nhi và điều dưỡng viên tại phòng chăm sóc để đảm bảo sức khỏe tối đa của cháu bé.

Ngày hôm sau bị cáo không xuất hiện nhưng đến ngày 10-5 bị cáo Loan lại tiếp tục bất ngờ mang con đến phiên tòa, không thông báo trước cho HĐXX. Do vậy, HĐXX không chủ động được việc đề nghị bác sĩ, điều dưỡng có mặt tại phiên tòa để chăm sóc cho mẹ con bị cáo Loan.

Bị cáo Loan tại phiên xử.

Từ đó, chủ tọa cũng thông báo ngày nào bị cáo Loan ẵm con đến tòa, lực lượng dẫn giải phải thông báo cho HĐXX, đưa mẹ con bị cáo Loan vào phòng chăm sóc đặc biệt ngay phía sau phòng xử án. Trong trường hợp ai đó cố tình đưa cháu bé vào phòng xử, đề nghị lực lượng dẫn giải báo lại để chủ tọa phiên tòa và HĐXX xử lý theo quy định pháp luật.

Đồng thời, chủ tọa cũng nhắc khi bị cáo Loan giao cháu nhỏ cho điều dưỡng và bác sĩ thì bị cáo Loan phải vào phòng xử án. Trong trường hợp bị cáo Loan vẫn quyết định ẵm con vào phòng xử án, lực lượng dẫn giải sẽ không cho phép và xem như bị cáo Loan vắng mặt không có lý do.

Trong phần luận tội, VKS đưa ra nhận định quá trình xét xử vụ án, bị cáo Loan có hành vi mang con nhỏ đến tòa, gây sức ép cho HĐXX.

3. Băng ghi âm của LS cung cấp không được chấp nhận

Ngày 16-5, trong phần xét hỏi vụ án, LS Trương Thị Minh Thơ (bào chữa cho bà Phấn) bất ngờ đưa ra tài liệu, chứng cứ mới cho rằng liên quan.

Cụ thể, tài liệu là file ghi âm được lưu trữ trong USB được cho là ghi lại cuộc nói chuyện giữa bị cáo Phấn với các ông: Nguyễn Hữu Luận (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Phương Trang), Phạm Đăng Quan (Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Phương Trang) và Trịnh Thanh Cao (người giới thiệu ông Luận gặp bà Phấn). Nội dung cuộc nói chuyện này, đại diện Công ty Phương Trang thừa nhận khoản vay trên 9.000 tỉ đồng của công ty này tại Ngân hàng Đại tín.
Về nguồn gốc chứng cứ, LS Thơ trình bày: “Khi tham gia bào chữa cho bị cáo Phấn từ tháng 3-2017, tôi được bị cáo Phấn giao một thùng hồ sơ, trong đó có USB này. Tôi là người trực tiếp nghe nội dung ghi âm và viết lại toàn bộ thông tin”. Về mối quan hệ giữa lãnh đạo Công ty Phương Trang và bà Phấn, LS Thơ đưa ra nhiều bức ảnh lãnh đạo Công ty Phương Trang, bị cáo Phấn và lãnh đạo Ngân hàng Đại Tín chụp chung với nhau khi đi du lịch tại Hàn Quốc...
Trước diễn biến này, HĐXX đã chuyển giao tài liệu này cho VKS để xem xét, đánh giá trong vòng ba ngày và sẽ thông báo kết quả đánh giá chứng cứ. Sau đó VKS cho rằng về mặt pháp lý, tài liệu trên chỉ dựa vào lời kể của LS Thơ thì chưa đủ cơ sở xác định LS Thơ nhận tài liệu này từ bà Phấn.
Và trước khi bị khởi tố bị can, bà Phấn đã nhập viện cấp cứu. Từ đó đến nay, CQĐT đã nhiều lần đến bệnh viện xác nhận tình trạng sức khỏe để tiến hành hỏi cung nhưng bà Phấn luôn trong tình trạng khó tiếp xúc, gọi hỏi không trả lời. Vì vậy, nội dung trong băng ghi âm được cho là do bà Phấn trao đổi là không hợp lý.
Theo VKS, việc LS cung cấp các đồ vật tại phiên tòa phải có yêu cầu của bà Phấn. Luật tố tụng hiện hành quy định rõ về việc cung cấp đồ vật, tài liệu liên quan đến vụ án. Để đảm bảo quyền lợi cho bị cáo Phấn, việc công bố tài liệu liên quan đến bị cáo phải có yêu cầu của bị cáo. LS Thơ không phải là người đại diện của bà Phấn. VKS cho rằng việc tổ chức cho người nghe ghi âm là không hợp lý.

Những điểm đáng chú ý trong vụ án 'đại gia' Hứa Thị Phấn ảnh 3
Phiên tuyên án ngày 31-5.

Ngoài ra, LS này cung cấp nhiều tấm ảnh và ký tên trên từng tấm ảnh đó, LS phải chịu trách nhiệm về tài liệu mình cung cấp. Từ đó, VKS cho biết không chấp nhận toàn bộ tài liệu trên.

Trong bản án đã tuyên, tòa xét nguồn gốc việc thu thập chứng cứ của LS không thể xác định. Và không thể chứng minh được chiếc USB này do bà Phấn cung cấp, cũng như chưa được đối chất với bà. Vì vậy, không có căn cứ để chấp nhận đây là chứng cứ của vụ án.
4. 3/5 thành viên HĐXX xét xử từng tham gia HĐXX khởi tố vụ án

LS của bà Phấn trong phần tranh luận cho rằng HĐXX có 3/5 người đã tham gia phiên xử trước đó ra quyết định khởi tố vụ án này. Sau đó các thành viên này lại là HĐXX xét xử các bị cáo là vi phạm tố tụng.

VKS đối đáp không đồng tình. Theo viện, BLTTHS quy định HĐXX có quyền khởi tố vụ án. Trong vụ án Phạm Công Danh giai đoạn 1, HĐXX đã ban hành ba quyết định khởi tố, các quyết định này hoàn toàn khách quan, không vi phạm quy định pháp luật. Đồng thời, không có điều luật nào quy định thành phần HĐXX khởi tố vụ án thì không được tham gia xét xử vụ án đó. Từ đó, VKS khẳng định HĐXX vụ án này là đúng quy định.

Những điểm đáng chú ý trong vụ án 'đại gia' Hứa Thị Phấn ảnh 4
HĐXX vụ án Hứa Thị Phấn và đồng phạm.

Tòa cũng khẳng định là HĐXX vụ án này là đúng quy định. Vì theo quy định của BLTTHS, HĐXX có quyền khởi tố vụ án. Trong vụ án Phạm Công Danh giai đoạn 1, HĐXX đã ban hành ba quyết định khởi tố, các quyết định này hoàn toàn khách quan, không vi phạm quy định của pháp luật. Và không có điều luật nào quy định thành phần HĐXX khởi tố vụ án thì không được tham gia xét xử vụ án đó.

5. VKS thừa nhận có một số bản cung sai sót

Cũng trong tranh luận, một số LS cho rằng có dấu hiệu mớm cung, ghi lời khai không khách quan trong quá trình điều tra, truy tố vụ án. Đáng chú ý là nhiều bản cung trùng ngày, giờ, bản cung "sinh đôi"... Theo LS, đây là vi phạm nghiêm trọng tố tụng.

Những điểm đáng chú ý trong vụ án 'đại gia' Hứa Thị Phấn ảnh 5
Đại diện VKS tại phiên xử.

VKS thừa nhận trong quá trình điều tra có sai sót. Tuy nhiên, Viện khẳng định đó là sai sót về hình thức, không ảnh hưởng đến nội dung vụ án. Cụ thể, các bị cáo không bị ép cung, dưới mỗi bản cung đều được ký tên. Tại tòa, không có bị cáo nào thay đổi lời khai, nói mình bị ép cung, trừ bị cáo Loan và không có bị cáo nào khai kiểm sát viên, điều tra viên lấy lời khai cùng lúc với bị cáo khác.

HĐXX đánh giá vấn đề LS nêu chỉ là mang tính chất suy đoán, chủ quan của LS. Bởi lẽ quá trình lấy lời khai, đương sự có quyền giữ nguyên hoặc thay đổi nội dung đã trình bày tại bản tường trình cũng như không có quy chuẩn nào xác định mỗi giờ làm việc điều tra viên có thể đánh máy bao nhiêu lời khai.
Đối với một số biên bản ghi lời khai, bảng hỏi cung trùng lặp về mặt thời gian như lời trình bày tại tòa của LS, quá trình xét hỏi công khai tại phiên tòa, các bị cáo đều xác định việc tham gia hỏi cung giữa các bị cáo cũng như người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hoàn toàn độc lập và nội dung ghi tại các biên bản hỏi cung, biên bản lấy lời khai nói trên hoàn toàn đúng sự thật, không bị ép cung.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm