Nhiều giám định viên bị đe dọa, khủng bố

Sáng 19-10, tại Đà Nẵng, Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (gọi tắt là Cục giám định) - Bộ Xây dựng phối hợp với Cục Bổ trợ tư pháp - Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị Thảo luận giải pháp tháo gỡ những vướng mắc trong hoạt động giám định tư pháp xây dựng.

Hội nghị diễn ra tại Đà Nẵng sáng 19-10. Ảnh: TẤN VIỆT

Theo thống kê của Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, từ năm 2010 đến nay, cả nước có khoảng 350 vụ việc được trưng cầu giám định, được giải quyết đáp ứng yêu cầu hoạt động tố tụng.

Tuy nhiên, quá trình giải quyết còn gặp nhiều vướng mắc do trưng cầu tổ chức, cá nhân không đủ năng lực. Một số tổ chức, cá nhân khi trưng cầu giám định vẫn còn từ chối, né tránh tham dự các phiên tòa.

Riêng Cục giám định mỗi năm nhận từ 8 đến 10 văn bản trưng cầu giám định. Các yêu cầu này thường đến từ các TAND cấp huyện, tỉnh, sau khi các đơn vị tư vấn địa phương từ chối thực hiện.

Hầu hết trong số này là các yêu cầu do tranh chấp dân sự, do việc xây dựng công trình mới ảnh hưởng đến công trình lân cận.

Ông Đỗ Việt Hà, đại diện Cục giám định, cho hay quá trình thực hiện công tác giám định của cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn.

Nguyên nhân chủ yếu do đối tượng kiểm định thường là công trình đang trong quá trình xây dựng. Còn đối tượng giám định tư pháp thường là công trình cũ, hoặc là công trình gặp sự cố, hiện trạng không còn nguyên vẹn.

“Nhiều công trình không có hồ sơ thiết kế, quản lý chất lượng. Một số công trình xảy ra tranh chấp thì khó tiếp cận, đôi khi bị cản trở hoặc chủ công trình không cho phép đào bới để tiếp cận kết cấu chịu lực”, ông Hà nói.

Đáng chú ý, bà Nguyễn Thị Thụy, Trưởng phòng Giám định tư pháp, Cục bổ trợ Tư pháp (Bộ Tư pháp), cho hay gần đây người thực hiện công tác giám định thường bị đe dọa.

Bà Nguyễn Thị Thụy, Trưởng phòng giám định Tư pháp, Cục bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp). Ảnh: TẤN VIỆT

Vì vậy, bà Thụy đề nghị các cơ quan tố tụng, người tiến hành tố tụng có thẩm quyền phải đảm bảo an toàn cho người giám định trong quá trình thực hiện giám định và cả khi tham gia tố tụng.  

Cũng theo bà Thụy, nhiều giám định viên đã bị đe dọa bằng điện thoại, khủng bố bằng tin nhắn.

“Cả khi giám định viên phiên tòa trình bày bản kết luận giám định của mình cũng bị một số người tham gia tố tụng, người nhà, anh em của bị cáo đe dọa”, bà Thụy nói.

Bà Thụy cho hay nghĩa vụ đảm bảo an toàn cho người giám định thuộc về đơn vị trưng cầu giám định. Bởi, cơ quan trưng cầu, nhất là cơ quan điều tra ban đầu đã mời họ tham gia với tư cách là nhân chứng chuyên môn, thì phải đảm bảo an toàn cho nhân chứng chuyên môn đó.

Cũng tại hội nghị, nhiều thắc mắc về hoạt động giám định tư pháp xây dựng được nêu ra được chủ trì hội nghị giải đáp cụ thể.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm