Nhiều điểm khác nhau giữa luật cũ và mới

Còn luật 2017 quy định người bị thiệt hại có quyền lựa chọn hoặc yêu cầu trực tiếp cơ quan quản lý người thi hành công vụ bồi thường, nếu không đồng ý thì khởi kiện hoặc có quyền khởi kiện trực tiếp cơ quan đó ra tòa.

So với luật 2009 thì luật 2017 đã mở rộng phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Riêng trong lĩnh vực tố tụng hình sự, so với Điều 26 luật 2009 thì Điều 18 luật 2017 bổ sung trường hợp được bồi thường do người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp; do pháp nhân thương mại bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án oan. Việc bổ sung này nhằm đảm bảo phù hợp với quy định của khoản 1 Điều 31 BLTTHS và BLHS 2015.

Luật 2017 đã bổ sung nhiều loại thiệt hại được bồi thường, trong đó bổ sung các thiệt hại được bồi thường phát sinh trong thực tế chưa được luật 2009 quy định. Chẳng hạn thiệt hại về vật chất do người bị thiệt hại chết (Điều 25) và thiệt hại về vật chất do sức khỏe bị xâm phạm (Điều 26).

Đối với thiệt hại về tinh thần, Điều 27 luật 2017 đã sửa đổi, bổ sung toàn diện quy định thiệt hại về tinh thần: Trong trường hợp áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn; trường hợp giữ người trong trường hợp khẩn cấp và trường hợp công chức bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc trái pháp luật. Tăng mức bồi thường thiệt hại về tinh thần đối với các trường hợp bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự; trường hợp thiệt hại về tinh thần do sức khỏe bị xâm phạm.

Về thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường, luật 2017 đã sửa đổi, bổ sung toàn diện thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường, như thời hạn giải quyết được rút ngắn từ 95-125 ngày xuống còn 41-71 ngày…

Đáng chú ý, so với luật 2009, Điều 56 luật 2017 đã sửa đổi, bổ sung cụ thể việc quy định về hình thức phục hồi danh dự. Theo đó, quy định rõ các hình thức phục hồi danh dự tương ứng với từng đối tượng được bồi thường. Ngoài ra, luật 2017 bổ sung thêm ba điều mới quy định về chủ động phục hồi danh dự (Điều 57); trực tiếp xin lỗi và cải chính công khai (Điều 58); đăng báo xin lỗi và cải chính công khai (Điều 59).

Về trách nhiệm hoàn trả, luật 2009 quy định trong tố tụng hình sự, nếu người thi hành công vụ có lỗi vô ý gây thiệt hại sẽ không phải chịu trách nhiệm hoàn trả thì luật 2017 quy định người thi hành công vụ nếu có lỗi gây thiệt hại thì phải có nghĩa vụ hoàn trả. Luật 2017 còn tăng mức hoàn trả với tỉ lệ tương ứng mức độ lỗi và số tiền mà Nhà nước đã bồi thường…

ThS NGUYỄN TRƯƠNG TÍN, giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm