Nhiều cơ quan thiếu hợp tác với thừa phát lại

Lý do mà các cơ quan, đơn vị thường đưa ra để từ chối cung cấp thông tin về điều kiện thi hành án (THA) của đương sự là “nội quy không cho phép” hoặc thừa phát lại (TPL) “không phải là cơ quan nhà nước có thẩm quyền”. Bị từ chối hợp tác, các văn phòng TPL phải xếp hồ sơ vụ việc lại để chờ.

Từ chối thẳng hoặc không trả lời

Đầu năm rồi, Văn phòng TPL quận Thủ Đức (TP.HCM) gửi văn bản đến Ban Quản lý dự án TP.HCM yêu cầu cung cấp thông tin về một số công ty mà đơn vị này giao thực hiện công trình. Văn phòng TPL quận Thủ Đức muốn tìm hiểu tình hình tài chính của các công ty này, muốn biết ban quản lý dự án trả các công ty bao nhiêu tiền để làm cơ sở đánh giá xem các công ty có điều kiện THA hay không. Sau đó, Ban Quản lý dự án TP.HCM đã gửi văn bản từ chối cung cấp thông tin với lý do là vấn đề mà TPL hỏi không liên quan đến họ.

Bà Đỗ Thị Thúy Hảo (Trưởng Văn phòng TPL quận Tân Bình, TP.HCM) than thở: Nhân viên văn phòng bà cho biết nhiều trường hợp họ bị cơ quan liên quan từ chối thẳng thừng vì cho rằng TPL là cơ quan tư nhân, không có thẩm quyền như cơ quan nhà nước.

Bà Nguyễn Thị Hạnh (Trưởng Văn phòng TPL quận 1, TP.HCM) cũng kể: Văn phòng của bà từng gửi văn bản yêu cầu xác minh đến Chi cục Thuế quận 1 thì nơi đây có văn bản trả lời: “Các văn bản hướng dẫn của cơ quan không có nội dung nào nói đến việc cung cấp thông tin cho TPL mà chỉ có cơ quan THA dân sự, mong văn phòng TPL thông cảm vì quy định không cho phép cung cấp thông tin”.

Không chỉ từ chối thẳng thừng, nhiều cơ quan còn mặc kệ, không trả lời yêu cầu của TPL. Chẳng hạn, từ tháng 10-2014, Văn phòng TPL quận 1 đã gửi văn bản đến Cục Thuế TP.HCM và Chi cục Thuế quận Tân Phú yêu cầu cung cấp thông tin về tình trạng đóng thuế của một số doanh nghiệp nhằm xác minh điều kiện THA nhưng đến nay vẫn chưa được hồi âm. Hoặc Văn phòng TPL quận Bình Thạnh (TP.HCM) gửi văn bản yêu cầu Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị TP.HCM cung cấp thông tin cũng không được trả lời.

Theo ông Nguyễn Đức Thịnh (Trưởng Văn phòng TPL quận Gò Vấp, TP.HCM), có lần một văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất còn đòi hỏi văn phòng của ông phải cung cấp thông tin về số giấy chứng nhận, số thửa, tờ bản đồ thì mới cung cấp thông tin về chủ sử dụng lô đất. Trong khi số giấy chứng nhận, số thửa đất… cũng chính là những thông tin mà văn phòng của ông đang cần tìm hiểu.

TPL Đỗ Phi Thường, Văn phòng TPL quận Gò Vấp,TP.HCM (phải) đang ghi nhận hiện trạng một vụ đòi mặt bằng cho thuê. Ảnh: T.TÙNG

Chuyển biến chậm

Theo bà Đỗ Thị Thúy Hảo, gần đây một số cơ quan như Phòng TN&MT, quản lý đô thị, công an đã chịu hợp tác hơn với TPL. Tuy nhiên, một số cơ quan khác vẫn từ chối cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ cho TPL.

Chẳng hạn, ngành ngân hàng, thời gian đầu tất cả đều từ chối cung cấp thông tin cho TPL. Từ ngày có Thông tư liên tịch 03 ngày 17-1-2014 của bộ trưởng Bộ Tư pháp - thống đốc Ngân hàng Nhà nước (hướng dẫn việc xác minh điều kiện THA của TPL tại các tổ chức tín dụng) thì các ngân hàng đã chịu phối hợp với TPL. Tuy nhiên, các ngân hàng cũng chỉ hỗ trợ xác minh tài khoản chứ chưa hỗ trợ về phong tỏa tài khoản, khấu trừ tiền trong tài khoản, gây khó khăn cho hoạt động trực tiếp tổ chức THA của TPL. Riêng cơ quan thuế thì đến nay vẫn chưa nhiệt tình thông tin những vấn đề TPL hỏi, thậm chí việc xuất hóa đơn giá trị gia tăng cho người mua trúng đấu giá tài sản THA cũng chậm chạp.

“Các cơ quan có thẩm quyền ở trung ương cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn việc phối hợp, hỗ trợ, cung cấp thông tin cho TPL trong các lĩnh vực thuế, đăng ký quyền sử dụng đất, đăng ký xe, thông tin dự án, nhà thầu…” - ông Lê Mạnh Hùng (Trưởng Văn phòng TPL quận Bình Thạnh) đề xuất. Theo ông Hùng, nếu không có chỉ đạo thống nhất từ cấp trên thì các văn phòng TPL sẽ vẫn gặp khó bởi các cơ quan cấp dưới không hợp tác.

Nơi nói bận, nơi ra điều kiện

Không chỉ trong hoạt động xác minh điều kiện THA, TPL còn không được hợp tác hoặc chỉ được hỗ trợ nửa vời trong hoạt động tống đạt văn bản. Bên cạnh nhiều cán bộ phường, xã, tổ, khu phố… ở TP.HCM tích cực hỗ trợ các văn phòng TPL thì vẫn còn có những cán bộ, cơ quan rất hờ hững vì cho rằng đó không phải là việc của mình.

“Nhân viên của tôi thường gặp tình huống khó khăn do sự hỗ trợ nửa vời từ cán bộ, cơ quan nhà nước” - TPL Nguyễn Đức Thịnh cho biết. Chẳng hạn, khi tống đạt không thành phải làm thủ tục niêm yết thì tổ trưởng khu phố vui vẻ xác nhận vào biên bản tống đạt không thành nhưng cán bộ cảnh sát khu vực thì từ chối. Khi thư ký nghiệp vụ mang giấy tờ để xin con dấu xác nhận của phường thì đại diện phường thường nói bận họp, bận đi công tác. “Có khi làm một thủ tục mà cả tuần không xong, trong khi chỉ cần tống đạt chậm trễ một ngày là tòa hoặc cơ quan THA than phiền” - ông Thịnh nói.

Một thư ký nghiệp vụ Văn phòng TPL quận 1 cho biết có lãnh đạo phường từng ra điều kiện là muốn được cử cán bộ đi cùng chứng kiến việc tống đạt, xác nhận, đóng dấu vào biên bản tống đạt thì văn phòng TPL phải gửi văn bản trước vài ngày để đăng ký. Nếu không đăng ký trước thì phường chỉ đóng dấu với biên bản niêm yết văn bản tại phường, không đóng dấu vào biên bản khác. Nhân viên Văn phòng TPL quận 1 đã cố giải thích, thuyết phục rằng nếu phải mất vài ngày đăng ký trước như vậy sẽ không kịp thời gian so với yêu cầu của tòa, cơ quan THA. Ngoài ra việc phải đi lại nhiều lần mới có được con dấu xác nhận sẽ mất thời gian, tăng chi phí đi lại, trong khi phí tống đạt còn thấp, thời gian tống đạt thì chỉ có năm ngày làm việc. Cũng may lãnh đạo phường này cuối cùng cũng thông cảm và bỏ điều kiện mà mình đặt ra.

Tương tự, lãnh đạo một phường khác nói với nhân viên Văn phòng TPL quận 1 là chỉ chấp nhận ký tên vào biên bản niêm yết văn bản tại phường nhưng không đóng dấu với lý do “Phòng Tư pháp quận hướng dẫn như vậy”. Nhân viên văn phòng TPL lại phải kiên nhẫn giải thích, thuyết phục...

Tăng cường phối hợp, hỗ trợ cho TPL

Theo UBND TP.HCM, các cơ quan, tổ chức cần chú trọng việc tăng cường phối hợp, hỗ trợ cho TPL. TP cũng kiến nghị cấp trung ương có văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc, cơ quan địa phương phối hợp, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi và cung cấp thông tin để TPL thực hiện công việc của mình.

Theo dự thảo báo cáo tổng kết việc thực hiện thí điểm chế định TPL của Chính phủ, các cơ quan cần xác định TPL là một hướng đi đúng đắn về cải cách tư pháp, từ đó nhận thức đúng về vai trò, tác động của TPL với tư cách là dịch vụ công, hỗ trợ cơ quan tư pháp. Tránh tình trạng phân biệt, cho rằng TPL là hoạt động dịch vụ tư nhân nên các cơ quan công quyền không có trách nhiệm phối hợp hoặc thực hiện không đầy đủ các yêu cầu của TPL.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm