Nhân viên cây xăng móc túi khách: Điều kiện để xử hình sự

Từ nhiều năm nay, tình trạng gian lận trong việc đổ xăng, thối tiền cho khách tại các cây xăng đã bị phát hiện và xử lý. Tuy nhiên, đến nay, vấn nạn nhức nhối gây thiệt hại quyền lợi cho người tiêu dùng vẫn tái diễn.

PLO vừa có hai bài điều tra phản ánh việc một cây xăng ở đường Phạm Văn Đồng, TP Thủ Đức xảy ra tình trạng nhân viên ngoài kiểu dùng tiểu xảo lấy tiền ngay trước mặt khách thì còn chiếm đoạt tiền bằng cách bơm nối số (không gạt cần trên trụ bơm xăng về số 0 khi bơm cho khách tiếp theo).

Số tiền mà một người khách của cây xăng này bị chiếm đoạt chừng vài chục ngàn đồng đến 100 ngàn đồng. Thời điểm mà người bán xăng ra tay với khách thường vào giờ tan tầm, đông người, trời mưa hoặc khách hàng lơ là, không chú ý đến việc đổ xăng (không nhìn màn hình xăng, thành tiền, không nhìn bình xăng...).

Theo nhiều luật sư, các hành vi gian lận như sửa chữa phương tiện đo xăng dầu, cân đo sai lệch, kinh doanh xăng dầu kém chất lượng có thể bị xử phạt hành chính vì vi phạm các quy định của Luật Đo lường 2011, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật 2006/ hoặc xử lý hình sự về tội lừa dối khách hàng theo Điều 198 BLHS 2015 (trong việc mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mà cân, đong, đo, đếm, tính gian hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác).

Luật sư Nguyễn Hoàng Nam, Đoàn Luật sư TP.HCM, phân tích: Riêng hành vi như hai bài báo phản ánh thì muốn xử lý hình sự về các tội chiếm đoạt tài sản (chẳng hạn tội lừa đảo hay tội trộm cắp) thì phải chứng minh được có sự tổ chức đường dây gian lận, hoặc phải tìm ra nhiều cá nhân bị chiếm đoạt tiền bằng thủ đoạn gian dối của người bán xăng.

Bị hại phải có các chứng cứ chứng minh cho thiệt hại của họ, như: bị trả tiền thối lại bị thiếu phải có người chứng kiến, bơm nổi số phải chụp lại được đồng hồ tính tiền và lượng xăng... Các thiệt hại phải được xác định hợp lý, có căn cứ...

Bị hại phải có đơn yêu cầu, giá trị tài sản bị chiếm đoạt phải từ 2 triệu đồng trở lên mới xử lý được... Tuy nhiên, do số tiền bị chiếm đoạt của mỗi cá nhân trong những trường hợp này thông thường chỉ vài chục ngàn đến 100 ngàn đồng nên hiếm người trình báo vì mất thời gian với quy trình xử lý rườm rà. 

Qua chứng cứ mà báo cung cấp, cơ quan điều tra cần vào cuộc kêu gọi bị hại lên tiếng tố cáo hành vi gian lận. Nếu số tiền đủ định lượng theo quy định thì có thể xử lý hình sự.

Luật sư Bùi Viết Nông, Đoàn Luật sư TP.HCM, bình luận: Để có những giải pháp hữu hiệu nhằm tránh tái diễn cảnh ngang nhiên "móc túi" khách hàng thì cần tiếng nói và hành động từ nhiều phía. Về phía người tiêu dùng, phải chủ động giám sát để bảo vệ quyền lợi của mình, báo tin cho Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để Hội lên tiếng bảo vệ quyền lợi hội viên. Hội này cũng cần phối hợp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để công bố danh sách cây xăng thường xuyên xảy ra chuyện ăn gian. Khi bị tẩy chay, bị mất doanh thu thì cửa hàng sẽ tự động chấn chỉnh lại. Đánh vào thương hiệu, đánh vào túi tiền là một giải pháp hiệu quả để cửa hàng thay đổi cung cách làm ăn...

Các cơ quan thẩm quyền phải quy được trách nhiệm của chủ cây xăng để đảm bảo giải quyết được phần gốc vấn đề. Cửa hàng xăng phải lắp đặt camera giám sát, công khai đường dây nóng tiếp nhân thông tin phản ánh. Cửa hàng phải khuyến cáo người tiêu dùng khi đổ xăng phải chú ý kỹ lưỡng, không tạo điều kiện cho hành vi gian lận có cơ hội hoành hành. Cửa hàng phải có cơ chế tuyển dụng và đãi ngộ nhân viên cho phù hợp, bồi dưỡng đạo đức kinh doanh...

Nếu khách phát hiện gian lận, gọi đường dây nóng báo tin hoặc phản ánh trực tiếp thì phải giải quyết ngay và luôn.

Cơ quan điều tra cần điều tra xem có chuyện người chủ bật đèn xanh cho hành vi gian lận thông qua việc khoán doanh số từng trụ xăng theo từng ca, ai dư nhiều thì hưởng nhiều hoặc bỏ lơ cho nhân viên tùy ý hành động... Phải truy được cơ chế giám sát, quản lý của chủ cửa hàng ở đâu.

Theo luật sư Nguyễn Quang Trung, Đoàn Luật sư TP.HCM, việc có bằng chứng đối với sai phạm trong việc bán xăng đã rõ. Tuy nhiên, khi xử lý cần xem xét kỹ sai phạm ở mức độ nào, phải xử lý hình sự nay chỉ đáng phạt hành chính. Nếu xử lý hình sự, cần phải có bằng chứng sát thực việc nhân viên cây xăng đã thu lợi bất chính bao nhiêu lần, với số tiền là bao nhiêu, có đủ yếu tố cấu thành tội phạm hay không. Việc xử lý hình sự một con người rất cần được xem xét thấu đáo, toàn diện, khách quan, kẻo làm oan.

Căn cứ Điều 8 Luật Bảo vệ người tiêu dùng, khi bị gian lận khi đổ xăng, khách hàng có thể bảo vệ quyền lợi của mình thông qua những cách sau:
- Khiếu nại trực tiếp với nhân viên bán xăng, người quản lý, chủ đại lý phân phối xăng và yêu cầu bồi thường thiệt hại số lượng xăng bị thiếu.
- Khiếu nại, tố cáo hành vi gian lận.
- Kiện đại lý bán xăng gian lận để bảo vệ quyền lợi của mình.
- Tố cáo hành vi gian lận của nhân viên bán xăng, người quản lý, chủ đại lý phân phối xăng trong trường hợp bị thiệt hại nghiêm trọng. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm