Nhận đất 2 ngày bị chiếm lại, không lẽ bó tay?

Ông Bùi Thanh Phong (xã An Phúc, huyện Đông Hải, Bạc Liêu) mua 28.000 m2 đất vuông tôm cùng ấp do Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Bạc Liêu bán đấu giá. Ông đã trả đủ tiền đất là 237 triệu đồng và được giao đất vào tháng 5-2011. Nhưng chỉ hai ngày sau khi nhận bàn giao đất, ông bị chủ đất cũ là gia đình bà T. mang dao đến đe dọa và chiếm lại đất cho đến nay.

Trả xong 237 triệu, tám năm chưa có đất

Sự việc bắt nguồn từ ngày 30-10-2005, ông Y. (chồng bà T.) có hành vi đoạt mạng một người trong xóm vì ghen tuông. Năm 2006, ông Y. bị tòa kết án 20 năm tù về tội giết người. Về trách nhiệm dân sự, HĐXX buộc ông Y. phải bồi thường và cấp dưỡng (một lần) cho hai con của gia đình nạn nhân tổng cộng là 60,8 triệu đồng.

Sau khi ông Y. đi thụ án tù, Cục THADS tỉnh đã THA phần dân sự trong bản án. Tài sản có giá trị của ông Y. (ông Y. đứng tên giấy đỏ) là thửa đất vuông tôm rộng 28.000 m2 đã bị Cục THADS kê biên, bán đấu giá theo quy định để lấy tiền THA. Sau tám lần giảm giá không ai mua, cuối cùng tháng 1-2011, ông Phong đã mua trúng đấu giá lô đất với giá 237 triệu đồng.

Sau khi ông Phong trả đầy đủ tiền đất, Cục THADS tỉnh đã dùng số tiền bán đấu giá này để THA cho gia đình nạn nhân. Sau khi trừ đi các khoản chi phí THA, số tiền còn lại là vài chục triệu đồng Cục THA giao trả lại nhưng bà T. không nhận.

Tháng 5-2011, Cục THADS tỉnh Bạc Liêu tổ chức cưỡng chế giao đất cho ông Phong nhưng gia đình bà T. chống đối, các lực lượng phối hợp phải khống chế phía bà T. lên xã thì mới giao được đất. Tuy nhiên, ngay sau đó thì thửa đất bị phía bà T. chiếm lại.

Phía bà T. cho rằng chỉ vì thi hành 60 triệu đồng mà Cục THADS tỉnh bán cả vuông tôm rộng 28.000 m2 trị giá tiền tỉ là không hợp lý, trong khi đây là nguồn sống duy nhất của bốn mẹ con bà. Do vậy, mẹ con bà phải làm liều là chiếm lại tài sản sau khi đã gửi đơn kêu cứu khắp nơi.

Trong khi về trình tự thủ tục việc THA của Cục THADS tỉnh Bạc Liêu thì VKSND tỉnh này đã có kết luận là trả lời cho đương sự là đã làm đúng quy định.

Vợ ông Bùi Thanh Phong bên chồng hồ sơ vụ việc. Ảnh: TRẦN VŨ

Các cơ quan liên quan nói gì?

Sau khi bị uy hiếp bằng vũ lực và bị chiếm lại đất, ông Phong đã cầu cứu, khiếu nại, tố cáo khắp nơi. Cục THADS tỉnh Bạc Liêu trả lời rằng đã bàn giao đất cho ông Phong xong rồi, việc bị chiếm lại đất không còn là trách nhiệm của cơ quan THA nữa.

Tố giác hành vi của bà T. đến Công an huyện Đông Hải thì ông Phong không nhận được kết quả như mong muốn. Tháng 6-2013 và tháng 12-2018, cơ quan CSĐT công an huyện đã có văn bản trả lời cho ông Phong là không thể khởi tố bà T. Bởi bà T. chưa từng bị phạt hành chính về hành vi lấn chiếm đất đai hoặc từng bị kết án về cùng hành vi này nên không đủ yếu tố cấu thành tội vi phạm các quy định sử dụng đất đai theo Điều 228 BLHS 2015.

Theo công an huyện, cũng không thể xem xét hành vi của bà T. về tội không chấp hành án trong BLHS vì người phải THA trong vụ này là chồng bà T. chứ không phải bản thân bà.

Ông Phong cho biết vụ việc của mình được ghi nhận tại hơn 40 cuộc họp đại biểu HĐND, tiếp xúc đại biểu Quốc hội, các cuộc tiếp dân từ địa phương đến trung ương nhưng chỉ được ghi nhận mà chưa giải quyết.

Ông Phong cũng khiếu nại lên cấp tỉnh nhưng suốt tám năm qua sự việc vẫn giậm chân tại chỗ. Gần đây nhất là ngày 26-11-2015, UBND tỉnh Bạc Liêu có công văn trả lời hướng dẫn ông Phong khiếu nại đến UBND huyện Đông Hải. Ông Phong làm theo hướng dẫn là gửi đơn đến UBND huyện thì được hướng dẫn tiếp là gửi qua công an huyện. Cuối cùng, tháng 12-2018, cơ quan CSĐT công an huyện có văn bản trả lời cho ông Phong với nội dung như trên.

Ngày 4-4-2019, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM qua điện thoại, ông Bùi Minh Túy, Chủ tịch huyện Đông Hải, cho rằng muốn nắm sự việc thế nào thì gặp ông Trịnh Việt Hưng, Chi Cục trưởng THADS huyện. Khi liên lạc thì ông Hưng nói ngắn gọn: “Vụ này trên Cục THADS tỉnh thi hành, dưới này chúng tôi không biết”.

Giải quyết cách nào?

Khoản 4 Điều 13 Nghị định số 62/2015 của Chính phủ (hướng dẫn luật THADS) quy định: Tài sản đã được giao trên thực tế cho người được nhận tài sản và người đó đã ký nhận vào biên bản giao, nhận tài sản nhưng sau đó bị chiếm lại thì cơ quan thi hành án dân sự không có trách nhiệm giao lại tài sản cho người được nhận tài sản.

Người đã nhận tài sản có quyền đề nghị UBND cấp xã nơi có tài sản yêu cầu người chiếm lại tài sản trả lại tài sản cho họ. Nếu người chiếm lại tài sản không trả lại thì người đã nhận tài sản có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Vì thế trong vụ này, trách nhiệm của Cục THADS tỉnh Bạc Liêu đã hết.

Việc bà T. chiếm lại đất của ông Phong thì thẩm quyền xử phạt hành chính thuộc công an hoặc UBND cấp xã nơi có đất. Do đó, ông Phong cần làm đơn yêu cầu địa phương xử lý theo thẩm quyền. Trong quyết định xử phạt hành chính cần áp dụng hình phạt phụ là áp dụng biện pháp cưỡng chế bà T. chấm dứt hành vi vi phạm. Nếu bà T. tiếp tục vi phạm thì xử phạt nặng hơn, lúc này thẩm quyền thuộc chủ tịch UBND huyện. Cuối cùng, nếu bà này vẫn không chấp hành thì UBND huyện là cơ quan có quyền kiến nghị công an cùng cấp xử lý hình sự theo quy định.

TS NGUYỄN VĂN TIẾN, Trường ĐH Luật TP.HCM

SONG NGUYỄN ghi 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm