Nhà báo Nguyễn Đức Hiển: 'Sau bản án là phận người'

Lần đầu tiên ứng cử đại biểu HĐND TP.HCM, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM, khẳng định sẽ quan tâm đấu tranh cho những số phận oan sai; giám sát thực hiện chính sách xã hội và đề xuất giải pháp góp phần giải quyết những vấn đề cử tri quan tâm, trong đó có vấn đề tội phạm trẻ.

Chủ động tìm hiểu vấn đề cử tri quan tâm

. Phóng viên: Thưa ông, quan sát các cuộc tiếp xúc với cử tri của ông ở quận Bình Thạnh, chúng tôi nhận thấy ông đã trình bày khá sát sao những vấn đề mà bà con quan tâm như vấn nạn tội phạm, ma túy, cải cách hành chính, quy hoạch... Phải chăng vì ông là nhà báo nên nắm bắt được nhu cầu rất thiết thân của bà con?

+ Nhà báo Nguyễn Đức Hiển: Được giới thiệu ứng cử HĐND nhiệm kỳ 2021-2026, tôi thấy vinh dự nhưng cũng đầy lo lắng về trách nhiệm trước cử tri. Quận Bình Thạnh đã cung cấp rất nhiệt tình khái quát tình hình tổng thể về kinh tế, xã hội. Cạnh đó, nghề báo và vị trí công tác giúp tôi am hiểu tình hình. Tôi cũng cố gắng chủ động tìm hiểu những vấn đề người dân quan tâm, bức xúc. Tôi đặt mình vào vị trí cử tri để tự hỏi dân cần gì ở đại biểu.

Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM trả lời  cử tri quận Bình Thạnh tại một buổi tiếp xúc. Ảnh: NGUYỆT NHI

. Vậy với vai trò nhà báo, ông nghĩ mình có ưu thế gì trong việc thực hiện vai trò đại biểu của nhân dân?

+ Tôi cũng là cư dân đô thị, cũng đối diện với những vấn đề như bà con nên hiểu và đồng cảm với các ý kiến cử tri. Là nhà báo của một tờ báo chính trị - xã hội chuyên ngành pháp luật, tôi có ưu thế là thông tin và kiến thức luật. Ưu thế này giúp tôi tiếp cận và chuyển vấn đề của dân đến với cơ quan có thẩm quyền, đồng thời giám sát việc thực hiện.

Ông Nguyễn Đức Hiển sinh năm 1973, cử nhân luật, cao cấp lý luận chính trị; hiện là phó tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM; ứng cử viên đại biểu HĐND TP.HCM nhiệm kỳ 2021-2026; đơn vị bầu cử số 17, quận Bình Thạnh.

Đơn vị bầu cử số 17 gồm các ứng cử viên: Bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM; ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM; ông Vũ Ngọc Tuất, Bí thư Quận ủy Bình Thạnh; bà Nguyễn Thi Thanh, chuyên viên Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND TP.HCM; ông Nguyễn Văn Thưởng (Thượng tọa Thích Minh Thành), Phó ban Giáo dục Phật giáo Trung ương Giáo hội. 

Giám sát hoạt động tố tụng để ngăn ngừa án oan

. Nhiều năm là phóng viên, ông góp phần giúp nhiều người được minh oan, nhiều trường hợp tìm được công lý, trong đó có những vụ án phải mất hàng chục năm mới sáng tỏ. Điều này mang lại cho ông cảm xúc gì?

+ Sau bản án là phận người. Nỗi đau vì bị oan có khi theo người bị oan đến suốt đời. Những ước mơ, hạnh phúc bị đổ vỡ. Những dự định không thể thực hiện. Thậm chí, gia đình, con cái của họ cũng chịu vạ lây. Thiệt hại không gì bù đắp được.

. Theo ông, cần các giải pháp gì để ngăn ngừa hạn chế án oan?

+ Luật đã có nhiều quy định và liên ngành tố tụng đã đặt nhiều giải pháp. Quá trình cải cách tư pháp theo Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị coi mục tiêu lớn nhất là bảo vệ công lý, đề cao quyền con người và yêu cầu bảo vệ quyền con người.

Theo tôi, phải tuân thủ triệt để pháp luật tố tụng trong việc thu thập và đánh giá chứng cứ, đặc biệt là ở giai đoạn điều tra. Cạnh đó, khả năng phản biện trong mỗi cơ quan tố tụng và liên ngành tố tụng là rất cần thiết. Và quan trọng nhất là tuân thủ nguyên tắc suy đoán vô tội: Nếu không chứng minh được tội phạm một cách thuyết phục, đúng quy định tố tụng thì phải coi như họ vô tội, cho dù một số chứng cứ cho thấy dấu hiệu tội phạm.

. Các đại biểu dân cử có chức năng và quyền hạn giám sát các cơ quan tố tụng, tuy nhiên vẫn có án oan, sai. Vậy nguyên nhân là gì, thưa ông?

+ Sự giám sát của đại biểu trong cơ quan quyền lực không thể giúp khắc phục hoàn toàn tình trạng oan, sai vì nhiều lẽ: năng lực, thời gian, kỹ năng đại biểu. Đại biểu HĐND không thể và cũng không có quyền làm thay nhiệm vụ của cơ quan khác. Tuy nhiên, việc đại biểu quan tâm, kiến nghị để HĐND yêu cầu các cơ quan chức năng xem xét lại tính hợp lý của bản án, quyết định sẽ mở ra những cơ hội phân tích, phát hiện, khắc phục tình trạng oan, sai.

Cạnh đó cũng cần nhìn nhận là có những vụ án oan chỉ được phát hiện một cách rất không ngờ. Hơn 20 năm trước, ngày 2-6-1999, vụ án Bùi Minh Hải (xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) được đưa ra xét xử phúc thẩm. HĐXX đã tuyên ông Hải không phạm tội hiếp dâm, cướp tài sản, giết người như bản án sơ thẩm đã tuyên. Nguyên nhân là có người tên Nguyễn Văn Tèo cảm thấy xấu hổ, cắn rứt khi người khác bị hàm oan nên khai ra hắn chính là thủ phạm.

Theo tôi, đại biểu HĐND có thể góp phần phát hiện, khắc phục oan, sai thông qua việc giám sát hoạt động tố tụng. Có như vậy, công lý mới không bị lệ thuộc vào sự xấu hổ của những Nguyễn Văn Tèo.

. Xin cám ơn ông.

Cần trang bị “kháng thể” cho giới trẻ

. Nếu trúng cử đại biểu HĐND, ông sẽ thực hiện điều gì để giảm bớt vấn nạn tội phạm trộm cướp, ma túy, đặc biệt tội phạm trẻ, hoạt động liều lĩnh?

+ Công an và các cơ quan bảo vệ pháp luật đã có nhiều thành quả lớn lao trong việc chủ công đấu tranh, trấn áp tội phạm. Tuy nhiên, tội phạm nảy sinh từ đời sống, từ môi trường gia đình, dân cư và các mâu thuẫn xã hội nên muốn kéo giảm, phải cải thiện môi trường phát sinh ra nó. Cũng như dịch COVID-19, con người, nhất là giới trẻ phải được trang bị kháng thể để miễn nhiễm và đấu tranh với cái xấu, cái ác luôn có thể nảy sinh.

Tôi quan tâm đặc biệt đến những tội phạm khó phòng ngừa nhất, là hành vi phạm tội nảy sinh do mâu thuẫn xã hội ở giới trẻ. Tội phạm bạo lực ở giới trẻ sẽ giảm đi nhiều nếu bên cạnh việc giáo dục đạo đức, các em được trang bị kỹ năng giải quyết vấn đề để không dùng đến bạo lực; kỹ năng đánh giá sự việc để lựa chọn cho mình một cách ứng xử phù hợp.

Nếu trúng cử, tôi có cơ hội nhiều hơn để tiếp cận, giám sát thực hiện những chính sách xã hội và đề xuất giải pháp góp phần giải quyết những vấn đề cử tri quan tâm, trong đó có vấn đề tội phạm trong giới trẻ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm